Vì sao người Pháp làm ít, chơi nhiều, vẫn thành công?

11/08/2015 10:06 AM | Nghề nghiệp

Người Pháp dành trọn tháng 8 để nghỉ ngơi. Các công ty Việt Nam có lẽ sẽ không thích ý tưởng này.

Nội dung nổi bật:

- Hàng năm cứ vào tháng 8, những người lao động Pháp lại tận hưởng kỳ nghỉ 31 ngày trong năm của mình tại những nơi tuyệt đẹp như Cannes, Ý, Tây Ban Nha hay Hy Lạp.

- Nhiều người sẽ coi đây là sự lười biếng nhưng kỳ nghỉ này là cách người Pháp tránh để mình rơi vào tình trạng làm việc quá tải.


Trong khoảng giữa năm 1853 - 1870, Baron Haussmann đã ra lệnh thay đổi hoàn toàn diện mạo Paris. Những khu nhà ổ chuột bị dỡ bỏ và chuyển thành khu dân cư tư bản, thành phố rối ren trước đây được sắp xếp lại theo đúng trật tự với hàng loạt đại lộ rộng lớn và quảng trường. Những người Paris nghèo khổ cố gắng vùng lên phản đối kế hoạch này nhưng cuối cùng hầu hết buộc phải bỏ chạy. Nhà của họ bị phá huỷ mà không hề có bất kỳ khoản tiền đền bù nào. Paris dường như lột xác hoàn toàn - từ tầng lớp lao động và lối kiến trúc thời trung cổ trở thành giới tư bản và kiến trúc hiện đại - trong khoảng thời gian ít hơn 2 thập kỷ.

Ngày nay, cứ đến tháng 8 hàng năm, Paris lại chứng kiến một sự thay đổi toàn bộ gần giống như vậy. Khách du lịch tràn ngập trên các đường phố đẹp như tranh vẽ. Các cửa hàng đóng cửa. Những giọng điệu của người Anh, Ý hay Tây Ban Nha tràn ngập trên các đường phố Paris vắng tiếng Pháp. Vì sao ư? Vì mỗi người lao động Pháp được nghỉ ít nhất 31 ngày mỗi năm và đa phần đều chọn tháng này cho kỳ nghỉ của mình tại Cannes, Ý hay Tây Ban Nha và Hy Lạp.

Một vài người sẽ coi đây là sự lười biếng nhưng việc dành trọn cả tháng 8 để nghỉ ngơi là cách mà người Pháp tránh để mình rơi vào tình trạng làm việc quá tải. Kỳ nghỉ này thật sự mang lại nhiều lợi ích. Bởi càng làm việc nhiều, năng suất lao động của bạn càng giảm. Giống như quy luật Parkinson từng nêu ra: Công việc luôn tự mở rộng ra để chiếm đủ thời gian được ấn định cho nó. Vì vậy, làm việc ít hơn, bạn sẽ có xu hướng làm tốt hơn.

Thực tế lâu nay chúng ta đều biết rằng làm việc nhiều sẽ gây ra căng thẳng và làm giảm tuổi thọ. Nó cũng khiến bạn giảm mức độ gắn bó với công việc bởi đơn giản sự tập trung không thể duy trì được nhiều hơn 50 giờ mỗi tuần. Ngay cả Henry Ford cũng nhận ra hậu quả của làm việc quá tải khi ông quyết định giảm thời gian làm việc của nhân viên từ 48 giờ/tuần xuống còn 40 giờ. Ông tin rằng làm việc nhiều hơn 40 giờ/tuần sẽ khiến nhân viên gây ra nhiều lỗi.

Tại sao không nên coi nghỉ ngơi như là “thời gian chết” mà thay vào đó là khoảng thời gian để nhìn nhận lại?

Dĩ nhiên, với một số người do đặc điểm công việc có mức lương thấp bị buộc phải làm việc nhiều giờ để kịp tiến độ. Tuy nhiên, tại sao với một số khác - bao gồm cả những người có mức lương khá vẫn làm việc quá tải ngay cả khi họ không bị buộc phải làm như vậy?

Alexandra Michel - một giáo sư tại đại học Pennsylvania nhận ra rằng tại 2 ngân hàng đầu tư danh tiếng (bao gồm cả Goldman Sachs), nhân viên phải làm việc trung bình 120 giờ/tuần (tức là 17 giờ mỗi ngày). Điều này khiến nhân viên không chỉ “xao lãng với gia đình và sức khoẻ của bản thân” mà còn khiến họ làm thêm giờ ngay cả khi sếp không yêu cầu như vậy.

Michel kết luận rằng những cá nhân làm việc chăm chỉ không vì “tiền thưởng, bị phạt hay nghĩa vụ”. Ngoài ra, còn một yếu tố khác là dấu ấn xã hội. Sự bận rộn ngụ ý về vấn đề làm việc chăm chỉ, tức là có nhân cách tốt, học vấn cao và thậm chí sự giàu có trong hiện tại hay tương lai. Cụm từ “Tôi không thể, tôi rất bận” phát đi tín hiệu cho thấy bạn là một người nghiêm túc. Thực tế đây là suy nghĩ của người dân ở rất nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, thực tế cuối cùng hạnh phúc không được tìm thấy vào buổi tối muộn khi cố gắng làm việc mà hạnh phúc là khi tìm ra được cách làm việc ít hơn và có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Lâu nay, đã có nhiều nhà kinh tế viết về những cách đơn giản để sắp xếp lại thời gian làm việc trong ngày dựa trên những cải tiến về công nghệ nhằm giúp mang lại hiệu quả cao hơn. Nhìn chung, chúng ta nên làm việc ít đi, có thể không đạt được mức 15 giờ mỗi tuần, nhưng làm ít giờ hơn sẽ tốt hơn.

Cũng cần phải nói thêm rằng, dù làm việc quá tải dẫn đến giảm năng suất lao động, gia tăng căng thẳng và bệnh tật nhưng đối với công ty mà nói, chi phí sẽ rẻ hơn khi thuê một nhân viên làm việc 80 giờ mỗi tuần thay vì thuê 2 người để làm 40 giờ mỗi tuần.

Hiện một vài công ty đã bắt đầu thích thú với quan điểm “làm việc ít đi nhưng năng suất tốt hơn”. Ví dụ công ty phần mềm có trụ sở tại Michigan, Mỹ là Menlo Innovation công khai đánh giá thấp những nhân viên làm việc hơn 40 giờ mỗi tuần. Họ không xem làm việc quá tải là tín hiệu cho thấy nhân viên đó cống hiến hết mình cho công việc mà là sự không hiệu quả.

Hiện nhiều người vẫn gặp khó khăn trong việc xác định tầm quan trọng cơ bản của công việc so với thời gian rảnh rỗi. Cấu trúc mà nó mang lại, mục đích hướng đến hay ý nghĩa đạo đức thể hiện. Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu chúng ta xem những lúc thư giãn không phải “thời gian chết” mà là khoảnh khắc cần thiết để nhìn lại, để tạo cảm hứng sáng tạo, tiết kiệm trí thông minh và năng lượng cho công việc tương lai?

Mặc dù còn có ảnh hưởng của các vấn đề kinh tế nhưng tỷ lệ người Pháp làm việc quá tải chỉ ít hơn 9% so với mức 11% của người Mỹ và 43% của người Thổ Nhĩ Kỳ. Pháp cũng là một trong những nơi có người dân biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt nhất thế giới.

Làm việc quá nhiều không chỉ gây tổn thương cho sức khỏe tâm sinh lý mà còn ảnh hưởng tới thời gian mà chúng ta dành cho gia đình. Đây dường như chỉ là biện pháp đánh lừa khát vọng đề cao hành động làm việc, để cảm thấy có hiệu quả (dù thực tế không phải vậy) hay đơn giản để có thể nói với mọi người rằng “tôi rất bận” như một sự ám chỉ về địa vị trong xã hội.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM