Vào 'căn cứ' kiểm soát không lưu: Những người 'lái' phi công (Phần 1)

27/07/2014 09:40 AM | Nghề nghiệp

Trong ngành hàng không dân dụng, với xã hội thì “oai” nhất là đội ngũ phi công nhưng để hoàn thành những chuyến bay, họ phải tuyệt đối tuân thủ những huấn lệnh dẫn đường của kiểm soát viên không lưu

Kiểm soát viên không lưu (KSVKL) là những người hướng dẫn phi công từ lúc máy bay lăn ra đường băng cất cánh đến khi hạ cánh lăn vào nhà ga. Nhờ có các huấn lệnh của KSVKL, máy bay có thể đi đúng tuyến đường định sẵn, tránh va chạm.

Mắt xích trọng yếu

Với vai trò như vậy, KSVKL được coi là mắt xích trọng yếu của dây chuyền hàng không. Nếu tính toán không chính xác vận tốc máy bay, KSVKL có thể làm chuyến bay chậm vài phút. Nếu họ sơ suất khi ra huấn lệnh, một chuyến bay ngưng trệ có thể làm ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay sau đó.

Ông Nguyễn Vũ Linh, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Bay miền Nam, cho biết trước đây, chỉ có Học viện Hàng không đào tạo KSVKL. Gần đây, công ty có thể tuyển sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ ngành học tự nhiên loại khá để đào tạo tiếp khoảng 6 tháng rồi thực tập 1 năm mới được thi lấy giấy phép hành nghề. Yêu cầu quan trọng đối với KSVKL là phải thông thạo tiếng Anh vì đây là ngôn ngữ quy chuẩn trong ngành và là chìa khóa cho việc bảo đảm thông tin liên lạc.

Tinh thần thép

Trong hơn 100 KSVKL của Trung tâm Kiểm soát tiếp cận đường dài Hồ Chí Minh (ACC HCM), có đến 30% là nữ. Trong số những bóng hồng này có “hotgirl” Nguyễn Thị Phương Thanh, nghệ danh Sĩ Thanh. Đã nghe Sĩ Thanh hát, xem Sĩ Thanh đóng vai chính trong bộ phim Căn hộ số 69 nhưng tôi không tài nào nhận ra cô trong vai trò KSVKL. Trên màn ảnh, Sĩ Thanh có thể làm khán giả khóc cười thì ngược lại, khi ở đài không lưu, cô phải tỉnh táo, quyết đoán để hướng dẫn máy bay di chuyển an toàn.

Gặp vùng nhiễu động, phi công xin phép bay lệch ra cả chục km thì ngay trong đầu, KSVKL phải tính toán xem việc đó có ảnh hưởng đến các chuyến bay khác hay không rồi bấm điện thoại trao đổi với cơ quan quản lý vùng trời, nếu được chấp thuận thì phát lệnh cho phi công thực hiện. Khi phân cách giữa 2 máy bay không an toàn, trong vài giây, KSVKL phải bình tĩnh, dứt khoát đưa ra huấn lệnh cho máy bay giảm độ cao, rẽ trái hay phải để tránh nguy cơ xung đột mà không có thời gian bàn bạc. Cho nên, KSVKL phải có tinh thần thép để bình tĩnh, sáng suốt xử lý thông tin và quyết đoán trong quyết định phương án cuối cùng.

“Với nghề KSVKL, sai một ly là đi một dặm, tính mạng hàng trăm người bị đe dọa. Sáu năm làm KSVKL, may mắn là tôi chưa gặp sai sót. Tuy nhiên, không ít lần tôi tưởng như tim mình rớt ra ngoài khi đối mặt tình huống nguy hiểm” - Sĩ Thanh tâm sự.

“Đã vào ca là không phân biệt nam hay nữ. Nghề này vất vả, căng thẳng nhưng phải làm 3 ca. Nếu chị em nào vượt qua được thì đàn ông cũng phải kiêng nể” - ông Nguyễn Quý Đôn, Trưởng Trung tâm ACC HCM, nhận xét.  

Để hỷ nộ ái ố ngoài ca trực

KSVKL vào ca trực phải tuân thủ tuyệt đối quy trình làm việc. Họ phải đến sớm 15 phút để giao ban, nạp vào đầu “bức tranh” có nhiều máy bay đang di chuyển trong không gian 3 chiều để tiếp quản. Vì thế, KSVKL có tâm sinh lý không bình thường phải báo cáo cho kíp trưởng để được phân công vào vị trí đơn giản hoặc nghỉ trực. Nếu KSVKL không báo cáo, kíp trưởng phải quan sát để phát hiện.

Với KSVKL, phải rũ bỏ hết hỷ nộ ái ố trước khi vào ca. Năm 1992, một KSVKL có tin vui vợ sinh con trai. Vào ca tối trong tâm trạng phấn chấn, nhân viên này mất tập trung, vi phạm phân cách khi “thả” cho 2 máy bay bay sát nhau, có khả năng cắt ngang nhau. Lúc đó, hệ thống báo động trên máy bay đã tự động kích hoạt, hướng dẫn phi công “bẻ” lái cho một chiếc lên, một chiếc xuống để tránh xung đột. Sau sự cố này, cả kíp trực phải kiểm điểm, riêng KSVKL vi phạm bị thu giấy phép vĩnh viễn, phải chuyển sang làm việc khác...



Theo Tô Hà

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM