Tỷ phú công nghệ toàn bỏ học: Có phải nên quăng bằng IT vào sọt rác?

30/12/2014 14:36 PM | Nghề nghiệp

"Không phải ai cũng có thể kiếm được việc tại Google hay Facebook mà chỉ cần hoàn thành những khoá học trên mạng hay ở một trung tâm nào đó".

Ở tuổi 15, Shlomo Zippel có được công việc đầu tiên của mình ở vị trí lập trình viên. Có vẻ như đó cũng là dấu chấm hết cho sự nghiệp học hành của cậu.

“Tôi đã phải nói chuyện với thầy hiệu trưởng của mình rất nhiều lần. Cuối cùng, ông ấy cũng đã đồng ý sẽ không để bố mẹ tôi biết rằng tôi không đến trường, miễn là tôi tham dự và qua đủ các kỳ thi bắt buộc". Đó là lúc Zippel đang phát triển một hệ thống phần mềm được sử dụng bởi hầu hết các ngân hàng lớn và hãng tin Reuters tại Israel.

Năm 17 tuổi, số tiền Zippel nhận được còn nhiều hơn số tiền lương của cả bố mẹ cậu cộng lại, mặc dù cha của Zippel là một bác sĩ phẫu thuật.

Phải chăng tấm bằng IT đang ngày càng mất giá?

Có lẽ những câu chuyện bỏ học nhưng vẫn thành công đã quá đỗi quen thuộc trong giới công nghệ ngày nay. Cũng như Zippel, David Karp bỏ học ở tuổi 15 (thậm chí còn chưa bao giờ tốt nghiệp) để rồi tạo nên Tumblr (được Yahoo mua lại với giá 1 tỷ USD).  

Bill Gates, ông chủ của Microsoft hay Mark Zuckerberg, người sáng lập lên mạng xã hội Facebook cũng đều từng bỏ học ở Harvard. Tỷ phú công nghệ Peter Thiel thậm chí còn ủng hộ 100.000 USD cho mỗi sinh viên dám bỏ học để theo đuổi ý tưởng của họ.

Michael Solomon, sáng lập ra 10X Management, một startup nổi tiếng quy tụ hơn 80 lập trình viên nổi tiếng, cho biết nhiều người trong số họ không hề có bằng ĐH hoặc có bằng ĐH ở một chuyên ngành khác. “Vấn đề lớn nhất là việc trường lớp không thể thay đổi kịp với tốc độ phát triển của công nghệ. Chỉ nói về công nghệ phát triển web, xu hướng thay đổi theo hàng tháng", trích lời Erik Zuuring, một lập trình viên thế hệ 10X tại 10X Management.

“Bạn có thể bỏ ra 100.000 USD (bao gồm học phí và chi phí sinh hoạt) để lấy được một tấm bằng về Khoa học máy tính sau 4 năm nhưng chưa chắc bạn đã biết mọi thứ về lập trình", trích lời Jordyn Lee, người sáng lập ra SkilledUp, một thư viên giáo dục trực tuyến. Zippel cho biết cậu cũng từng gặp rất nhiều các tân cử nhân IT nhưng không hề rành về lập trình. Vì thế, điều này càng làm Zipple cảm thấy tự tin hơn về quyết định của mình.

Vậy học đại học để làm gì?

Nghe qua thì có vẻ như việc theo học các ngành IT đang ngày càng trở nên lãng phí về thời gian và tiền bạc. Tuy vậy, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. “Không phải tân cử nhân nào với chuyên ngành Khoa học máy tính cũng đều trở thành các lập trình viên.” Don Burks, kỹ sư trưởng tại Lighthouse Labs, Vancouver cho biết: “Đối với những ai đang xây dựng các website, các hệ thống SaaS hay startup, điều quan trọng là khả năng hiểu được vấn đề ở thời điểm đó".

Yuri Niyazov, chuyên gia IT tại Ruby on Rails cũng cho rằng: “Việc có một hiểu biết sâu về Khoa học máy tính sẽ giúp bạn trở thành một lập trình viên tốt hơn. Tôi bắt đầu cho rằng những ai đang cổ vũ cho hành động bỏ học của các kỹ sư công nghệ thật là một điều nguy hiểm. Bạn có thể giỏi code nhưng khi cả hệ thống gặp phải sự cố, đó là lúc các lý thuyết phát huy vai trò của nó.”

Danny Sleator, giáo sư về Khoa học máy tính tại trường Carnegie Mellon, một trong những trường ĐH hàng đầu nước Mỹ về công nghệ nói: “Còn rất nhiều điều bạn có thể học được trong trường ĐH chứ không chỉ đơn thuần là kỹ năng lập trình.”

Tất nhiên, cái giá 100.000 USD cho 4 năm học ĐH quả khiến nhiều người phải suy nghĩ. Không ngạc nhiên khi hiện nay có rất nhiều người thường tìm cách học các khoá học tương tự trên mạng Internet hay các chương trình bên ngoài.

Tuy vậy, không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn để hoàn thành những chương trình này. Theo số liệu thống kê từ SkilledUp, chỉ có 5% người dùng hoàn thành khoá học mà họ đăng ký. Đối với những khoá học phải trả một khoản phí, con số này tăng gấp đôi.

Đối với các trung tâm đào tạo bên ngoài (boot camps), con số này là gần 90%. Tất nhiên, các khoá học này luôn đòi hỏi học viên phải cam kết theo học tới cùng và họ thực sự phải tham gia các lớp học. Chi phí ước tính có thể từ vài ngàn USD tới hàng chục ngàn USD nhưng dù sao vẫn thấp hơn rất nhiều cho một tấm bằng thông thường. Đó là chưa kể thời gian để hoàn thành những chương trình này thường cũng ngắn hơn, từ vài tháng cho tới 1 hoặc 2 năm.

Không phải cứ bỏ học là có thể trở thành Mark Zuckerberg.

Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy, người học không thể kỳ vọng một mức lương 100.000 USD/năm ngay cho công việc đầu tiên. Với những lập trình viên tại 10X Management, bằng ĐH có thể không quan trọng với họ, nhưng để có thể kiếm được 300 USD/giờ, họ sẽ cần có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trước đó.

Tất nhiên, với kỹ năng và kinh nghiệm trời phú, bạn có thể tự phát triển dự án của riêng mình để trở thành triệu phú hoặc chấp nhận sống thoải mái với mức lương của một lập trình viên. Tuy vậy, rủi ro lớn nhất của việc không có bằng ĐH là bạn sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với những tân cử nhân từ các trường ĐH hàng đầu về công nghệ.

Giáo sư Sleator cũng cho biết: “Học ĐH có thể tốn thêm thời gian và tiền bạc, nhưng thực tế là phần lớn sinh viên của tôi đều nhận được những công việc tốt dù không phải ai cũng giỏi về lập trình. Tôi nghĩ không phải ai cũng có thể kiếm được việc tại Google hay Facebook mà chỉ cần hoàn thành những khoá học trên mạng hay ở một trung tâm nào đó.”

>> Bằng MBA đắt giá trên thị trường tuyển dụng

Khanh Lưu

Lưu Phi Khanh

Cùng chuyên mục
XEM