Thừa nhận bạn không ưa sếp có thể là quyết định sáng suốt nhất

06/12/2014 15:02 PM | Nghề nghiệp

Việc bộc lộ thẳng thắn những cảm xúc đó có thể là liều thuốc tốt nhất cho mối quan hệ giữa sếp và nhân viên.

Việc giám đốc và nhân viên có những suy nghĩ hoàn toàn trái ngược về mối quan hệ đôi bên là vô cùng bình thường. Một bà chủ cho rằng mình rất được tôn trọng và yêu quý có thể bị cấp dưới coi là gian xảo và thích kiểm soát người khác. Tương tự, một công nhân nghĩ mình được sếp yêu mến hẳn sẽ rất kinh ngạc khi biết thực ra, sếp chẳng coi trọng gì anh ta cả. 

Chúng ta thường không giỏi xác định xem người khác nghĩ gì về mình. Đôi khi, đằng sau cách cư xử nhã nhặn lại là cảm xúc giận dữ, thù oán và khinh thường. Kể cả khi những cảm xúc này được che giấu thì tính tiêu cực của chúng vẫn có thể phá hỏng các mối quan hệ.

Đáng ngạc nhiên là, theo một nghiên cứu mới đăng trên tập san Academy of Management Journal, việc bộc lộ thẳng thắn những cảm xúc đó có thể là liều thuốc tốt nhất cho mối quan hệ giữa sếp và nhân viên.

Kết quả nghiên cứu

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Michigan kiểm tra mối quan hệ cũng như động lực làm việc của 280 nhân viên và giám đốc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ khám phá ra rằng, khi nhân viên và sếp có quan điểm khác nhau về tình trạng mối quan hệ của họ, chất lượng công việc cũng bị ảnh hưởng.

Động lực làm việc giảm khi các nhân viên nghĩ về sếp một đằng mà sếp thì nghĩ về họ một nẻo. Kết quả này không thay đổi dù nhân viên cho là mối quan hệ giữa họ tốt đẹp hơn hay tồi tệ hơn so với đánh giá của giám đốc. 

Tuy nhiên, động lực làm việc lại tăng khi nhân viên và sếp có cùng cảm nhận. Dù đánh giá mối quan hệ giữa họ thật tồi tệ thì nhân viên vẫn có khuynh hướng làm việc tốt hơn.

Không ít người quan niệm việc giả vờ yêu quý sếp luôn luôn tốt cho sự nghiệp. Nhưng có lẽ đeo một nụ cười giả tạo trên mặt sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Biết rõ vị trí của mình và cư xử đúng với con người thật có thể là chìa khóa giúp bạn nâng cao động lực và hiệu suất làm việc. 

Vượt qua khao khát muốn bản thân được yêu quý

Thừa nhận một cách lịch sự rằng bạn và ông chủ bất đồng suy nghĩ có thể là bước đầu tiên giúp mọi việc tiến triển. Hãy nói điều gì đó tương tự như: “Tôi biết chúng ta không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau” hoặc “Tôi biết chúng ta có những tính cách và quan điểm rất khác nhau”. Đây có thể là điều đầu tiên bạn và sếp cùng thấy đúng.

Thừa nhận việc ghét ai đó nhiều khi khiến bạn cảm thấy kỳ quặc và không thoải mái chút nào. Tuy nhiên, thật vô lý nếu cho rằng tất cả mọi người sẽ, hoặc nên, hòa hợp với nhau. Tính cách mâu thuẫn hay quan điểm bất đồng không phải lúc nào cũng xấu.

Nếu thấy khó chịu khi bản thân không được yêu quý, bạn hãy thử áp dụng những biện pháp sau:

1. Đừng nhầm lẫn rằng làm vui lòng người khác là được yêu quý

Việc cố gắng để ai cũng yêu quý mình khiến bạn luôn hành xử theo cách làm người khác vui vẻ. Đôi khi bạn bỏ qua những giá trị thực của bản thân chỉ để được lòng người khác. Tuy nhiên, dù nỗ lực đến đâu thì cũng chẳng có gì đảm bảo mọi người sẽ thích bạn. Trái lại, cuộc sống của bạn vì vậy mà kém thoải mái đi nhiều.  

2. Quản lý tư duy phê phán của mình

Mong muốn được yêu quý thường bắt nguồn từ những suy nghĩ quá mức tiêu cực. Tư tưởng “Nếu giám đốc không ưa mình, mình sẽ chẳng bao giờ thành công được” chỉ khiến bạn lo lắng thêm mà thôi. Vì vậy, hãy học cách kiềm chế những suy nghĩ tiêu cực đó.

3. Chấp nhận cảm xúc của bản thân

Chẳng có gì đáng ngại nếu bạn thấy lo lắng hay không thoải mái khi bị ai đó ghét. Những cảm xúc đó sẽ không giết chết bạn được đâu. Thực tế, càng cố gắng chịu đựng chúng, bạn càng cảm thấy stress.

4. Sáng tạo một câu thần chú

Hãy nghĩ ra một tuyên ngôn nào đó mà bạn có thể lặp đi lặp lại trong đầu khi cần thiết. Chẳng hạn như “Bị sếp ghét không có nghĩa mình là người kém cỏi”.

5. Tập cách cư xử thật lòng

Bạn vẫn có thể đối xử tốt với người khác mà không quá đà. Tâng bốc giám đốc lên tận mây xanh với những lời khen giả dối hoặc những cử chỉ thân thiết có thể gây hại nhiều hơn lợi. Hãy bày tỏ ý kiến của mình một cách thành thật nhưng vẫn thể hiện sự tôn trọng.

Làm chủ cảm xúc và nhìn thẳng vào sự thật có thể khiến mọi thứ tốt đẹp hơn rất nhiều. Bạn không phải tỏ ra yêu quý sếp và ngược lại, sếp cũng không cần phải thích bạn thì công ty mới hoạt động hiệu quả. Miễn là hai bên cùng thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ, có thể người bạn thấy khó ưa nhất lại là cộng sự làm việc tốt nhất.

>> Muốn làm sếp, phải 'nghĩ như sếp' từ khi là nhân viên

Thu Thảo

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM