Tại sao mọi người lại từ bỏ công việc ‘trong mơ’ tại Facebook, Google?

14/07/2015 10:54 AM | Nghề nghiệp

Chỉ bạn mới biết bạn muốn gì và thực sự thích điều gì, ý kiến của người khác chỉ để tham khảo mà thôi.

Nội dung nổi bật:

- Facebook và Google sẽ là “thiên đường” cho những ai thực sự hiểu mục tiêu nghề nghiệp cũng như bản thân mình muốn gì. Ngược lại, sẽ là “thảm họa”.

- Có rất nhiều người gia nhập các công ty lớn rồi từ bỏ với những lý do như chán môi trường làm việc hiện tại, mong muốn khẳng định bản thân, phát hiện ra mong muốn thực sự của bản thân mình.

- Steve Jobs khuyên bạn: Hãy sống cuộc sống của chính mình.


Làm việc tại những công ty có uy tín có thể khiến bạn bè và các thành viên trong gia đình bạn tự hào nhưng đôi khi thực tế không hề “màu hồng” như nhiều người tưởng tượng.

Được làm việc tại một công ty danh tiếng hàng đầu luôn là mơ ước của những sinh viên mới rời khỏi ghế nhà trường. Tùy vào từng lĩnh vực chuyên môn, họ cố gắng thi tuyển và trở thành một thành viên trong một môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp và có khả năng thăng tiến cao.

Để có thể cạnh tranh trong môi trường việc làm khốc liệt nơi mà người có tài luôn được trọng dụng thì ngay từ khi bắt đầu thi đại học, họ đã cố gắng vào một ngôi trường có tiếng tăm, từ đó cố gắng để có bảng thành tích đẹp.

Tư tưởng số 1 luôn là cái tốt nhất, đẹp nhất cứ thế ăn sâu và bám rễ vào suy nghĩ của chúng ta. Đứng đầu lớp thì tốt hơn đứng thứ 2, trường đại học top đầu, công ty danh tiếng hàng đầu luôn là niềm khát khao vươn tới. Càng đứng trên cao của bậc thang danh vọng thì bạn càng hạnh phúc. Nếu ngã ngựa thì bạn là một kẻ thua cuộc đáng thương hại.

Và từ đó thước đo của thành công được tính bằng vị thế của bạn trong nấc thang danh vọng đó. Công ty của bạn càng được nhiều người biết đến, thành công của bạn càng lớn. Tuy nhiên, hiện thực luôn là một thách thức lớn đối với những tham vọng.

Có rất nhiều người đang làm việc cho Google bắt đầu một ngày làm việc với mong muốn từ bỏ công việc hiện tại. Nghe thì có vẻ như vô lý nhưng thực tế làm việc trong các công ty lớn đòi hỏi bạn cũng phải bỏ ra công sức, sự hi sinh tương đương. Nghịch lý “trong muốn ra, ngoài muốn vào” đúng cả với những công ty danh tiếng như Google và Facebook.

Vậy lý do khiến họ từ bỏ những công việc “trong mơ” đó là gì?

- Họ không thích chính sách của công ty đó, muốn gia nhập một công ty nhỏ hơn để thoái mái thể hiện tài năng và tầm ảnh hưởng của họ.

- Sau một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm, họ có ý tưởng kinh doanh của riêng mình và tách ra để khởi nghiệp.

- Họ mong học hỏi thêm công nghệ và thị trường do đó muốn gia nhập các công ty nhỏ hơn nhưng chuyên sâu về các lĩnh vực nói trên.

- Chuyển việc vì lý do cá nhân như nơi ở xa hoặc chuyển đổi chỗ ở.

- Họ muốn đi du lịch và không muốn vùi dập tuổi trẻ trong công việc và công việc.

- Họ đã chán với việc làm việc trong cùng một môi trường với những người đồng nghiệp đã quá quen thuộc và muốn thử sức trong môi trường mới, thêm sắc màu cho cuộc sống.

- Họ đột nhiên cảm thấy họ không thích ngành công nghệ và muốn trở thành một đầu bếp hoặc làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận.

Đối với những người biết lý do mình vào những công ty lớn như: vì mục tiêu nghề nghiệp, để tích lũy kinh nghiệm, thì sự chuyển đổi công việc này không liên quan tới sự chán nản mà là họ cảm thấy thời cơ để họ thay đổi đã tới.

Nhưng với những người gia nhập các công ty lớn vì những nhận định sai lầm cái gì lớn cũng tốt hoặc chỉ làm thỏa mãn hư vinh trong lòng họ và người thân thì sự thay đổi này đôi khi đẩy họ vào những tình huống khó khăn hơn.

- Nếu vì danh tiếng công ty lớn, rời bỏ rồi danh tiếng cũng mất theo.

- Nếu vì áp lực gia đình, rời đi tức là họ đã bỏ công việc trong mơ, đồng nghĩa với thất bại.

- Ý nghĩ những công ty lớn thì tốt nhất, nhưng họ vẫn không thấy thỏa mãn, họ sẽ rơi vào tình trạng bị stress và trầm cảm.

- Họ cảm thấy họ không thể rời bỏ những công ty đó dù thực sự nhận ra mình không phù hợp và kết cục là công việc bê trễ, hiệu suất làm việc giảm và bị... sa thải.

Những công ty lớn như Google hay Facebook sẽ là “thiên đường”, nhưng cũng có thể là “địa ngục” đối với những ai lựa chọn sai vì những lí do sai lầm hoặc ở lại quá lâu vì sức ì của bản thân.

Những người không biết họ là ai, muốn gì và thích gì sẽ thường đưa ra quyết định dựa theo gợi ý của người khác. Nhưng họ phải biết rằng mỗi một cá thể sống trong xã hội là khác nhau, tốt nhất với người này chưa hẳn là phù hợp và tốt cho bạn. Như Steve Jobs từng nói: “Thời gian của mỗi chúng ta là hữu hạn, vì thế đừng phí hoài đi sống cuộc đời của người khác.”

Thụy Dương

Cùng chuyên mục
XEM