Nhận dạng những kẻ chuyên phá hoại ngầm trong công ty

24/06/2015 17:00 PM | Nghề nghiệp

Thực tế, kiểu nhân viên gây rắc rối lớn nhất cho công ty là những kẻ phá hoại ngầm. Bề ngoài họ tỏ ra rất được việc, nhưng thực chất lại ngấm ngầm tác động xấu tới năng suất, thái độ và tinh thần của các nhân viên khác. Công ty bạn cũng dần dần theo đó mà xuống dốc.

Những nhân viên quá lười biếng hoặc kém cỏi sẽ khiến công ty bạn hoạt động thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, đây lại không phải kiểu nhân viên nguy hiểm nhất vì họ rất dễ nhận ra. Một khi đã phát hiện được những nhân viên thiếu khả năng như vậy, bạn có thể nhanh chóng tìm cách giải quyết ổn thỏa.

Thực tế, kiểu nhân viên gây rắc rối lớn nhất cho công ty là những kẻ phá hoại ngầm. Bề ngoài họ tỏ ra rất được việc, nhưng thực chất lại ngấm ngầm tác động xấu tới năng suất, thái độ và tinh thần của các nhân viên khác. Công ty bạn cũng dần dần theo đó mà xuống dốc.

Khi phát hiện những nhân viên như vậy, bạn phải ngay lập tức giám sát họ một cách chặt chẽ. Thậm chí, nếu thực sự cần thiết, bạn có thể sa thải họ.

1. Dẫn dắt cuộc họp sau khi đã họp xong

Công ty bạn tổ chức một cuộc họp. Tại đó, các vấn đề được đưa ra để thảo luận và bàn bạc. Mọi người đề xuất ý kiến, sau đó thống nhất cách giải quyết. Mọi thứ xong xuôi và tất cả sắp được tiến hành theo đúng những gì đã bàn.

Thế nhưng khi cuộc họp kết thúc, có người lại lôi các vấn đề ra thảo luận một lần nữa. Anh ta nêu những ý kiến mà trước đó không hề phát biểu trong lúc họp rồi phản bác các quyết định mọi người đã thống nhất.

Tệ hơn nữa, anh ta còn chia sẻ với các đồng nghiệp của mình và chứng minh cho họ quyết định kia thật tồi tệ. Anh ta sẽ không làm theo nó. Chỉ cần một vài người đồng ý với anh ta thì hoạt động của công ty sẽ ngưng trệ, chẳng có gì được thực hiện đến nơi đến chốn.

2. Thường xuyên nói: “Đó không phải là việc của tôi”

Công ty có quy mô càng nhỏ thì vai trò của mỗi cá nhân càng quan trọng. Mỗi cá nhân tự suy nghĩ, nhanh chóng thích nghi với các thay đổi và làm mọi thứ có thể, bất chấp vai trò hay chức vụ của mình, để giúp mọi việc trong công ty diễn ra thuận lợi.

Điều đó nghĩa là một quản lý có thể giúp xếp hàng lên xe tải, thợ máy giúp lau vết nước đổ hay nhân viên kế toán tham gia vận chuyển hàng hóa để hoàn thành một đơn hàng khẩn.

Khi một nhân viên được giao bất cứ nhiệm vụ nào, miễn là không phạm pháp, không trái đạo đức và nằm trong khả năng, nhân viên đó nên sẵn sàng thực hiện. Nếu anh ta luôn luôn nói: “Đó không phải việc của tôi” hoặc “Tôi chỉ quan tâm đến bản thân” thì bạn hãy xem xét có nên giữ anh ta lại công ty hay không. Thái độ như vậy sẽ khiến hiệu quả làm việc của công ty giảm sút nhanh chóng, biến một tập thể gắn kết thành một tổ chức các cá nhân rời rạc.

3. Hành động như thể đã xong trách nhiệm

Một nhân viên đạt kết quả xuất sắc trong năm ngoái, tháng trước hoặc mới hôm qua. Bạn đánh giá cao và rất vui về điều này. Tuy nhiên, hôm nay lại là một ngày mới và nhân viên đó vẫn phải nỗ lực làm việc. Anh ta không thể mặc nhiên coi mình đã làm tốt, đã xong nghĩa vụ và giờ không cần cố gắng nữa.

Kiểu người như vậy sẽ khiến hoạt động của công ty bị trì trệ, thiếu hiệu quả ổn định. Chưa kể các nhân viên khác cũng có thể bị ảnh hưởng và cảm thấy mình đã xong trách nhiệm rồi, không cần chăm chỉ làm việc nữa. Khi đó, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

4. Nghĩ rằng kinh nghiệm là loại hàng hóa hữu hình

Kinh nghiệm đương nhiên rất quan trọng. Nhưng kinh nghiệm mà không được chuyển hóa thành kỹ năng tốt hơn, năng suất cao hơn và thành tựu xuất sắc hơn thì chỉ vô dụng. Không thể kiêu căng rằng mình có nhiều kinh nghiệm và chỉ ngồi một chỗ mà chẳng làm gì cả.

Khi kiểu nhân viên như vậy nói: “Tôi có nhiều kinh nghiệm hơn”, nghĩa là anh ta ám chỉ: “Tôi không cần chứng minh cho các quyết định hay hành động của mình”. Kinh nghiệm hay chức vụ không phải yếu tố quyết định. Trí thông minh, logic và óc phán đoán mới là thứ chiến thắng, dù người sở hữu những phẩm chất này có nhiều kinh nghiệm hay không.

5. Thích ngồi lê đôi mách

Kiểu nhân viên này chuyên tán chuyện khi đến nơi làm việc. Câu cửa miệng của anh ta là: “Này, cậu đã nghe chuyện cô kia vừa làm chưa?”. Điều đó chẳng khác nào anh ta tự khẳng định: “Tôi chẳng có gì làm ngoài việc đi bàn tán về người khác”.

Những người như vậy không chỉ gây lãng phí thời gian mà còn khiến các nhân viên khác ngày càng mất tôn trọng đồng nghiệp. Hành động nói xấu hoặc hạ thấp phẩm giá của các nhân viên khác là không thể tha thứ.

6. Kìm chân người khác khi thấy mình không bằng

Giả sử công ty bạn có một nhân viên mới. Cô ấy làm việc chăm chỉ, hoàn thành mục tiêu và thậm chí vượt cả kỳ vọng. Nhưng cuối cùng, cô ấy lại nhận được lời trách đầy ẩn ý từ một nhân viên lâu năm hơn: “Cô đang làm việc quá chăm chỉ và khiến tất cả chúng tôi trông thật tệ”.

Một người chuyên nghiệp không bao giờ so sánh mình với người khác. Họ tự so sánh với bản thân trước kia để rút kinh nghiệm và tiến bộ lên. Chỉ những nhân viên kém cỏi mới lười cố gắng, không muốn mình làm nhiều lên mà muốn mọi người làm ít đi. Họ không muốn chiến thắng mà chỉ cần không thua.

7. Khao khát muốn giành hết vinh quang

Có thể nhân viên này đã làm hầu hết mọi việc, vượt qua hầu hết các chướng ngại vật. Tuy nhiên, không thành tựu lớn nào được hoàn thành chỉ với công sức của một người. Một nhân viên giỏi, một nhóm làm việc tốt sẽ chia sẻ vinh quang với nhau.

Khi hoạt động chung, anh ta cần giúp mọi người cùng tỏa sáng, nhất là nếu anh ta giữ vai trò lãnh đạo. Những lời nói tương tự như: “Tôi đã làm mọi việc từ đầu đến cuối” hay “Tất cả là ý của tôi” chẳng khác nào huênh hoang mình là trung tâm vũ trụ, rằng: “Mọi thứ đều xoay quanh tôi và tôi muốn ai cũng phải biết điều đó”.

Dù những người khác không cùng quan điểm như vậy, họ cũng sẽ rất bực tức khi phải đấu tranh để công sức của mình được nhìn nhận một cách xứng đáng.

8. Đổ lỗi cho người khác

Không cần biết vấn đề gì, một nhà cung cấp phàn nàn hay một khách hàng nào đó lừa đảo, tất cả luôn là lỗi của người khác.

Trong khi có người sẵn sàng nhận lỗi về mình dù không làm vì mục đích tốt cho tập thể, lại có người ích kỷ nói: “Việc đó không phải do tôi” dù thật sự lỗi một phần là ở anh ta. Đó là dấu hiệu của sự vô trách nhiệm và thiếu tinh thần tập thể. Trong những công ty tốt, tất cả cùng đoàn kết và san sẻ trách nhiệm.

Cùng chuyên mục
XEM