[NGHỀ CỦA TÔI] Rà phá bom mìn - Nơi sự sống tái sinh

31/05/2015 17:00 PM | Nghề nghiệp

Sự sợ hãi của con người khi đang sinh sống trên chính những mảnh đất không biết ẩn chứa những bí mật gì ở sâu trong lòng đất, những con đường đi qua là điều rất “bình thường” trên mảnh đất mà tôi đang sinh sống...

Cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đang ở giai đoạn nước rút. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều bài dự thi của các tác giả từ khắp nơi gửi về.

Hôm nay chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Bài dự thi "Rà phá bom mìn - Nơi sự sống tái sinh" của tác giả Ôn Minh Hiền Vy. Mời quý độc giả đón đọc.


4 giờ sáng: Tiếng chuông đồng hồ báo thức ngân nga giai điệu quen thuộc..

Một ngày mới của Bố được bắt đầu với hành trình kéo dài trên những chặng đường gần 30 cây số bất kể ngày mưa hay nắng và chiếc hộp đựng cơm bằng inox vẫn luôn được treo phía bên phải của xe máy khi đã được mẹ sửa soạn và buộc một cách gọn gàng. Bố rất thích được mang theo chiếc hộp đựng cơm mà mẹ chuẩn bị, mặc dù đến trưa mở ra thì cơm và thức ăn đã nguội nhưng Bố vẫn ăn ngon lành, không để lại hạt cơm nào.

Lịch trình hằng ngày được sắp đặt sẵn của Bố: 4g 30 đi xe đến trụ sở của Dự án cách nhà 30 km và theo xe ô tô nhận dụng cụ để đến hiện trường, quay trở về trụ sở vào lúc 16 giờ 30 và từ đó đi về nhà. Lịch trình này đã được lập sẵn cách đây 18 năm và đến bây giờ vẫn như vậy. Nó quen thuộc và gắn bó với Bố và với gia đình tôi như cách mà mẹ vẫn chuẩn bị bữa trưa và ngóng đợi mỗi chiều Bố tôi đi làm về.

Bố tôi làm công việc “Rà phá bom mìn”, một công việc mà khi nhắc đến chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ rằng “Một công việc đầy nguy hiểm”. Phải rồi, đã liên quan đến những vật liệu gây nổ với sức hủy diệt lớn như vậy thì sao lại không nguy hiểm được. Nhưng có việc gì mà con người không làm được đâu, chỉ là có dám làm hay không. Bố tôi đã dành 1 năm đầu tiên để tham gia khóa huấn luyện kỹ năng và nghiệp vụ một cách nghiêm khắc nhất. Những buổi học lý thuyết, thực hành diễn ra với sự giám sát của những chuyên viên cấp cao của nước ngoài, ý thức rõ công việc và tầm nguy hiểm nên không một ai được phép mắc sai lầm khi phát hiện và xử lý vật liệu nổ.

Ngày tháng trôi qua, sự kiên trì, nhẫn nại đã mang đến thành quả khi bố được nhận vào làm chính thức cho Dự án. Đó là ngày cả gia đình tôi vui mừng khôn xiết, sau bao nhiêu năm tìm kiếm bây giờ bố đã có một công việc ổn định, gia đình tôi không phải chuyển chỗ ở như những năm trước đây. Nhưng xen lẫn niềm vui ấy là sự lo lắng cho những ngày bố đi làm.

Mảnh đất Quảng Trị nơi tôi và gia đình đang sống được cả đất nước biết đến không chỉ là “khúc ruột miền Trung” nắng lắm mưa nhiều, cuộc sống con người đầy vất vả vì thời tiết không mấy “ưu đãi” mà còn phải hằng ngày, hằng giờ khắc phục “dấu ấn” của chiến tranh để lại.

Theo những thống kê , trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 391.500 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, chiếm đến 83,8% diện tích toàn tỉnh và theo ước tính thì phải mất 165 năm nữa mới tiêu hủy được số bom mìn trên vùng đất này. Điều đó có nghĩa là, cuộc sống của con người chưa thực sự “bình yên” khi chiến tranh đã lùi xa. Vẫn còn những cái chết đầy thương tâm của những đứa trẻ nhỏ vô tình nghịch ngợm, nô đùa với những quả bom, quả mìn mang hình dáng “xinh đẹp”, vẫn còn những cảnh gia đình chết vì bom mìn khi lao động, cuốc xới trên chính mảnh đất của gia đình, những thương tật để lại trên cơ thể đầy đau đớn bao nhiêu thì vết thương trong tâm hồn, tiềm thức của họ càng đau đớn bấy nhiêu.

Sự sợ hãi của con người khi đang sinh sống trên chính những mảnh đất không biết ẩn chứa những bí mật gì ở sâu trong lòng đất, những con đường đi qua là điều rất “bình thường” trên mảnh đất mà tôi đang sinh sống, dường như người ta cần phải quen với điều đó thay vì tìm cách bảo vệ sự an toàn của mình.

Phải đến năm 1999 khi có sự ra đời của tổ chức MAG theo Dự án rà phá bom mìn từ nguồn vốn phi chính phủ thì dần dần số lượng bom mìn đã được tìm thấy và tiêu hủy nhiều lên theo thời gian, trả lại sự bình yên cho những mảnh đất được “thần chết” canh giữ suốt bao nhiêu năm. Bố tôi làm việc trong dự án và với màu áo ghi ghi có huy hiệu MAG. Với màu áo ấy,bố tôi đi khắp mọi nơi từ vùng biển, lên miền núi cao để rà tìm những mảnh vật liệu nhỏ nhất cho đến những quả bom tấn nặng đến mấy người khiêng.

Những kỷ niệm về người dân miền núi thấy có đội rà phá bom mìn lên bản được Bố kể cho cả nhà nghe trong bữa cơm thật là vui. Họ mừng vui và nhiệt tình dẫn Bố đi bộ cả mấy cây số để tìm ra một quả bom ở một con suối gần với bản làng và nhất định phải mời ở lại để cúng Giàng, trình bày cho Giàng biết.

Có những mùa đông làm trên vùng núi cao, để đưa bom trên đồi cao về trạm tiêu hủy. Bố và rất nhiều người trong đội đã phải khiêng, vác bom lội qua những con suối nước dâng cao, để bom không chạm đất, trên đôi vai của mọi người đầy vết trầy xước, chảy máu, mệt thở không ra hơi mà ai nấy cũng thấy mừng, hứng khởi. Rồi những khi mùa nắng nóng, mặc trên người chiếc mũ và áo giáp mấy kg, mồ hôi ướt đẫm và nhỏ giọt, hình dáng của mọi người chậm rãi dò tìm theo những tiếng máy phát ra tín hiệu tít tít, đào bới và di chuyển bom, đạn đến nơi tiêu hủy, về đến nhà bố chỉ nằm thở vì một ngày quá mệt nhưng chưa bao giờ bố than thở điều ấy, chỉ im lặng mà thôi.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những năm đi làm của bố là mùa đông cách đây 2 năm. Khi xách trên tay xô mìn vừa tìm được trên núi, lúc di chuyển xuống dốc thì trời mưa làm cho con đường đất trơn quá, chiếc giày cũ đã mòn... bố trượt chân ngã, sợ những quả mìn phát nổ khi phía sau là các đồng nghiệp đang theo hướng đi xuống, bố chống mạnh tay trái và gãy xương ở gần cổ tay. Trên khuôn mặt tái nhợt vì đau, bố vẫn  nở một nụ cười  “Vẫn còn may mắn”. Đến bây giờ tay trái của bố vẫn bị lệch do vết gãy và đau khi trở trời, mỗi khi nhìn ai cũng nhắc đến kỷ niệm “đáng sợ” đó.

Nghề của bố là vậy, vất vả cũng nhiều, nguy hiểm cũng nhiều nhưng với bố là cả một niềm vui, niềm tự hào. Đi qua những mảnh đất có gắn biển báo của tổ chức “Địa điểm đã được rà phá bom mìn”, bố chỉ cho tôi thấy nơi đội của bố đã đi qua. Từ những mảnh đất hoang tàn do tàn tích của bom đạn nay đã mọc lên những ngôi nhà ngói đỏ, những vườn rau, vườn cây ăn quả xanh mướt, lũ trẻ con thi nhau đùa nghịch, đá bóng.. Bỗng nhiên trong lòng tôi ấm áp lạ kỳ. Chẳng phải đây là một “kỳ tích” sao? Một kỳ tích do chính con người tạo ra. Tôi tự hào vì Bố tôi đã đánh đổi giọt mồ hôi, nước mắt và có cả máu cho công việc, không chỉ để đổi lấy những đồng tiền nuôi sống gia đình mà còn đổi lấy những sự sống đang được tái sinh trên quê hương tôi.

5g30: Cả tôi và mẹ đều nóng lòng chờ bố đi làm về, mỗi khi thấy bóng dáng của bố trên con đường nhỏ về nhà, ai cũng thở phào nhẹ nhõm vì “bình yên” đã trở về nhà....

Có tiếng đứa trẻ nhỏ cách đây 20 năm đã từng hỏi Bố “Bố ơi, nghề gì là cao quý nhất trên đời hả Bố?”

“Đó là nghề do chính con người làm ra bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu đấy con yêu...”

Ôn Minh Hiền Vy

>> Các bài dự thi khác:

Nghề SEO: Thức trắng bao đêm để đưa website lên top đầu

Bác sĩ khoa tâm thần: Âm thanh vui vẻ từ những câu hát vu vơ của bệnh nhân

Vận động viên: Đằng sau tấm huy chương là nước mắt bội bạc

Giáo viên đặc biệt: Tình yêu với những đứa trẻ khuyết tật

Tâm sự của một nhân viên bán hàng đa cấp

Nghề phu đường: Ăn suất cơm hộp nhớ mâm cơm nhà

Nghề đòi nợ: Chớ đẩy con nợ vào đường cùng

Tôi đã bỏ qua con đường vào đại học như thế nào?

Lương y như từ mẫu - Nghề tôi đã chọn

Cho thuê sách - Yêu nghề theo cách của riêng tôi

Nghề cầm bút - Không phải việc gì cũng bắt đầu từ ước mơ

Chúng tôi mang những bí mật "sống để bụng, chết mang theo"

Tôi khoác trên mình màu xanh áo lính

Dưới lòng phố những tên lính ẩn mình


Mời các bạn tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình và gửi các bài dự thi cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Mr Quốc Dũng - dungtranquoc@vccorp.vn

Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên bài dự thi_Họ tên

Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Quỳnh Trâm

Một người có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi. Người dự thi phải cung cấp đầy đủ thông tin theo mẫu sau:

CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

01 giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” do Ban tổ chức bình chọn, trị giá 4 triệu VNĐ tiền mặt.

01 giải “Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất” do bạn đọc bình chọn: Tác phẩm được mọi người Like và Share nhiều nhất (Thông qua các mạng xã hội Facebook, G+). Trị giá 4 triệu VND tiền mặt.

10 giải khuyến khích, trong đó có 5 giải do BBT bình chọn, 5 giải có số lượng like/share cao. Mỗi giải 1 triệu đồng.

Ngoài ra, các tác giả đạt giải cũng sẽ được tặng kèm một phần quà ý nghĩa của ban tổ chức.

Những bài viết hay nhưng không nằm trong danh sách đoạt giải sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Trí thức trẻ và CafeBiz, tác giả được trả nhuận bút theo khung nhuận bút của tòa soạn.

Cùng chuyên mục
XEM