[NGHỀ CỦA TÔI] Bán thuốc trừ sâu: Tôi không thể vì vài đồng lợi nhuận mà 'đầu độc' nông dân

28/05/2015 16:34 PM | Nghề nghiệp

Tôi nhận đi làm hội thảo nông dân, hội thảo khách hàng vì công ty thiếu người. Xuống đến thị trường tôi mới nhận ra một điều rằng, tất cả mọi người, tất cả các đối tác và nhà cung ứng đều muốn bán hàng với số lượng nhiều nhất để tăng doanh số.

Cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đang ở giai đoạn nước rút. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều bài dự thi của các tác giả từ khắp nơi gửi về.

Hôm nay chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Bài dự thi "Bán thuốc trừ sâu: Tôi không vì vài đồng lợi nhuận mà 'đầu độc' nông dân" của tác giả Lê Thị Mai. Mời quý độc giả đón đọc.


Tôi vào học ngành nông nghiệp với một sự tính toán đơn giản: cả nước có trên 70% người dân làm nông nghiệp, thì không lo gì mình thất nghiệp sau khi ra trường.

Nhưng cuối cùng  là: Thực tế, chỉ có các anh con trai là không thất nghiệp, còn các chị con gái thì không ai nhận vì phần lớn công việc của sinh viên nông học như tôi ra trường là... làm tiếp thị thuốc bảo vệ thực vật, gọi đơn giản là bán thuốc trừ sâu.

Vào trường, chúng tôi được học về trồng cây, về thuốc, về phân bón, tưới cây… về ngành nông nghiệp nói chung, chúng tôi được đào tạo  kiến thức để giúp nông dân.

Còn thực tế của chúng tôi đi ra trường phần lớn là: Tập huấn cho nông dân kỹ thuật dùng phân thuốc, bảo vệ mùa màng, và cung cấp vật tư nông nghiệp. Có những người vì thương nông dân mà say mê nghiên cứu không ngừng, có những bạn đồng môn vì không xin được việc làm lại học nghề khác, hoặc học lên thạc sỹ làm giảng viên trường nghề. Cũng có bạn vì công việc mà tư vấn cho nông dân “mua càng nhiều thuốc sử dụng càng cho năng suất cao”. Rõ ràng chúng tôi được đào tạo để làm những việc đó với kiến thức chuyên môn sau hơn bốn năm đèn sách.

Vào học tôi mới nhận ra mình không thích hợp với những công việc tỉ mỉ chi tiết hay suốt ngày ngoài đồng ruộng. Tôi chỉ muốn làm việc gì linh hoạt, được giao tiếp nhiều với xã hội và thích sự thử thách. Ước mơ thì cứ lên tận mây xanh. Nhưng chẳng lẽ mình lại bỏ ngang sau bốn năm đi học với bao nhiêu kỳ vọng của cha mẹ?

Thế là tôi cố gắng kết hợp những yếu tố mong muốn với ngành nghề tôi học. Tôi quyết tâm để trở thành người kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp với sứ mệnh lâu dài là giúp đỡ mọi người, trước mắt là người nông dân.

Nghĩ sao làm vậy, lần đầu tiên tôi rủ bạn trồng hoa kinh doanh trong dịp Tết. Nhưng lần đầu với không kinh nghiệm dắt lưng, tôi mất hết số vốn ban đầu, và sống qua ngày với mấy bó rau cải bán ở chợ.

Cuộc sống thử thách tôi đi trên nhiều cung đường khác nhau. Tôi được tuyển vào làm nhân viên kỹ thuật của một công ty nước ngoài, suốt ngày lo thí nghiệm đồng ruộng cho các sản phẩm mới.

Thật là khó khăn với cá tính bay nhảy của mình. Nhưng khi nhìn thấy sự cẩn thận của ông chủ trong kinh doanh, tôi mới ngẫm ra một điều, dù mình có khát khao cháy bỏng là bay lên với đời thế nào đi nữa, thì cũng phải bắt đầu từ điều nhỏ nhất.

Tôi bắt đầu tập yêu cây lúa, tập yêu cái máy bơm thuốc sâu, tập yêu bùn đất. Mỗi ngày ra ruộng về, tôi như con trâu đất lem luốc với đôi ủng đầy bùn của mình. Lúc ấy sức mạnh tôi có đơn giản chỉ vì tôi nghĩ, nếu mình làm sai kết quả thí nghiệm, nếu mà ông chủ đưa mặt hang ra nông dân thì người thiệt hại đầu tiên là nông dân, và người gây ra hậu quả, là tôi đây. Thế là tôi luôn tập trung cao độ và làm việc hết mình quên trưa nắng, quên mưa dầm, quên nỗi sợ hãi một mình trên đồng ruộng.

Tôi nhận đi làm hội thảo nông dân, hội thảo khách hàng vì công ty thiếu người. Xuống đến thị trường tôi mới nhận ra một điều rằng, tất cả mọi người, tất cả các đối tác và nhà cung ứng đều muốn bán hàng với số lượng nhiều nhất để tăng doanh số.

Và tôi là một trong những con người đang đi thúc đẩy điều đó. Lúc ấy tôi cũng chỉ nghĩ rằng: nếu công ty bán được nhiều thì có nhiều hoa hồng, liệu nông dân cũng được nhiều lợi ích như chúng tôi không?  

Tôi lại đi quan sát, mỗi chuyến đi công tác tháp tùng sếp Singapore là trong đầu tôi lại đặt ra bao nhiêu là câu hỏi để chờ câu trả lời lắp vào nữa mà thôi. Câu hỏi thường trực trong đầu tôi là: Nếu tôi vẫn làm trong ngành này, đối tượng của chúng tôi là những người nghèo trong xã hội, là những người nông dân lam lũ, liệu có cách nào tôi thực sự giúp được họ không? Hay vẫn chỉ là đi rao bán và rao bán, chính sách bán hàng thay đổi liên tục để bán được càng nhiều hàng, càng tốt?

Tôi quyết định nghỉ việc, tôi đi tìm kiếm cơ hội để trả lời cho câu hỏi của mình và thực hiện điều mình muốn làm.

Cơ hội đến với tôi khi công việc của tôi bây giờ là B2B, tức là bán thuốc sâu tới công ty chứ không xuống người nông dân như trước. Cái duyên được gặp một ông chủ cũng suốt ngày nghĩ tới lợi ích của nông dân, và tôi đã theo cách đi của ông ấy, tạo cơ hội hợp tác thực hiện sứ mệnh mà mình đã chọn. Ở vị trí này suốt bốn năm, tôi có cái nhìn tổng thể hơn về cách thức kinh doanh, tôi có thể định lượng rõ hơn về những gì nông dân được và mất.

Cũng như trong nhiều ngành nghề khác, có những công ty họ có cái tâm cao thượng, họ kinh doanh với đạo đức nghề nghiệp là tôn chỉ, cũng có những đơn vị thì không phải như vậy.

Khi tôi bán một mặt hàng nguyên liệu đầu vào, tôi phải đắn đo cân chỉnh. Tôi không thể vì vài đồng lợi nhuận của mình mà bán hàng giá trị thấp, tôi không thể vì lợi ích của riêng ai mà cuối cùng nông dân là người gánh chịu mọi hậu quả.

Có những lúc tôi đấu tranh với chính bản thân mình gay gắt. Khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, tôi vẫn nghĩ rằng, chỉ có sự trung thực, sự chân chính mới chiến thắng. Cái trung thực và chân chính với tôi, đó là lợi ích của người nông dân. Nói một cách khác đi, nếu chúng ta giàu lên mà chơi trò chơi tổng bằng không, thì cuối cùng, ai là người thua thiệt?

Chúng ta có nhiều kiến thức, nông dân thì không phải vậy. Nếu chúng ta kiếm được nhiều tiền bằng cách làm người khác nghèo đi, thì chúng ta đang làm việc không có tính nhân văn chút nào. Nếu những người như tôi, chỉ lo cho bản thân mình giàu lên, mà không giúp nông dân giàu lên, mà chỉ giúp nông dân mua thêm hàng làm tăng chi phí thì khác nào tôi đang là con kền kền được đào tạo để đi ăn thịt những con người khốn khổ ấy?

Tôi nhận ra rằng, công việc làm nông dân giàu lên là một công việc thực sự cần sự hợp tác của những con người thực sự nhân bản, những chính sách tốt. Tôi tìm kiếm những người có cùng suy nghĩ như mình để có thể cùng nghĩ cách, cùng xây dựng nên một cách kinh doanh mà chúng tôi cùng thắng. Và tôi vô cùng hạnh phúc khi biết rằng, đang có rất nhiều những con người có tâm, có tầm đang làm hang ngày vì một nền nông nghiệp, vì lợi ích nông dân.

Tôi biết bản thân mình mới chỉ là một con tốt bé nhỏ, nhưng dù nhỏ bé, tôi cũng phải làm việc tôi phải làm, dù giá trị chưa đong đếm được trên phạm vi lớn, nhưng với tôi, mỗi ngày tôi làm được một việc tốt. Mỗi một đơn hàng là một niềm tin, một giá trị lớn hơn cho nông dân. Và tôi biết con đường phía trước để thực hiện còn dài và khó khăn, nhưng tôi đã có đủ dũng khí, sức mạnh và nhiệt huyết vì sứ mệnh của mình. Dù là cuốc đất trồng rau, tôi cũng phải sống một cuộc đời ý nghĩa.

Lê Thị Mai

>> Các bài dự thi khác:

Nghề SEO: Thức trắng bao đêm để đưa website lên top đầu

Bác sĩ khoa tâm thần: Âm thanh vui vẻ từ những câu hát vu vơ của bệnh nhân

Vận động viên: Đằng sau tấm huy chương là nước mắt bội bạc

Giáo viên đặc biệt: Tình yêu với những đứa trẻ khuyết tật

Tâm sự của một nhân viên bán hàng đa cấp

Nghề phu đường: Ăn suất cơm hộp nhớ mâm cơm nhà

Nghề đòi nợ: Chớ đẩy con nợ vào đường cùng

Tôi đã bỏ qua con đường vào đại học như thế nào?

Lương y như từ mẫu - Nghề tôi đã chọn

Cho thuê sách - Yêu nghề theo cách của riêng tôi

Nghề cầm bút - Không phải việc gì cũng bắt đầu từ ước mơ

Chúng tôi mang những bí mật "sống để bụng, chết mang theo"

Tôi khoác trên mình màu xanh áo lính

Dưới lòng phố những tên lính ẩn mình


Mời các bạn tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình và gửi các bài dự thi cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Mr Quốc Dũng - dungtranquoc@vccorp.vn

Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên bài dự thi_Họ tên

Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Quỳnh Trâm

Một người có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi. Người dự thi phải cung cấp đầy đủ thông tin theo mẫu sau:

CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

01 giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” do Ban tổ chức bình chọn, trị giá 4 triệu VNĐ tiền mặt.

01 giải “Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất” do bạn đọc bình chọn: Tác phẩm được mọi người Like và Share nhiều nhất (Thông qua các mạng xã hội Facebook, G+). Trị giá 4 triệu VND tiền mặt.

10 giải khuyến khích, trong đó có 5 giải do BBT bình chọn, 5 giải có số lượng like/share cao. Mỗi giải 1 triệu đồng.

Ngoài ra, các tác giả đạt giải cũng sẽ được tặng kèm một phần quà ý nghĩa của ban tổ chức.

Những bài viết hay nhưng không nằm trong danh sách đoạt giải sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Trí thức trẻ và CafeBiz, tác giả được trả nhuận bút theo khung nhuận bút của tòa soạn.

Cùng chuyên mục
XEM