MBA – Đắt nhưng vẫn phải có?

24/10/2015 21:24 PM | Nghề nghiệp

Mặc kệ có bao nhiêu người bị thu hút bởi một khóa học MBA, các trường luôn phải ra sức tung hô chương trình MBA của mình bởi lẽ: “Liệu một trường kinh doanh có còn là “trường kinh doanh” nếu nó không có nổi một quá khóa MBA?”

Những chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) chẳng lạ lẫm gì với những lời chỉ trính trong xã hội Hoa Kỳ. Từ thế kỷ trước, lúc thì MBA bị coi là những chương trình đào tạo “yếu kém” và chả liên quan gì đến thực tiễn kinh doanh, lúc thì MBA chỉ đơn thuần là giảng dạy các công cụ toán học để quản lý mà quên đi cách làm sao để giao tiếp hiệu quả.

Còn trong những năm 2000, các nhà nghiên cứu cho rằng chính những cựu sinh viên MBA từ những trường uy tín đã gây ra những thảm họa sụp đổ của các tập đoàn như Enron hay Lehman Brothers.

MBA – Học thì dễ nhưng ở lại thì tính sau?

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những chương trình MBA ngày càng phổ biến. Không ai biết chính xác số lượng sinh viên trên toàn cầu, nhưng con số tại Mỹ là 192.000 người năm 2012, khiến cho việc học MBA dường như là điều bắt buộc đối với sinh viên tốt nghiệp Đại học.

Tính trên toàn thế giới thì năm 2014 có tới 688.000 người tham gia kỳ thi GMAT (bài kiểm tra bắt buộc khi ghi danh vào bất cứ khóa học MBA nào) – dù cho số lượng này đã giảm đáng kể từ năm 2008 (khi có tới 745.000 người tham gia).

Nguyên nhân cho sự sụt giảm lượng người tham gia kỳ thi GMAT có một phần mang tính chu kỳ: mọi người thường có xu hướng ghi danh vào các trường kinh doanh nhằm “trú ẩn” khỏi những con bão suy thoái kinh tế. Nhưng các những người muốn học MBA giờ phải đối mặt với những thách thức mang tính lâu dài.

Đầu tiên và khó khăn nhất là vấn đề thắt chặt những yêu cầu về visa tại những nước giàu có. Đương nhiên các quốc gia này muốn thu hút và giữ lại những tài năng trẻ sáng giá nhất. Nhưng mặc kệ sự kêu than từ những trường kinh doanh, cả Mỹ và Anh – hai quốc gia phổ biến nhất với sinh viên nước ngoài – giờ đều đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với sinh viên nước ngoài muốn ở lại và làm việc tại những quốc gia đó sau khi học xong.

Ở Mỹ, sinh viên nước ngoài tốt nghiệp MBA phải tìm được một công ty sẵn sàng tài trợ Visa hạng H-1B, nhờ đó họ được phép làm việc tối đa 3 năm tại đây, và có khả năng gia hạn lên 6 năm.

Nhưng hiện cầu vượt xa cung. Hiện Mỹ chính thức nhận lượng đơn xin visa H-1B lên tới con số 85.000 (trong đó 20.000 đơn đầu tiên được dành riêng cho những sinh viên có bằng thạc sĩ). Và con số đó chỉ đủ cung ứng trong có vài ngày. Còn tại Anh, sinh viên tốt nghiệp buộc phải tìm được việc làm ngay cả trước khi thị thực của họ hết hạn nếu họ muốn ở lại xứ sở sương mù.

Cuộc chiến thu hút nhân tài MBA

Những hạn chế này vốn là những vấn đề đặc biệt đối với những chương trình MBA vì rất nhiều sinh viên lựa chọn một trường kinh doanh dựa trên nơi họ muốn làm sau khi tốt nghiệp. Có vẻ dễ đoán trước, đối với những quốc gia có thái độ cởi mở hơn như Canada, thì lượng sinh viên quốc tế đang ngày càng tăng. Ngược lại, tỷ lệ ứng viên quan tâm đến những trường tại Mỹ đang ngày càng giảm, từ 83% vào năm 2007 xuống 73% vào năm 2015.

Canada và các nước khác không chỉ dừng ở việc thu hút sinh viên đến học mà còn thèm thuồng cả những sinh viên tốt nghiệp từ những trường từ Mỹ. Chính phủ Canada đã thuê hẳn một biển quảng cáo khổng lồ và đặt thung lũng Silicon Valley với nội dung: “Vấn đề với H-1B? Hãy tới Canada” nhằm thu hút những sinh viên nước ngoài bất mãn với những hạn chế của chính phủ Mỹ.

Matt Slaughter, hiệu trưởng trường Cao đẳng kinh doanh Dartmouth cho rằng: “Nếu các doanh nghiệp Mỹ không thể nhập khẩu nhân tài, thì họ đang xuất khẩu việc làm. Không giống như luật sư hay bác sĩ, nhân tài với bằng cấp MBA có thể dễ dàng chuyển dịch qua biên giới.”

Những lo ngại trên chứng tỏ một thực tế rằng những ứng viên có bằng MBA hiện vẫn đang trong tầm ngắm của nhiều nhà tuyển dụng. Đối với những trường nằm trong top bảng xếp hạng các trường MBA của tờ The Economist, 89% sinh viên tìm được việc làm trong vòng 3 tháng sau khi tốt nghiệp.

Lương cơ bản trung bình của họ vào khoảng gần 100.000 USD/năm, tăng 88% so với mức lương trước khi họ tham gia khóa học. Nhưng có một vài điều đã thay đổi: ví dụ như trong lĩnh vực ngân hàng, giờ đây họ ít quan tâm hơn đến bằng MBA của ứng viên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính (có vẻ như bởi cựu sinh viên các trường kinh doanh thường là những kẻ tội đồ).

Những trường kinh doanh phương Tây cũng đang dần mất lợi thế vào tay những nền kinh tế mới nổi. Tỷ lệ sinh viên gửi điểm GMAT đến những trường châu Á và Australia tăng gần như gấp đôi kể từ con số 8,1% vào năm 2007.

Ít nhất có 8 trường thuộc châu Á hiện đã nằm trong bảng xếp hạng của tờ the Economist. Dù con số còn nhỏ nhưng sẽ tăng lên trong tương lai. Đặc biệt Trung Quốc có kế hoạch cải thiện các trường kinh doanh của quốc gia mình nhằm đáp ứng nhu cầu cho các nhà quản lý nội địa.

Thừa cung bằng MBA ở phương Tây

Các trường kinh doanh tại Mỹ cũng đang cản trở chính mình. Trong 5 năm trở lại đây, bằng Thạc sỹ Quản trị (MiM) – không giống như các chương trình MBA mà trực tiếp nhận những sinh viên không cần có kinh nghiệp làm việc trước đó – đang tăng vọt.

Ở Mỹ, ngay cả các trường như Michigan hay Duke, Notre Dame đang nắm lấy cơ hội này. Mặc dù chương trình giảng dạy nền tảng gần giống như MBA nhưng MiM rẻ hơn nhiều.

Nhưng không phải các trường kinh doanh đều bị ảnh hưởng theo cùng một cách giống nhau. Sinh viên có vẻ như luôn muốn bằng MBA của Harvard, Chicago hay London Business School. Đó là những ngôi trường danh tiếng ít phải đối mặt với những khó khăn nhất thời.

Năm 2015, hơn 2/3 chương trình MBA chỉ đáng giá dưới 40.000 USD/năm, dù cho số đơn có không tăng hay thậm chí giảm so với năm ngoái. Ngược lại, các trường đều tính phí hơn 40.00 USD và luôn nói số lượng sinh viên của họ đang tăng.

Điều đó cho thấy một tình trạng thừa cung của những chương trình MBA. Trong thế giới của các trường kinh doanh có vẻ như không thể áp dụng được những quy luật kinh tế thị trường. Mặc kệ có bao nhiêu người bị thu hút bởi một khóa học MBA, các trường luôn phải ra sức tung hô chương trình MBA của mình bởi lẽ: “Liệu một trường kinh doanh có còn là “trường kinh doanh” nếu nó không có nổi một quá khóa MBA?”

Ngọc Quân

Cùng chuyên mục
XEM