Lương cao khó giữ người!

06/04/2014 12:15 PM | Nghề nghiệp

Lương khởi điểm tương đương 700 USD, rồi 1.200 USD, nhưng vẫn không giữ được chân kỹ sư Nguyễn Hoàng Kha. Anh quyết định chuyển sang làm cho một công ty khởi nghiệp, lương thấp hơn..
Kha nói: “Cái chúng tôi cần là một môi trường sáng tạo”.

Tốt nghiệp kỹ sư cơ khí chế tạo máy loại giỏi năm 2007, Kha được một nhà tuyển dụng nước ngoài nhận ngay về làm việc với mức lương 700 USD/tháng. Chỉ với hai năm chứng tỏ năng lực bản thân, Kha được lên làm giám đốc xí nghiệp ở Long An, lương 1.200 USD/tháng. “Ai cũng mừng cho tôi, nhưng tôi luôn cảm thấy chưa đủ và không hài lòng. Môi trường làm việc chỉ lo sản xuất các thiết bị công nghiệp theo mẫu mã có sẵn, đã không cho tôi có đất sáng tạo. Và hơn hết, chủ không quan tâm đến việc cho mình được học hành nâng cao nghề nghiệp. Sau hai năm đắn đo, cuối cùng tôi đã quyết “vù”, dù bạn bè luôn miệng bảo tôi điên”, Kha kể.

Điểm đến của Kha lúc đó là Greenlines DP – một công ty mới được thành lập để đóng tàu cao tốc hai thân và không mấy người tin nó sẽ thành công. Dù thu nhập không cao hơn, nguy cơ mất việc cao, nhưng Kha được làm việc với các kỹ sư giỏi của các tập đoàn máy móc nổi tiếng quốc tế, một cơ hội học hỏi sáng tạo anh hằng ao ước. 

“Ở đây chủ luôn khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho tôi được học thêm nâng cao kiến thức. Đến nay, tôi có thể khẳng định lựa chọn của mình là sáng suốt, bởi con tàu hai thân đầu tiên ở Việt Nam đã hạ thuỷ. Và hai tháng nữa tôi sẽ nhận được tấm bằng thạc sĩ”, Kha tự tin nói.

Chuyện “liều mình” bỏ nơi làm việc với mức lương cao, ổn định để tìm nơi có nhiều thử thách và cơ hội học hỏi nâng cao như Kha đã không còn cá biệt. Điều này đang diễn ra ở rất nhiều trí thức trẻ muốn chứng tỏ bản thân. Và câu chuyện của Khoa Phạm cũng là một điển hình khác.

Dù đang làm việc ở một hãng điện thoại có thể nói là lớn nhất nhì thế giới, tại Cupertino, California lương cũng vài ngàn đô (USD), Khoa không thấy hài lòng vì công việc có cường độ cao nhưng đơn điệu và không có điều kiện học hỏi nâng cao. Theo đó, anh đã quyết định đi làm chỗ khác. 

“Ở đơn vị mới nhưng được sáng tạo, được tạo điều kiện để học tập nâng cao kiến thức. Đó mới là nơi làm việc của nhiều lao động chất lượng cao mơ ước”, Khoa khẳng định.

Những chọn lựa của người lao động ở trên có thể đo được qua khảo sát 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam của Anphabe.com. Theo đó, có 19,67% người chọn doanh nghiệp cho họ công việc thú vị với nhiều trải nghiệm đa dạng và chỉ 5,52% người muốn làm việc cho công ty mang đến cơ hội thăng tiến nhanh.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Việt Thanh, giám đốc điều hành mạng doanh nhân Anphabe.com, còn một yếu tố nữa góp phần giữ chân lao động chất lượng cao chính là xu hướng người lao động ngày càng quan tâm đến kinh nghiệm làm việc quốc tế như được làm việc với các chuyên gia hàng đầu của quốc tế, được tham dự các khoá huấn luyện ở tầm khu vực…

Bà Thanh nói: “Trước mắt, doanh nghiệp cần đa dạng các nguồn thu nhập thay vì chỉ tập trung vào mức lương cạnh tranh như trước. Kế đến, tiêu chí cơ hội phát triển kỹ năng và chuyên môn mà người lao động tích luỹ thông qua công việc hàng ngày, chứ không phải là việc thăng tiến nhanh đã được không ít lao động đặt lên hàng đầu”.

Chứng tỏ bản thân khác kênh kiệu

Một lần, tôi nói với sếp trong một lúc bực mình: “Nói thiệt sếp nghe, cỡ em ra đường kiếm một sếp khác dễ dàng. Còn sếp muốn kiếm một đứa cày cỡ em chắc khó lắm”. Nghe vậy, sếp giận, rồi cũng xong. Ai dè mấy bạn trong công ty hay đem chuyện này ra kể trong các cuộc vui, và không ít bạn bình luận là tôi kênh kiệu!

Tôi cho rằng đó không phải là kênh kiệu. Bởi nếu có “nghề” kiếm việc không có khó, hơi khó chút là phải kiếm được việc đúng. Đúng là vừa có thu nhập vừa đủ, có sếp giỏi để học hỏi và có hướng phát triển rõ ràng trong một công ty đàng hoàng. Với quan niệm đó, ở lại Sài Gòn đi làm mướn 12 năm, tôi chuyển công ty bốn lần, đều là bốn lần chủ động và lần sau thì tốt hơn lần trước. Và ở tất cả các nơi làm việc, tôi đều thẳng thắn nêu quan điểm với sếp để tìm ra tiếng nói chung. Nếu sai thì học, đúng thì mong mọi người tôn trọng!

Vậy đó, 12 năm đi làm, mình chỉ là một quản lý cấp phòng với tám bạn trong đội, nhưng tôi tin rằng, lúc nào tôi cũng có quyền đòi hỏi sự sòng phẳng với sếp, nếu không thì mình đi chọn một ông sếp khác… 

Trần Vy Anh kể


Theo Tây Giang – Minh Quân

duchai

Cùng chuyên mục
XEM