Làm khó người thất nghiệp

10/08/2013 20:50 PM | Nghề nghiệp

Từ giữa tháng 4 đến nay, cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) TP.HCM phải từ chối nhiều hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nguyên do xuất phát từ quy định mới (thông tư 04/2013 ngày 1-3-2013 của Bộ LĐ-TB&XH, có hiệu lực từ ngày 15-4) bắt buộc người thất nghiệp phải có tháng liền kề đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trước khi nghỉ việc. Trong khi theo quy định cũ, chỉ cần người lao động đóng BHTN đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng.

Chị H.M. hết hạn hợp đồng từ tháng 12-2012 nhưng công ty thỏa thuận làm thêm tháng 1 và 2-2013 (không đóng BHTN). Đến tháng 3, chị nghỉ việc nhưng khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bị từ chối do trong hai tháng 1 và 2 chị không tham gia BHTN. Còn anh N.H.H. bức xúc cho biết mình bị từ chối hưởng trợ cấp do nghỉ việc từ tháng 1 nhưng đến đầu tháng 3 công ty mới ra quyết định nghỉ việc. Do đó tháng 2 anh không tham gia BHTN. “Tôi phải về công ty điều chỉnh thời gian ra quyết định nghỉ việc mới được hưởng trợ cấp” - anh H. nói.

Một cán bộ Trung tâm GTVL TP cho biết đa số doanh nghiệp không nắm được quy định về “tháng liền kề” nên ra quyết định thôi việc chậm trễ so với thời điểm người lao động nghỉ việc và chưa kể có trường hợp do cơ quan bảo hiểm xã hội chốt sổ bảo hiểm xã hội sai nên không có “tháng liền kề”.

Ông Nguyễn Cao Thắng, phó giám đốc Trung tâm GTVL TP, cho biết những trường hợp như chị H.M. nằm ngoài hướng dẫn của thông tư 04 về thực hiện BHTN nên không được hưởng trợ cấp. Theo thông tư, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, nếu tiếp tục làm việc hoặc tìm việc mới với hợp đồng dưới 12 tháng (không phải tham gia BHTN) thì khi nghỉ việc người đó sẽ không được hưởng trợ cấp do không có “tháng liền kề”. Ông Thắng cho biết quy định như vậy “trái” với mục đích của BHTN là khuyến khích người thất nghiệp tìm việc làm mới.

Ngoài ra, người lao động làm việc trong doanh nghiệp sử dụng mười lao động cũng có nguy cơ không được hưởng trợ cấp khi thất nghiệp. Theo quy định, trong doanh nghiệp này nếu có một số người nghỉ việc mà đến ngày 1-1 hằng năm không tuyển thêm đủ mười người thì những người đang làm việc không được tiếp tục đóng BHTN. Những người này khi nghỉ việc cũng không có “tháng liền kề” nên không được hưởng trợ cấp dù đủ điều kiện.

Cũng theo ông Thắng, thông tư 04 cũng quy định một số trường hợp không cần đóng BHTN ở tháng liền kề trước khi nghỉ việc như: tạm hoãn hợp đồng, người hưởng trợ cấp thai sản hoặc nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn về việc xác nhận những trường hợp trên nên gây khó cho người lao động. Sổ bảo hiểm xã hội chỉ chốt đến thời gian đóng BHTN chứ không thể hiện rõ thời gian tạm hoãn hợp đồng, nghỉ ốm... Do vậy, Trung tâm GTVL TP không thể tiếp nhận hồ sơ mà phải hướng dẫn về doanh nghiệp xác nhận, khiến người thất nghiệp phải tốn thời gian và công sức.

Thiết nghĩ, những văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung các quy định trước đó thường làm cho việc giải quyết quyền lợi của người lao động được thông thoáng hơn. Nhưng với quy định “tháng liền kề” như trên, thông tư 04 lại bắt chẹt và ngăn trở người lao động hưởng quyền lợi khi thất nghiệp.

Thông tư 04 vi phạm Luật bảo hiểm xã hội

Quy định của thông tư số 04/2013/NĐ-CP ngày 1-3-2013 của Bộ LĐ-TB&XH đã xâm phạm quyền lợi của người lao động bị thất nghiệp. Theo khoản 4 điều 3 của Luật bảo hiểm xã hội, người thất nghiệp là người đang đóng BHTN mà bị mất việc làm nhưng chưa tìm được việc làm và theo điều 81 của Luật bảo hiểm xã hội thì điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp là người thất nghiệp đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp. 

Như vậy, đối với việc quy định thêm điều kiện có tháng liền kề là đã vi phạm Luật bảo hiểm xã hội và hạn chế bất hợp lý quyền lợi của những người lao động bị mất việc làm. Do đó theo tôi, Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu ban hành lại thông tư phù hợp với thực tiễn, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thất nghiệp.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Theo Trung Cường

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM