Làm gì khi bị “nói xấu”?

23/09/2015 08:09 AM | Nghề nghiệp

Có khi nào bạn vô tình nghe được vài lời xầm xì về mình, ai đó chê trách điểm này, hay không hài lòng điểm kia…?

Khi tự nhận xét, ai cũng sẽ liệt kê chủ yếu các điểm tốt, thế nhưng điều chúng ta làm và điều người khác nghĩ về mình lại có thể khá khác nhau. Nếu biết được những lời phàn nàn “bí mật” từ nhân viên hay đồng nghiệp, bạn sẽ làm gì?

Im lặng là vàng

Chẳng ích gì khi tự ái hay nổi giận, điều đó chỉ khiến mình đã bị “hiểu xấu” lại càng bị “hiểu xấu” hơn, mặc dù khi nghe những nhận xét không tốt về mình thì chẳng ai vui cả. Im lặng khi trong lòng đang “sôi lên” là cách tốt nhất tránh những xung đột đáng tiếc. Im lặng lúc này chính là cách để “mua sự bình tĩnh”, từ đó gạt bỏ những bảo thủ cá nhân để nhìn nhận sự việc khách quan cũng như đánh giá lại bản thân một cách nghiêm túc. Sự im lặng, không phân bua không phải là yếu kém hay thiệt thòi nếu biết vận dụng đúng cách, đúng thời điểm.

Hãy đối mặt với nó

Quá trình xác định “sự thật” chỉ như xem một cuốn phim ngắn. Tua lại những thước phim về hành động của mình tại buổi họp, cuộc tranh luận với đồng nghiệp gần đây hay những thói quen hàng ngày chốn công sở … Khi đó ta dễ nhận ra những khuyết điểm bị bỏ quên. Hãy đối mặt với “sự thật” là hiếm ai hoàn hảo như họ nghĩ, và nếu không có người “rỉ tai” thì còn nhiều lắm những nhược điểm vô hình mà chúng ta chả nhận ra.

Tập lắng nghe những “điều đáng sợ”

Ngay lúc này hãy thầm cảm ơn những chê trách nếu có, vì nhờ đó bạn được soi mình vào gương và thấy toàn diện cái xấu đẹp của chính mình. Hãy tập lắng nghe (và ghi nhận cả những “phản hồi không nói ra”) từ mọi người xung quanh nhiều hơn. Tuy không phải điều người khác nói luôn đúng, nhưng “Đúng hay sai” thực ra chả là vấn đề lớn nếu mình chú tâm hơn tới cơ hội hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Hữu xạ tự nhiên hương, tự nhiên chúng ta rồi cũng sẽ biến điểm 7 thành điểm 10 trong mắt người khác.

Theo Thanh Nguyễn - CEO Anphabe

Cùng chuyên mục
XEM