[Khi tôi 22] Đừng biến mình thành người quá ham công tiếc việc

26/09/2014 15:01 PM | Nghề nghiệp

Đừng biến mình thành người quá ham công tiếc việc mà quên đi những điều khác trong cuộc sống. Một người nếu quá tập trung vào công việc mà quên đi những đồng nghiệp và những người xung quanh sẽ rất dễ trở nên đơn độc.

Jack Welch là một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất trên thế giới. Tạp chí Fortune gọi ông là "nhà quản lý của thế kỷ 20”. Khi Jack Welch lên điều hành ở General Electric (GE) vào năm 1981 và trở thành CEO trẻ nhất trong lịch sử của tập đoàn này. Welch vừa là nhà hoạch định chiến lược, giảng viên kinh doanh, biểu tượng của công ty, lại vừa là nhà lý luận về quản trị. Nếu lãnh đạo là một môn nghệ thuật thì chắc chắn Welch chính là người nghệ sĩ bậc thầy. Nhờ tính cách và phong cách lãnh đạo độc đáo của ông, trong 20 năm, giá trị của GE đã tăng hơn 40 lần và trở thành một trong những công ty lớn nhất nước Mỹ. Dưới đây là những chia sẻ ngắn gọn của ông đối với các bạn trẻ ngày nay:

Nhiều lúc tôi thường tự hỏi rằng những sinh viên mới tốt nghiệp với đầy hoài bão và tham vọng sẽ bước chân vào thế giới doanh nghiệp ngày nay như thế nào để có thể tự khẳng định bản thân? Thế giới đã thay đổi quá nhanh so với lúc chúng tôi tốt nghiệp, nhưng có một vài điều tôi nghĩ chúng vẫn còn rất đúng vào hôm nay.

Có lẽ điều đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh rằng, các bạn hãy quên đi một vài thói quen mà mình đã học được từ lúc còn ở trường. Một khi đã bắt tay vào công việc, sẽ chẳng có khác biệt nào giữa tuổi 22 và 62, bắt đầu công việc đầu tiên hay thậm chí là thứ năm đi nữa. Tất cả sẽ thể hiện bằng hiệu quả công việc của bạn.

Trong tiềm thức của bạn, một điểm A+ luôn đồng nghĩa với việc trả lời hoàn hảo tất cả những câu hỏi của giáo sư. Nhưng những ngày đó cũng đã qua rồi. Tại sao lại như vậy ư? Để đạt điểm A+ trong công việc, bạn sẽ phải làm nhiều hơn mức kỳ vọng mà cấp trên tin vào bạn. Không chỉ hoàn thành những gì cấp trên yêu cầu, để “ghi điểm”, bạn cần hoàn thành cả những gì mà sếp của bạn thậm chí còn chưa nghĩ tới.

 

“Hãy quên đi một vài thói quen đã học được trong nhà trường.” – Jack Welch (Ảnh: Flickr)

Khi còn là sinh viên, mục tiêu của bạn đơn giản là đứng đầu trong trường. Nhưng khi đã bước chân vào công việc, mục tiêu của bạn giờ đây là làm cho nhóm của bạn đạt hiệu quả cao hơn, sếp của bạn ra quyết định chính xác hơn cũng như làm cho cả công ty trở nên cạnh tranh hơn với đối thủ. Nếu bạn từng nghĩ việc đi học là đủ vất vả rồi thì có lẽ bạn đã nhầm lớn rồi đấy.

Tuy vậy, đừng quá lo lắng. Hãy tập cho mình thói quen nhìn vấn đề một cách tổng quát hơn. Nếu sếp của bạn cần một bản kế hoạch cho sản phẩm trong năm tới, hãy chắc chắn rằng những gì ông ấy nhận được không chỉ là những con số và dự đoán hời hợt mà là những phân tích ngắn gọn nhưng rõ rang và chi tiết, thể hiện rằng bạn thực sự quan tâm tới tình hình phát triển của công ty.

Có thể bạn sẽ phải bỏ thêm thời gian, tan làm muộn hay làm thêm cả trong ngày nghỉ, nhưng điều đó sẽ khiến cấp trên thay đổi cách nhìn về bạn khi thể hiện được rằng bạn nắm rõ tình hình thị trường hiện tại và xu hướng của những năm tới.  Bằng cách đó, bạn sẽ không chỉ đưa công ty của mình đi lên mà cũng đưa mình tiến xa hơn.

 

Ảnh: Flickr

Tuy vậy, cũng đừng biến mình thành người quá ham công tiếc việc mà quên đi những điều khác trong cuộc sống. Một người nếu quá tập trung vào công việc mà quên đi những đồng nghiệp và những người xung quanh sẽ rất dễ trở nên đơn độc. Thậm chí mọi người sẽ nghi ngờ về mục đích làm việc của bạn. Chắc bạn cũng hiểu rằng công ty luôn muốn xây dựng một tập thể vững mạnh chứ không hề muốn những cá nhân đơn độc.

Do vậy, cho dù bạn có muốn khẳng định bản thân mình tới đâu thì hãy cứ giữ nó cho chính bạn như là một động lực để nỗ lực hơn nữa. Bạn không cần phải nói ra cho người khác biết bởi bạn sẽ không thể hy vọng rằng tất cả các đồng nghiệp sẽ đều đối xử vô tư với bạn vì suy cho cùng, ai cũng có những mục tiêu cho chính mình mà thôi. Điều này sẽ giúp bạn trở thành người chiến thắng một cách nhanh hơn.

Khanh Lưu

Lưu Phi Khanh

Cùng chuyên mục
XEM