Khi chán công việc mới, làm sao để vẫn có thể hiên ngang quay về công ty cũ?

08/07/2014 10:15 AM | Nghề nghiệp

Rất nhiều ứng viên mong muốn trở thành người thạo săn việc, nhưng ít ai quan tâm đến khái niệm “nghỉ việc thành công”.

CafeBiz xin gửi đến bạn đọc series "Nhà tuyển dụng nói gì?". Đây sẽ là những lời khuyên và chia sẻ thực tế từ những nhà tuyển dụng, rất hữu ích cho các ứng viên đang tìm việc/thay đổi công việc hoặc sẽ tham gia thị trường lao động trong tương lai.

Bài viết tuần này được CafeBiz hợp tác với Mạng tuyển dụng Anphabe. Series "Nhà tuyển dụng nói gì?" sẽ ra mắt vào thứ 3 hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.




Bạn đang làm việc hiệu quả và chiếm một vị trí quan trọng tại công ty. Tuy nhiên sau đó bạn nhận được lời mời làm việc từ một công ty khác với chế độ đãi ngộ tốt hơn hẳn. Bạn vội vã nhận lời vì cũng muốn thử sức mình trong một vai trò mới.

Nhưng vấn đề không đơn giản như thế. Công ty mới có môi trường hà khắc, khối lượng công việc nặng hơn nhiều lần cùng với đội ngũ kém thân thiện khiến bạn cảm thấy áp lực đè nặng. Bạn nhớ công việc ở công ty cũ và biết rằng vẫn chưa ai thay thế cho vị trí của bạn. Lãnh đạo công ty cũ cũng hoan nghênh bạn quay về.

Mặc dù vậy, quay trở lại công ty cũ làm việc, bạn biết mình khó lòng tránh khỏi cảm thấy "muối mặt" và mặc cảm với mọi người, kèm theo đó là những lời "dèm pha" nói bạn "đã đi rồi còn quay về". Đấy là chưa kể, hồ sơ của bạn nhiều khả năng sẽ bị đóng dấu "nhân viên thiếu trung thành".

Nếu bạn rơi vào tình huống khó xử này, nghĩa là bạn chưa có thái độ chuyên nghiệp khi nghỉ việc. Bạn vừa tìm được một công việc mới tốt hơn, xin chúc mừng! Nhưng trước khi tận hưởng cảm giác hân hoan, hãy dành chút thời gian nghĩ về vướng bận mà bạn cần bước qua. Đa phần ai cũng e ngại nhưng nếu khéo léo, đây còn là cơ hội tốt để phát triển thương hiệu cá nhân. Đó là lúc nghỉ việc.

Không chỉ xin việc, nghỉ việc cũng phải có thái độ chuyên nghiệp

CEO Nguyễn Thị Việt Thanh của mạng tuyển dụng Anphabe chia sẻ, rất nhiều ứng viên mong muốn trở thành người thạo săn việc, nhưng ít ai quan tâm đến khái niệm “nghỉ việc thành công”. Vậy thế nào là nghỉ việc thành công và giá trị của việc này lớn đến mức nào?

Dưới đây là một số lời khuyên cho bạn để ra đi thanh thản và vẫn có thể quay về trong tư thế "ngẩng cao đầu":

Bắt tay nhẹ nhàng với câu hỏi “Tại sao?”

Đây có lẽ là phần hóc búa nhất, nhưng dù sao đi nữa, sự thành thật luôn được tôn trọng. Nếu phong cách lãnh đạo của sếp, môi trường làm việc hay chế độ phúc lợi là lý do cho quyết định của bạn, hãy nói ra vì sếp sẽ rất biết ơn bạn. Nếu sếp bạn là một người quản lý/ lãnh đạo độc tài và tỏ ra tiêu cực, đừng ngại ngùng bởi suy cho cùng sự gay gắt sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của sếp chứ không phải bạn. Một giải pháp an toàn hơn có thể là vì bạn cần nghỉ ngơi một thời gian, muốn khám phá lĩnh vực mới hoặc có một cơ hội mới không thể bỏ qua. Việc sếp bạn bị nhân viên nói dối lúc này không nằm ở lỗi của bạn.

Quyết đoán và chân thành

Sự hỏi han, níu kéo rất có thể xảy ra nhưng có nhiều cách thể hiện sự kiên quyết. Ví dụ, thay vì gửi mail thông báo, hãy gặp mặt trực tiếp, không né tránh buổi phỏng vấn thôi việc…

Không còn là những sinh viên mới ra trường hay người mới vào nghề, vị trí của bạn đã có vai trò nhất định với công ty vậy nên việc ra đi cũng ít nhiều gây ảnh hưởng. Hãy tỏ thái độ thấu hiểu và chia sẻ với người ở lại bằng tinh thần hợp tác tốt nhất. Hơn nữa, khi ở tầm chuyên nghiệp, bạn đã có chuẩn bị cho sự ra đi từ trước khá lâu. Điều cần làm là tìm người thay thế như đề xuất nhân viên cấp dưới hay người quen ngay khi bạn có quyết định. Đó không chỉ tạo cơ hội thăng tiến cho nhân viên, cơ hội nghề nghiệp cho bạn bè mà thiện chí của bạn còn được công ty trân trọng.

Chuyên nghiệp đến phút cuối

Cho dù bạn chán ngán công việc hiện tại đến đâu, sự hả hê, thỏa mãn là điều hoàn toàn không nên. Đi làm muộn, về sớm, la cà khắp văn phòng trong khi mọi người đang túi bụi với công việc hay nôn nóng qua chỗ làm mới là không cần thiết. Tất cả các nhà quản trị doanh nghiệp đều mong muốn kết thúc sự ra đi của nhân viên một cách nhanh và gọn để tránh ảnh hưởng người ở lại, vậy nên sự nóng vội chỉ mang đến cho bạn điểm trừ mà thôi.

Tôi biết nhiều Giám đốc Nhân sự đã chào đón nhân viên cũ trở lại, không chỉ vì năng lực mà phần lớn vì thái độ tích cực của họ trước ngày ra đi. Có vậy mới thấy chuyên nghiệp lúc chia tay không chỉ giúp ích công ty mà hơn hết là cho tương lai của chính bạn!


Thanh Nguyễn

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM