Kết chuyện thế nào để xin được việc

15/11/2013 08:38 AM | Nghề nghiệp

20% thời gian cuối cùng quyết định 80% kết quả cuộc phỏng vấn.

Hầu hết ứng viên khi phỏng vấn chỉ tập trung tạo ấn tượng tốt ngay từ đầu với nhà tuyển dụng mà chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của việc kết thúc các buổi phỏng vấn.

Xem thêm: Kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc

Kết quả phỏng vấn rất có thể tuân theo quy luật 20 – 80, tức 20% thời gian cuối cùng quyết định tới 80% kết quả phỏng vấn.

Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của ấn tượng ban đầu, tuy nhiên không phải ai cũng có khởi đầu tốt đẹp. Nhiều ứng viên vì quá lo lắng và mất bình tĩnh mà có thể chưa thể hiện được mình tốt nhất, ấn tượng nhất ngay từ đầu. Thực ra nói chuyện càng nhiều, ứng viên càng bình tĩnh. Để lấy lại điểm đầu cuộc phỏng vấn đã mất, một kết thúc khôn khéo là rất cần thiết.

Cho dù ứng viên có một khởi đầu trôi chảy đi nữa thì kết thúc hoàn hảo cũng là cách để nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao và tin tưởng bạn là người phù hợp với vị trí họ cần tìm. Vậy bí quyết của cách kết thúc buổi phỏng vấn là gì?

Hỏi lại người phỏng vấn một câu ấn tượng

Thường kết thúc mỗi cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường hỏi “Em có câu hỏi gì cho chúng tôi không?”. Nếu trả lời “không” thì có thể họ sẽ đánh giá bạn thiếu tự tin, cũng không biết chủ động để tìm kiếm thông tin. Nhưng nếu hỏi một câu vô vị thì còn phản tác dụng hơn.

Các câu hỏi của bạn có thể xoay quanh các vấn đề sâu hơn về công việc, về môi trường làm việc, về chế độ đãi ngộ. Nhưng lưu ý các câu hỏi đó phải sâu, nếu các câu hỏi có thể dễ dàng tìm thấy câu trả lời thì thành ra bạn ứng tuyển vì thấy hay hay chứ thực chất chả biết gì về công việc này.

Ví dụ nếu hỏi “tính chất việc này là gì” chứng tỏ bạn chẳng biết gì về công việc khi nộp đơn ứng tuyển. Thay vì thế bạn có thể hỏi theo cách khác: “Em đang rất hào hứng để bắt đầu công việc ngay. Anh/chị có thể chia sẻ sâu hơn và mô tả kỹ hơn về công việc này không?”

Hơn nữa câu hỏi nên thể hiện bạn cực kỳ yêu thích và gắn bó với công việc, thay vì cách chất vấn, chê bai.

Giả sử, bạn thi vào một công ty kiểm toán. Bạn hỏi nhà tuyển dụng “Có phải làm kiểm toán rất vất vả như nhiều người nghĩ không?” Câu hỏi này có thể nhà tuyển dụng sẽ phán đoán bạn có chút do dự và mơ hồ về công việc. Thay vào đó, bạn có thể hỏi: “Nghề kiểm toán rất vất vả, vậy kinh nghiệm của anh/chị để cân bằng giữa công việc và cuộc sống hàng ngày là gì?”.

Câu hỏi đó cho thấy bạn đã lường trước những khó khăn trong công việc nhưng cái bạn quan tâm là cùng nhau chia sẻ giải pháp chứ không phải cùng nhau kêu ca.

Xin họ card visit

Sau buổi phỏng vấn, hầu hết mọi người chào tạm biệt rồi ra về tay không. Tuy nhiên, bạn nên xin card visit hoặc thông tin liên hệ của người phỏng vấn bạn. Đó là một cách giữ quan hệ không chỉ cho công việc tại công ty đó, mà còn là khởi đầu của việc xây dựng quan hệ sau này của bạn. Thậm chí, trong trường hợp bạn không biết đặt câu hỏi gì cho nhà tuyển dụng, thì xin thông tin liên hệ cũng là cách giúp bạn không bị mất điểm.

Theo Peggy Mckee, người sáng lập nên tổ chức bảo mật nghề nghiệp: “Các ứng cử viên có quyền yêu cầu được biết những thông tin này và những yêu cầu này là hoàn toàn thích hợp. Họ cần biết để có thời gian chuẩn bị và có thời gian để đánh giá lại bản thân cũng như công ty mà họ xin tuyển dụng”.

Hãy khẳng định

Nhiều khi bạn đã chuẩn bị rất kỹ mọi câu trả lời, nhưng vì ‘run’ nên bạn trả lời không rõ ràng hoặc bị thiếu ý, hãy tranh thủ cơ hội này để bổ sung những ý đó. Các ý bổ sung nên liên quan đến vấn đề: tại sao bạn chọn công ty đó, bạn yêu thích công việc đó thế nào, bạn thấy mình phù hợp với công ty đó ở điểm gì, …

Cách chia sẻ này vừa có thể bù lấp việc bạn không đặt được câu hỏi hấp dẫn cho nhà tuyển dụng, vừa là cách khẳng định sự gắn bó và yêu thích của bạn đối với công ty và công việc

Xem thêm: Đừng tự bắn vào chân mình trong buổi phỏng vấn xin việc.

Viết thư cảm ơn người phỏng vấn

Dựa trên thông tin xin được, trong vòng 24h, bạn hãy viết thư cảm ơn người đã phỏng vấn bạn. Nội dung nên cảm ơn vì họ đã dành thời gian phỏng vấn bạn và chia sẻ cho bạn nhiều kinh nghiệm tuyệt vời. Bạn cũng nên nhấn mạnh là qua buổi phỏng vấn bạn hiểu thêm về công việc, càng thấy yêu thích và tự tin mình hoàn toàn phù hợp với vị trí đó.

Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rất cao thái độ và sự yêu thích của bạn đối với công việc đang ứng tuyển. Nhiều người sau buổi phỏng vấn rất muốn viết thư cảm ơn, nhưng thường xuyên quên hoặc ngại xin thông tin liên hệ ngay trong buổi phỏng vấn.

Lưu ý bạn chỉ nên viết ngắn gọn, nhưng thật chỉnh chu, cẩn thận, chứ không chỉ làm theo lệ. Hơn nữa, các chi tiết trong thư cảm ơn nên bám theo diễn biến của buổi phỏng vấn. Đó cũng là cách nhà tuyển dụng nhớ ngay ra bạn là ai chứ không phải đến lúc xét kết quả, thì mới tìm tên và cân nhắc.

Thùy Đỗ

thuydtt

Cùng chuyên mục
XEM