Hàng tỷ USD chuyển ra nước ngoài mỗi năm để du học

02/01/2013 14:39 PM | Nghề nghiệp

Nếu có cơ chế tài chính cho lĩnh vực đào tạo hợp lý sẽ giảm thiểu được nguồn ngoại tệ “chảy” ra nước ngoài.


Ông Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, mỗi năm người dân chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài cho con em học tập. Nếu có cơ chế tài chính cho lĩnh vực đào tạo hợp lý sẽ giảm thiểu được nguồn ngoại tệ “chảy” ra nước ngoài.

Theo tính toán của ông, mỗi năm người dân chuyển bao nhiêu ngoại tệ ra nước ngoài cho con em học tập?

Nhu cầu đào tạo chất lượng cao rất lớn và ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì năm học 2010 - 2011 có  98.536 học sinh, sinh viên đi học tập ở nước ngoài, năm học 2011 - 2012 con số này đã tăng lên 106.104 người. Bình quân một suất học tập ở nước ngoài phải chi phí tối thiểu 10.000 - 15.000 USD/năm. Nhân con số này với số người đang học tập ở nước ngoài sẽ thấy mỗi năm, Việt Nam phải chuyển ra nước ngoài ít nhất 1 - 1,5 tỷ USD.

Làm thế nào để khuyến khích học sinh, sinh viên học tập ở trong nước thay vì ra nước ngoài?

Không còn cách gì khác là các cơ sở đào tạo phải nâng cao chất lượng. Chất lượng đào tạo của Việt Nam chỉ cần tương đương các nước trong khu vực cũng sẽ giảm đáng kể lượng người ra nước ngoài học tập. Bởi trong số hơn 106.000 người đang học tập tại nước ngoài thì có tới 35.900 người đang theo học tại các nước châu Á (năm học 2010 - 2011 có 30.030 người).

Nếu có chính sách khuyến khích đầu tư vào cơ sở đào tạo chất lượng cao tương đương với các nước trong khu vực chắc chắn thu hút được đông đảo người học. Bởi trên thực tế, nhiều gia đình có điều kiện, muốn con em mình được đào tạo chất lượng cao nhưng không muốn gửi con sang nước ngoài. Hơn nữa, dù giá dịch vụ giáo dục (học phí) của cơ sở đào tạo chất lượng cao có tương đương với nước ngoài thì tổng chi phí đào tạo tại Việt Nam cũng rẻ hơn rất nhiều. Vì vậy, nếu có cơ sở đào tạo chất lượng cao không chỉ giảm được lượng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài, mà còn tạo cơ hội cho nhiều người được đào tạo chất lượng cao.

Vậy làm cách nào để kêu gọi đầu tư vào cơ sở đào tạo đạt trình độ tương đồng với các nước trong khu vực, thưa ông?

Khi đã đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào, bài toán đầu tiên phải giải quyết là tính toán giữa chi phí đầu tư và lợi nhuận thu được. Trong mấy năm gần đây, năm nào học phí cũng được điều chỉnh tăng, nhưng với mức tăng như vậy thì đến năm 2015, mức thu học phí cũng chỉ đáp ứng được 40% - 50% chi phí đào tạo cần thiết chứ chưa nói gì đào tạo chất lượng cao nên chưa khuyến khích nhà đầu tư bỏ tiền vào lĩnh vực đào tạo chất lượng cao.

Để xã hội hoá giáo dục, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực đào tạo thì phải có cơ chế tài chính mới theo hướng chuyển dần chính sách học phí sang cơ chế giá dịch vụ; tiến tới thực hiện cơ chế tài chính hạch toán đầy đủ chi phí đầu vào, đầu ra theo cơ chế doanh nghiệp. Trước mắt có thể điều chỉnh ngay học phí đối với những ngành đào tạo xã hội có nhu cầu cao, có khả năng xã hội hóa cao; thu học phí cao đối với đào tạo chất lượng cao. Còn đối với những ngành khác thì phải từng bước tính đủ học phí theo 3 mức: chi phí đào tạo đảm bảo tính đủ chi phí tiền lương (mức 1); chi phí đào tạo tính đủ chi phí tiền lương và chi phí thường xuyên (mức 2); và chi phí đào tạo tính cả chi phí khấu hao tài sản cố định (mức 3).

Ông có nghĩ rằng, nếu thực hiện cơ chế tài chính này thì con em gia đình nghèo có nguy cơ không được tiếp tục theo học ở bậc cao đẳng, đại học hoặc cao hơn nữa?

“Tiền nào của nấy”, chúng ta muốn hàng hoá tốt, dịch vụ cao thì phải trả tiền tương xứng. Còn đối với con em gia đình nghèo, gia đình chính sách thì phải sử dụng các biện pháp khác để hỗ trợ họ có tiền theo học đại học, cao đẳng trong đó chính sách tín dụng sinh viên. Theo tôi được biết, tính đến 30.6.2012, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với tín dụng sinh viên đã lên tới 35.538 tỷ đồng; đã có gần 2,4 triệu người là con em của 1,9 triệu hộ gia đình khó khăn được vay vốn để tiếp tục theo học sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Ngân sách đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo tăng liên tục từ 116.820 tỷ đồng năm 2010 lên 144.541 tỷ đồng năm 2011 và 166.094 tỷ đồng năm 2012, nhưng thực tế cho thấy ngân sách nhà nước dành cho giáo dục - đào tạo dù có tăng lên bao nhiêu đi nữa cũng không thể bao cấp đồng loạt cho tất cả các ngành học cũng như tất cả người học. 

Không những thế, với cơ chế tài chính và phân bổ ngân sách cho đào tạo như hiện nay còn dẫn đến tình trạng các cơ sở đào tạo đua nhau mở những ngành dễ đào tạo mà không tính tới nhu cầu của xã hội. 

Cụ thể là có tới 248/416 trường đại học, cao đẳng đào tạo lĩnh vực kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán và tài chính - ngân hàng; số sinh viên theo học 4 lĩnh vực này hiện đã lên đến hơn 600 ngàn, chiếm khoảng 37% tổng số sinh viên. Hậu quả là trong số 32.000 cử nhân tài chính - ngân hàng tốt nghiệp năm 2013 sẽ có ít nhất 12.000 người thất nghiệp hoặc phải làm việc khác và trong vòng 4 năm tới cử nhân tài chính - ngân hàng thất nghiệp sẽ được bổ sung ít nhất 13.000 người nữa.

Vì vậy nếu không có đột phá trong cơ chế tài chính đối với lĩnh vực đào tạo, đẩy mạnh xã hội hoá thì chất lượng đào tạo khó có thể cải thiện như mong muốn và cũng khó có thể hạn chế được nhu cầu chính đáng của người dân có điều kiện là gửi con em sang nước ngoài học tập, khó có thể hạn chế được nguồn ngoại tệ chuyển ra nước ngoài để đào tạo.

Theo Mạnh Bôn
Báo đầu tư

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM