Gỡ rối 3 câu hỏi 'khó nhằn' nhất trong buổi phỏng vấn

21/08/2014 14:35 PM | Nghề nghiệp

Trước mỗi buổi phỏng vấn người xin việc luôn lo lắng và hồi hộp đến khó thở, dưới đây là hướng dẫn chi tiết cho 3 câu hỏi "tủ" bạn cần chuẩn bị đặc biệt kỹ.

Bernard Marr tốt nghiệp tại ĐH Cambridge (Anh), hiện đang là CEO của Advanced Performance Institute, một tổ chức giúp các doanh nghiệp quản lý, đánh giá và nâng cao năng lực cho nhân viên. Bernard Marr còn là cây viết nổi tiếng cho các tạp chí như Financial Times, CFO Magazine và Wall Street Journal và là 1 trong 100 tác giả nổi tiếng nhất trên mạng xã hội LinkedIn. 

Dưới đây là những chia sẻ của Bernard để giúp buổi phỏng vấn của bạn có thể trở nên nhẹ nhàng hơn.

Có lẽ ngay cả với những người gan dạ nhất, phỏng vấn xin việc luôn có thể khiến bạn lo lắng và hồi hộp đến khó thở. Chắc hẳn trước buổi phỏng vấn, bạn đã “cày nát” những hướng dẫn, cẩm nang và thực hành trả lời trước gương những câu hỏi đại loại như: Tại sao chúng tôi nên thuê bạn? Điều gì khiến bạn khác biệt với những ứng viên khác? Đâu là điểm mạnh và điểm yếu của bạn?...

Cho dù vậy, chúng ta chẳng bao giờ đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong buổi phỏng vấn và bạn sẽ gặp phải những câu hỏi nào. Có thể bạn sẽ phải liên tục trả lời những câu hỏi “khó nhằn” từ người phỏng vấn hay may mắn có được một buổi trao đổi thoải mái về công việc. 

Vì thế, công việc chuẩn bị chưa bao giờ là điều dễ dàng cả. Có điều nếu như bạn “thuộc nằm lòng” danh sách các câu hỏi thường gặp, rất có thể bạn sẽ trở nên máy móc và thụ động trước người phỏng vấn, và đây lại là một điểm trừ rất lớn trong mắt các nhà tuyển dụng.

Từ kinh nghiệm của chúng tôi, có 3 câu hỏi mà bạn nên tập trung chuẩn bị thật kỹ:

   - Bạn đã từng có kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức về công việc này chưa?

   - Bạn có thực sự nhiệt tình và thích thú với công việc và với công ty chúng tôi không?

   - Bạn có nghĩ rằng mình hợp với đồng nghiệp và văn hoá công ty hay không?

Những câu hỏi trên thường rất dễ đi cùng với những câu hỏi mà bạn thường thấy. Dựa trên 3 câu hỏi này, bạn hoàn toàn có thể trả lời những câu khác từ người phỏng vấn, nhờ đó bạn sẽ trở nên chủ động và thoải mái hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, một điều bạn cũng nên lưu ý rằng, rất có thể các câu hỏi trên sẽ được đưa ra dưới nhiều hình thức và góc độ khác nhau. Và chừng nào người phỏng vấn còn chưa nghe được điều họ cần nghe, họ sẽ tiếp tục hỏi bằng nhiều cách khác nhau và qua đó kiểm tra được cả tính kiên định (trước sau như một) của bạn nữa.

Sau đây là phân tích cụ thể về 3 câu hỏi này:

1. Bạn đã từng có kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức về công việc này chưa?

Hãy nghĩ về những kỹ năng quan trọng nhất mà bạn có thể cần đối với công việc mà bạn đang ứng tuyển và tự đánh giá mức độ thành thạo của bản thân. Bên cạnh những kỹ năng thông thường mà gần như ai cũng phải có như tin học, giao tiếp, teamwork, bạn cũng nên liệt kê thêm một vài kỹ năng cụ thể hơn cho từng công việc. 

   (Xem thêm: Nhà tuyển dụng muốn gì khi hỏi: Vị trí của bạn ở đâu trong 5 năm tới)

Khi mà bạn đã có thể trả lời thành thạo câu hỏi này, nó sẽ giúp bạn trong việc trả lời rất nhiều những câu hỏi phỏng vấn khác nhau mà không lo đi “quá lan man”. Hãy nhớ rằng mục đích chính của bạn ở đây là thể hiện rằng bạn biết những kỹ năng cốt yếu để hoàn thành công việc. Luôn luôn quay trở lại vấn đề này cho dù bạn có gặp bất kỳ những câu hỏi “đáng sợ” hay “ngớ ngẩn” như:

- Hãy tự giới thiệu về bản thân bạn?

- Đâu là những điểm mạnh/điểm yếu nhất của bạn?

- Điều gì mà bạn có thể làm cho chúng tôi trong khi những người khác thì không?

- Bạn có nghĩ rằng mình là người phù hợp cho vị trí này?

- Bạn nghĩ đâu là thử thách lớn nhất của công việc này?

2. Bạn có thực sự nhiệt tình và thích thú với công việc và với công ty chúng tôi không?

Bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng muốn biết rằng liệu bạn có thích thú làm việc ở đây hay không. Do vậy, ở câu hỏi này, hãy thể hiện rằng bạn đã nghiên cứu cẩn thận về công ty, hiểu được chiến lược của họ, tình hình hiện tại, sản phẩm và thị trường ra sao và cuối cùng là bạn không thể chờ lâu hơn nữa để làm việc cho họ.

Cũng giống như việc chuẩn bị cho bài học ngày hôm sau vậy, nếu bạn còn chưa tìm hiểu về công ty, hãy truy cập ngay mục “About us” trên website của họ và đọc kỹ những thông tin ở đó. Hiển nhiên rằng sẽ chẳng ai muốn thuê một người mà lại chẳng biết chút gì về công ty cả. Một khi đã chuẩn bị xong câu hỏi ở trên, những câu hỏi tương tự vậy cũng sẽ trở nên “dễ thở” hơn rất nhiều:

- Bạn biết gì về công ty chúng tôi?

- Bạn nghĩ sao về mục tiêu sắp tới của chúng tôi?

- Bạn biết gì về sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi?

- Tại sao bạn lại muốn làm việc cho chúng tôi?

- Điều gì thúc đẩy bạn ứng tuyển vào vị trí này?

3. Bạn có nghĩ rằng mình hợp với đồng nghiệp và văn hoá công ty hay không?

Câu hỏi quan trọng cuối cùng là về tính cách của bạn và liệu bạn có phù hợp với văn hoá của doanh nghiệp hay không? Mỗi một doanh nghiệp có một văn hoá khác nhau, và điều quan trọng là bạn có hoà nhập được với điều đó hay không. 

Chẳng có ông chủ nào muốn thuê một người luôn tách mình ra khỏi các hoạt động của công ty hoặc không thể hợp tác được với các nhân viên khác. Tất nhiên, văn hoá công ty này không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm kiếm được trên Internet, tuy nhiên, dựa trên những thông tin mà bạn có trong tay (ông chủ, các hoạt động của công ty,…) bạn đã có thể đoán được phần nào văn hoá của họ và hãy cứ mạnh dạn trả lời tại sao bạn là người có thể hoà nhập được ở đó. 

Trong buổi phỏng vấn, rất có thể bạn sẽ gặp phải những câu hỏi sau nhưng cách trả lời thì gần như không khác biệt là mấy:

- Phong cách làm việc của bạn là gì?

- Hãy miêu tả bản thân bạn thật ngắn gọn?

- Đồng nghiệp cũ nói gì về bạn?

- Tại sao bạn nghĩ mình có thể hoà nhập với công ty chúng tôi?

- Điều gì khiến bạn trở thành một thành viên của nhóm?

- Hãy tưởng tượng bạn là một con vật nào đó, thì bạn là con vật nào vậy?

Tất nhiên, bất kỳ buổi phỏng vấn nào cũng nên trở thành một buổi thảo luận 2 chiều: Họ muốn xem liệu bạn có phải là người họ cần hay không, vậy bạn cũng nên xác định lại liệu công ty đó có đúng là nơi phù hợp cho bạn hay không? Mỗi câu hỏi trên đều có thể đảo ngược lại như sau:

- Khi gia nhập công ty này, liệu tôi có thể tận dụng tốt nhất những kỹ năng và kinh nghiệm mà tôi có hay không, và tôi có thể phát triển hơn nữa hay không?

- Liệu công ty có hoan nghênh tôi làm việc cho họ và tôi có nhận được sự giúp đỡ trong công việc hay không?

- Liệu văn hoá công ty có phù hợp với tôi để tôi thực sự là chính mình và tiến xa hơn nữa?

Với một vài câu hỏi như vậy, chúng sẽ khiến buổi phỏng vấn trở nên cân bằng và giống một cuộc trò chuyện thông thường hơn.

Chúc các bạn thành công với buổi phỏng vấn của mình!

>> Thế nào là một người săn việc thông minh

Lưu Khanh

vandoan

Cùng chuyên mục
XEM