Đón “sóng" TPP, người lao động “nửa mừng, nửa lo”?

12/10/2015 08:45 AM | Nghề nghiệp

Theo tờ Washington Post của Mỹ, việc gia nhập TPP là tín hiệu tốt cho lao động Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng những lợi ích này có thể không đến được với người lao động do những hạn chế về tiêu chuẩn lao động tại Việt Nam.

Tiêu chuẩn lao động – Nội dung quan trọng của đàm phán TPP

Tờ Financial Times của Anh nhận định, TPP là bước đột phá trong việc nâng cao tiêu chuẩn về lao động đối với tất cả các nước thành viên. Từ năm 2007, đã có nhiều người cho rằng Mỹ cần đề cập đến những tiêu chuẩn về lao động trong các cuộc đàm phán thương mại. Và lần đầu tiên, những điều khoản trên đã được đưa vào hiệp định TPP với cam kết những nước nào vi phạm sẽ có thể đối mặt với các hình thức trừng phạt thương mại.

Trong TPP, các nước thành viên đồng ý thông qua và duy trì trong luật và thông lệ của mình các quyền cơ bản của người lao động đã được thừa nhận trong Tuyên bố 1998 của ILO. Đó là quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em; loại bỏ phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

Các điều khoản về tiêu chuẩn lao động trong TPP sẽ buộc các nước như Malaysia và Việt Nam thay đổi các điều luật lao động. Để được tham gia vào TPP, các nước này phải chứng minh rằng họ đang tuân theo những nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và thừa nhận mối liên hệ giữa quyền của người lao động với thương mại.

Đồng thời, các nước thành viên cũng đồng ý có luật quy định về mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Những cam kết này áp dụng cả với các khu chế xuất.

Trong bản công bố chính thức nội dung của đàm phán TPP mới đây, Bộ Công thương cũng cho biết, mỗi thành viên TPP đều cam kết bảo đảm khả năng tiếp cận với hệ thống thủ tục hành chính và tư pháp công bằng, không thiên vị và cung cấp các biện pháp khắc phục hiệu quả những vi phạm luật lao động của mình.

Còn theo Trung tâm WTO, việc thực hiện các cam kết về tiêu chuẩn lao động sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam cải thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chủ động chấp nhận trước những yêu cầu về môi trường và lao động mà Việt Nam hiện có thể đáp ứng được, không giữ quan điểm bảo thủ trong toàn bộ vấn đề.

Người lao động Việt Nam đón “sóng” TPP

Theo tờ Washington Post của Mỹ, việc gia nhập TPP là tín hiệu tốt cho lao động Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng những lợi ích này có thể không đến được với người lao động do những hạn chế về tiêu chuẩn lao động tại Việt Nam.

Thông qua thị trường Việt Nam và Tập đoàn Nike, tờ Washington Post đã phân tích những ảnh hưởng từ TPP đến các nước thành viên và các công ty đa quốc gia.

Theo đó, Nike là một tập đoàn nổi tiếng thế giới với các sản phẩm thể thao thời trang và chiến lược tập trung vào thiết kế, quản lý và marketing. Hầu hết các sản phẩm của Nike được sản xuất theo hợp đồng thuê ngoài (outsource) ở những cơ sở sản xuất đặt tại các nước đang phát triển nhằm tiết kiệm chi phí với nguồn nhân công giá rẻ.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được lựa chọn trong chuỗi dây chuyển sản xuất của Tập đoàn này. Theo Washington Post, khoảng 30% công nhân sản xuất của Nike hiện đang làm việc tại Việt Nam. Sau khi TPP chính thức có hiệu lực, sản phẩm của Nike từ Việt Nam sẽ không phải chịu mức thuế xuất khẩu từ 8-15% như hiện nay.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Luật Lao động và những tiêu chuẩn làm việc tại Việt Nam vẫn còn khá nhiều bất cập. Trên thực tế, tiền lương tại Việt Nam đã tăng lên từ trước khi TPP được thực hiện do một số hiệp định thương mại đã được ký kết trước đó tác động tích cực đến thị trường lao động tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhờ cam kết về quyền sở hữu trí tuệ khi gia nhập TPP, Nike sẽ được gia tăng quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ nhằm chống lại hành vi sản xuất hàng giả tại Việt Nam. Tập đoàn này cũng có thể khởi kiện ra tòa án quốc tế nếu cảm thấy bị đối xử bất bình đẳng so với các công ty trong nước.

Tờ Washington Post nhận định, với việc được “bảo vệ” tốt hơn, các công ty của Mỹ sẽ yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là tiền đề cho dòng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ chảy mạnh vào ngành sản xuất giày dép và may mặc tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khi ngành sản xuất giày dép và may mặc tại một số quốc gia như Trung Quốc, Trung Mỹ và Pakistan sẽ bị suy giảm do chi phí nhân công đang tăng cao chóng mặt, tiền lương của các công ty Mỹ tại các quốc gia trên sẽ giảm dần và tiền lương tại thị trường Việt Nam sẽ tăng lên.

Theo ông Gary Burtless - Chuyên gia của Viện Brookings, đời sống của người lao động Trung Quốc đang ngày càng thấp đi do việc di chuyển tự do với thị trường Bắc Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam có thể sẽ không tận dụng hết những lợi thế mà các hiệp định thương mại này mang đến do người lao động Việt Nam vẫn bị đối xử bất bình đẳng và các tiêu chuẩn lao động còn hạn chế.

“Vào TPP, chúng tôi không yêu cầu Việt Nam trở thành Đức – quốc gia nổi tiếng về tính kỷ luật, chỉ qua một đêm. Với thị trường Việt Nam, chúng tôi mong muốn cải cách mạnh mẽ và giảm thuế" - Bộ trưởng Bộ Lao động Hoa Kỳ Tom Perez cho biết.

Theo Nguyệt Quế

Cùng chuyên mục
XEM