Đội phi công chân dài Việt Nam

30/05/2014 17:52 PM | Nghề nghiệp

Hiện Hãng Hàng không Vietnam Airlines (VNA) đang sở hữu một đội tám nữ phi công người VN phần lớn đều dưới 30 tuổi, trẻ trung, xinh đẹp.

Nội dung nổi bật:

- Trong số hàng trăm phi công của đoàn bay VNA chủ yếu là người nước ngoài, nam phi công VN chỉ có 558 người, còn nữ phi công có tám người.  

- Công việc của các nữ phi công chủ yếu là cơ phó (cũng được gọi là lái phụ) trên các chặng bay đều giống như các nam phi công lái phụ cho lái chính là các cơ trưởng (VN chưa có nữ phi công nào làm cơ trưởng). 

- Hầu hết đều tình cờ bén duyên với nghề. Chi phí đào tạo một nữ phi công trung bình 3 tỉ đồng/người (140.000-150.000 USD).



Nhiều hành khách sau chuyến bay đã nán chờ ở nhà ga để mong được chụp chung với các “nữ phi công trông như người mẫu” một tấm ảnh kỷ niệm hoặc xin số điện thoại để “tiện liên lạc”.

“Có thật em là phi công không? Nữ mà lái máy bay à? Làm phi công có khó không? Công việc cực lắm không?”... Hơn năm năm lái máy bay, chuẩn bị làm cơ trưởng và đang là phi công huấn luyện máy bay cánh quạt ATR72, lúc nào Nguyễn Ly Hương cũng nghe những câu hỏi vừa tò mò vừa khâm phục như thế mỗi khi người hỏi biết cô là phi công.

Phi công như người mẫu

Hương kể năm 2009, lúc cô và cô bạn cùng lớp hiện là cơ phó Airbus A321 Nguyễn Thị Thanh Thủy mới về VN lái máy bay, vì hai cô là nữ phi công người VN đầu tiên mặc đồng phục phi công nên ai “cũng ngoái nhìn”.

Ly Hương bảo bây giờ sự thán phục, trầm trồ đó có thể đã ít đi nhưng bù lại hình ảnh các nữ phi công trẻ trung, cao ráo, xinh đẹp của đoàn bay 919  ngày càng xuất hiện nhiều trên các chuyến bay.

Giọng nói nghe còn đôi chỗ lơ lớ, nữ lái phụ Việt kiều Huỳnh Lý Đông Phương hẹn gặp tôi sau chuyến bay từ Đài Bắc (Đài Loan).

Sinh ra và lớn lên ở Bỉ, cha mẹ đều là người Việt, Phương sở hữu chiều cao 1,71m cùng làn da trắng và khuôn mặt  trái xoan xinh đẹp.

Phương kể những lần đi kiểm tra máy bay trước khi cất cánh, cô thỉnh thoảng nhận được đề nghị chụp ảnh chung của thợ máy đang cùng ca trực. Có một lần trên chuyến bay từ Singapore về TP.HCM, tiếp viên chuyển lời nhắn của một hành khách người nước ngoài là ông sẽ chờ Phương để nói lời cảm ơn.

Các nữ phi công cho biết họ luôn ý thức và cảm nhận được sự cảm kích của hành khách, những người xung quanh khi khoác lên mình bộ đồng phục sải bước cùng các đồng nghiệp nam.

“Đó là niềm tự hào của chúng tôi khi được làm việc cho hãng hàng không quốc gia. Khi ra nước ngoài, chúng tôi hãnh diện cho mọi người biết rằng chúng tôi là nữ phi công VN” - Đông Phương chia sẻ.

Không ai bảo ai nhưng các chị em phi công người VN trong đoàn bay vẫn thường nhắc nhở nhau mỗi khi bay về cách trang điểm sao cho lịch sự, xinh đẹp nhưng vẫn thể hiện tác phong nhanh nhẹn của một nữ phi công.

Nghề chọn người

Điều thú vị của hầu hết nữ phi công chính là họ chọn nghề này khi đang có cơ hội làm việc ở một lĩnh vực khác. Nữ cơ phó đã có hơn 1.500 giờ bay Nguyễn Kim Châu cho biết mình đã làm phi công cho VNA từ năm 21 tuổi với dòng máy bay ATR72.

Sinh năm 1989, cao 1,65m, cô là nữ phi công trẻ tuổi nhất đoàn bay 919. Cô mới chuyển lái loại máy bay từ Airbus A321 lên dòng máy bay A330 từ tháng 9 năm ngoái. Vuốt tóc cho gọn, cô bảo cứ hai tháng lại đổi kiểu tóc một lần cho “sảng khoái”.

Năm 2008, khi đã chuẩn bị mọi kế hoạch cho chuyến du học ở Mỹ, Châu tình cờ biết VNA đang tuyển phi công nữ nên dự thi vì “không muốn ngồi làm công việc bàn giấy”.

Những nữ phi công mà tôi gặp đều chọn nghề lái máy bay một cách tình cờ như Kim Châu, nhưng tựu trung ở họ chính là mong muốn thỏa chí với giấc mơ bay. Cơ phó Nguyễn Ly Hương đang sở hữu hơn 2.000 giờ bay loại máy bay cánh quạt ATR72 cho Hãng hàng không Cambodia Angkor Air (một hãng hàng không liên doanh của VNA ở Campuchia).

Năm 2005, chuẩn bị đi làm theo công việc chuyên ngành quy hoạch và quản lý giao thông đô thị mà cô đã theo học bốn năm ở Đại học Giao thông vận tải, nhưng khi chuẩn bị nhận việc cô thấy mình hoàn toàn có thể đáp ứng tiêu chí thi tuyển phi công của VNA “cao từ 1,60m trở lên, cân nặng 48kg, có sức khỏe tốt” nên quyết định ứng thí.

Năm 2007, Trần Trang Nhung cũng không thể nào tin rằng mình sẽ trở thành cơ phó đội bay Airbus A330 vì đã nhận giấy báo trúng tuyển khoa công nghệ thông tin Đại học Bách khoa. Một lần vào website của VNA đặt vé máy bay cho gia đình đi chơi, cô đọc được thông báo tuyển phi công rồi lẳng lặng nộp đơn thi thử và đậu.

(Xem thêm: Cơ phó 8X xinh đẹp điều khiển Airbus 321 đầu tiên của VN)

Còn Đông Phương đã nuôi trong lòng niềm đam mê lái máy bay từ năm học lớp 11. Phương từng đăng ký thi tuyển phi công quân sự do không quân Bỉ tổ chức nhưng không đạt.

Trước khi mất, cha Phương muốn con gái út của mình học ngành kinh doanh nên thuyết phục Phương từ bỏ niềm đam mê bay. Để thỏa ước nguyện cuối của cha, Phương theo học kinh doanh ở ngôi trường cha mong muốn nhưng đầu óc cứ mộng tưởng về những chuyến bay. Mẹ Phương thương con nên ủng hộ việc bỏ giữa chừng việc học ở Bỉ để thực hiện giấc mơ bay của cô.

Cháy hết mình với nghề

Với tất cả phi công, dù nam hay nữ, mục tiêu tối thượng của họ là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến bay, đúng giờ và tạo sự thoải mái cho hành khách.

Ngày tôi hẹn gặp, nữ cơ phó Airbus A321 Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết cô bay liên tục bốn chặng nội địa và đó cũng là ngày cuối cùng trong chuỗi chín ngày bay liên tục của Thủy. Thủy cho biết nghề của họ là phải cháy hết mình như vậy.

Mỗi tháng trung bình các nữ phi công bay 90 giờ, nhưng để thực hiện ngần ấy thời gian điều khiển máy bay là cả một quãng thời gian dài làm công tác chuẩn bị.

“Nghề này lấy rất nhiều thời gian, chỉ bay bốn chặng với tổng thời gian bay chừng bốn tiếng nhưng chúng tôi phải mất 11-12 tiếng cho cả ngày làm việc đó” - Ly Hương giải thích, vì chưa kể những lần bay còn đối mặt với nhiều chuyện xảy ra tại sân bay do không phải lúc nào mọi việc xảy ra cũng đúng như mình mong muốn vì thời tiết xấu, trục trặc kỹ thuật...

Theo các nữ phi công, họ còn phải chịu nhiều thử thách, áp lực khác với sức khỏe, đời sống riêng tư nên “nhiều khi rất mệt mỏi”.

Theo Lê Nam

Trong số hàng trăm phi công của đoàn bay VNA chủ yếu là người nước ngoài, nam phi công VN chỉ có 558 người, còn nữ phi công có tám người.

Nữ phi công VN có thời gian bay nhiều nhất ở đoàn bay 919 là Nguyễn Ly Hương hiện có gần năm năm bay và tích lũy 2.506 giờ bay. Nữ phi công tích lũy giờ bay ít nhất là Phạm Thanh Nhân với 542 giờ bay.

Công việc của các nữ phi công chủ yếu là cơ phó (cũng được gọi là lái phụ) trên các chặng bay đều giống như các nam phi công lái phụ cho lái chính là các cơ trưởng (VN chưa có nữ phi công nào làm cơ trưởng).

Sau khi nhận tài liệu về thời tiết, kế hoạch bay, tổ bay (thường là hai người: cơ trưởng và cơ phó) sẽ ra sân bay làm thủ tục nhận máy bay. Một thành viên tổ lái sẽ kiểm tra bên ngoài máy bay, người còn lại kiểm tra an ninh máy bay.

Khi máy bay cất/hạ cánh và bay trên trời chỉ có một phi công điều khiển và tổ bay sẽ phân công công việc này, vì vậy có những chuyến bay cơ phó hoàn toàn điều khiển máy bay.

Với những chuyến bay đường dài, các phi công sẽ phân công nhau điều khiển máy bay. Khi rơi vào vùng thời tiết xấu, cả hai sẽ phối hợp và người điều khiển máy bay sẽ nghe theo hiệu lệnh của cơ trưởng.

Cơ trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm toàn bộ chuyến bay, ra quyết định đổi hướng bay, hạ cánh khẩn cấp, quyết định cho máy bay quay lại điểm xuất phát, thông báo tình hình của chuyến bay qua hệ thống loa trên máy bay...

Chi phí đào tạo một nữ phi công trung bình 3 tỉ đồng/người (140.000-150.000 USD).

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM