Đằng sau hiện tượng 'chảy máu chất xám' ở Vietnam Airlines

11/01/2015 12:01 PM | Nghề nghiệp

Có đúng là do lương 75 triệu đồng/tháng là "thấp"?

Ngày 7/1/2015 vừa qua, bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phải ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý và đảm bảo nguồn nhân lực của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, yêu cầu VNA rà soát, thực hiện chế độ tiền lương để tăng thu nhập cho lực lượng lao động kỹ thuật cao, cùng các chế độ đãi ngộ khác. Theo yêu cầu của bộ trưởng, việc này phải hoàn thành trong quý I năm 2015.

Chỉ thị này được ban hành sau khi nhiều nhân viên hàng không kỹ thuật cao của VNA xin nghỉ việc để sang làm việc tại hãng hàng không khác. Các nhân viên này bao gồm cả phi công, điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng tàu bay. Đáng chú ý, việc nhân viên ở Vietnam Airlines xin nghỉ việc hàng loạt diễn ra sau chưa đầy 2 tháng kể từ ngày IPO của hãng hàng không lớn nhất Việt Nam.

Lý do chính thức của hiện tượng nghỉ việc này chưa được công bố, nhưng trong chiến lược thu hút nhân tài và giữ chân nhân tài nói chung, lương thưởng - phúc lợi là một trong những yếu tố quan trọng. Lương và đãi ngộ cũng là điều được Bộ trưởng đặc biệt yêu cầu rà soát và thực hiện chế độ để tăng thu nhập cho lao động kỹ thuật cao. Bởi vậy, bài viết này chúng tôi xin đưa ra một số thông tin về lương của VNA và nhu cầu nhân sự của hãng bay được xem là đối thủ của VNA.

Lương phi công ở Vietnam Airlines

Theo công bố của VNA trước thềm IPO, mức lương dành cho phi công VNA năm 2013 là xấp xỉ 75 triệu đồng/tháng, tiếp viên hàng không là 18,7 triệu đồng/tháng.

Theo số báo cáo tài chính của Vietnam Airlines, chi phí nhân công là khoản chi phí lớn thứ 3 trong cơ cấu chi phí chiếm khoảng 8-9%.

Trong đó, chi trả lương cho phi công chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí nhân công của hãng (trên 70%).

Có thể nói, trong vận tải hàng không, phi công đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với các hãng bay. Chi phí đào tạo tốn kém, chi phí tiền lương cao, tuy nhiên nguồn nhân lực phi công trong nước vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện tại, VNA vẫn phải thuê gần 30% phi công nước ngoài, với chi phí lương cao hơn phi công Việt Nam.

Trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của VNA được công bố trong bản công bố thông tin chào bán cổ phần lần đầu, VNA cho biết hãng sẽ đổi mới đội bay và tăng lượng phi công gấp rưỡi mức hiện tại vào năm 2018 (từ 734 người lên 1.128 người). Trong đó tăng thêm tỷ trọng phi công Việt Nam, từ 535 lên 796 người.

Có lẽ khi xây dựng bản kế hoạch này, VNA sẽ không lường trước được kịch bản xấu khi nhiều phi công và nhân sự kỹ thuật cao lại xin nghỉ việc để sang làm việc tại hãng hàng không khác như bây giờ. Không những kế hoạch phát triển bị ảnh hưởng, việc "chảy máu chất xám" sang các hãng bay khác sẽ khiến VNA đối mặt với nhiều khó khăn và gây xáo trộn đến tình hình hoạt động thông thường.

Hiện tại, đối với các trường hợp xin nghỉ việc tại VNA, theo chỉ thị từ ​Bộ trưởng Thăng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam “Tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lực lượng lao động kỹ thuật cao của VNA”.

Áp lực từ đối thủ

Ngoài hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, hàng không tư nhân của Việt Nam có không nhiều cái tên đáng chú ý.

Những "tay chơi" đời đầu như Indochina Airlines hay Air Mekong đều đã dừng bước do thua lỗ hay nợ nần chồng chất. Liên doanh Jetstar Pacific vốn là công ty con của VNA (nắm 70% cổ phần). Hãng hàng không Hải Âu chủ yếu khai thác kinh doanh bằng tàu bay chuyên dụng, phục vụ các dịch vụ du lịch cao cấp bằng thủy phi cơ hoặc trực thăng, mà không khai thác vận tải nội địa và quốc tế, nên không được xem là đối thủ của VNA.

Tất cả sự chú ý hiện tại tập trung vào cái tên duy nhất trên thị trường hàng không nội địa: Vietjet Air (VJA).

 

Trên thực tế, mặc dù có thị phần áp đảo ở đường bay quốc tế nhưng Vietnam Airlines đang chịu áp lực cạnh tranh khá lớn trên bầu trời trong nước khi thị phần nội địa của VietJet đã đạt 26,1%, với 3,2 triệu hành khách (tăng khoảng 3 lần so với năm 2012). Jetstar Pacific – công ty con của Vietnam Airlines – chỉ chiếm 15,2% thị phần.

VJA là thành viên gia nhập thị trường muộn nhất trên bản đồ bay Việt Nam vào cuối năm 2011 nhưng đã có những bước tiến đáng kể trong việc mở rộng thị phần bay giá rẻ.

Khởi đầu với 3 chiếc máy bay thuê A320 bay đến 2 điểm là TPHCM và Đà Nẵng. Tính đến tháng 7/2014, VietJet đã khai thác đội bay với 15 chiếc Airbus A320 mới, vận hành 27 đường bay, vận chuyển 3 triệu hành khách, tăng 182% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến hãng này sẽ mở rộng 39 đường bay vào năm 2015. 

Tạo dựng thương hiệu bay giá rẻ hiệu quả, cộng thêm việc đầu tư thêm máy bay mới (đặt hàng tổng cộng 100 máy bay A320 các loại trị giá hơn 9 tỷ USD và đã nhận về những máy bay đầu tiên từ tháng 11/2014), bài toán nhân sự đối với hãng bay giá rẻ này sẽ là vấn đề sống còn của Vietjet Air.

Phi công và nhân sự hàng không vẫn là nghề "hot"

Mới đây, một quảng cáo tuyển dụng phi công trong tháng 1/2015 của VJA được đăng trên một tờ báo khiến khá nhiều người chú ý: "Chỉ sau 12 tháng là những học viên giỏi đã có cơ hội trở thành phi công chính thức ở vị trí cơ phó với mức thu nhập tương đương giám đốc của nhiều công ty" (dành cho học viên đăng ký đào tạo phi công cơ bản, chỉ cần tốt nghiệp THPT - PV).

Đương nhiên, như nhiều doanh nghiệp khác, các nhân viên có kinh nghiệm sẽ luôn được ưu tiên nếu nộp hồ sơ

Theo xác minh của chúng tôi, trên website chính thức của VJA, hãng cũng đăng thông tin tuyển dụng phi công khá lớn trong tháng 1/2015. Ngoài đăng tuyển phi công, VJA còn đăng tuyển tiếp viên hàng không, chuyên viên giám sát dịch vụ mặt đất, nhân viên phòng vé, chuyên viên phát triển bán...

Nhu cầu nhân sự lớn của Vietjet Air là hoàn toàn hiển nhiên. Thậm chí, ngoài nhu cầu nhân sự cho 100 máy bay mới mua sẽ về theo lộ trình hàng năm, mở rộng các đường bay mới thì việc thành lập Công ty VietjetAir Cargo cuối năm 2014 cũng sẽ cần thêm nhân sự mới. Về lâu dài, VietjetAir Cargo cho biết sẽ xây dựng đội máy bay vận chuyển hàng hóa và cung cấp các dịch vụ thuê chuyến vận tải hàng hóa cho thị trường trong nước và quốc tế.

Với việc mở rộng quy mô của VJA, hãng sẽ còn cần rất nhiều nhân sự, đặc biệt là các nhân sự lành nghề nhằm rút ngắn thời gian và hạn chế chi phí đào tạo mới. Đây sẽ là cơ hội cho những nhân sự của ngành này, đồng thời là nỗi lo không nhỏ của VNA trong hiện tại và tương lai không xa.

>> [Hồ sơ] Ngành hàng không 2014: 'Chàng thanh niên' Vietnam Airlines vs. 'Cậu bé 3 tuổi' VietJet?

Kỳ Anh

Kỳ Anh

Cùng chuyên mục
XEM