Cử nhân “treo” bằng làm công nhân

13/01/2013 00:42 AM | Nghề nghiệp

Do không tìm được việc làm, nhiều cử nhân phải chấp nhận công việc trái ngành, xin vào nhà máy làm công nhân để có thu nhập trang trải cuộc sống

Dù rất mệt mỏi sau khi tan ca nhưng Trần Thị Thu Thúy, công nhân (CN) Công ty CP Thái Nhật Tân (KCN Tân Bình – TPHCM), vẫn tranh thủ học thêm Anh văn buổi tối. Thúy cho biết trình độ Anh văn yếu chính là lý do khiến cô không tìm được việc làm phù hợp, phải đi làm CN. “Trong thời gian làm CN, tôi cố gắng học thêm tiếng Anh, hy vọng sau này sẽ kiếm được công việc tương xứng với chuyên môn, trình độ đã được đào tạo” - Thúy bày tỏ.

Đào tạo đại học, làm công việc phổ thông

Tốt nghiệp Khoa Báo chí Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 2 từ tháng 7-2012 nhưng chờ mãi, Thu Thúy vẫn không tìm được việc làm dù đã gửi hồ sơ xin việc nhiều nơi. Không còn lựa chọn nào khác, Thúy đành xin vào làm CN ở Công ty CP Thái Nhật Tân. Theo Thúy, trong số 300 sinh viên (SV) cùng khóa ra trường, chỉ khoảng 40% tìm được việc làm nhưng đa phần là trái ngành. Trong lớp của Thúy, nhiều người sau khi ra trường cũng đi làm CN để có thu nhập trang trải cuộc sống.
 
Nguyễn Thị Tiền tốt nghiệp Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường Đại học KHXH&NV TPHCM từ năm 2010. Cầm tấm bằng loại khá, Tiền tự tin xin việc ở nhiều nơi nhưng đến đâu cũng bị từ chối. Loay hoay mãi vẫn không tìm được việc, Tiền quyết định vào làm CN ở KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức - TPHCM). “Có trình độ đại học nhưng phải làm việc của lao động phổ thông (LĐPT), tôi cũng xấu hổ lắm nhưng đành chấp nhận. Lương CN dù không cao nhưng đủ để tôi trang trải chi phí sinh hoạt” - Tiền buồn bã. Trong khu trọ Tiền đang ở cũng có 5 CN đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học.
 
Không chỉ khối ngành khoa học xã hội có tỉ lệ SV ra trường thất nghiệp cao mà ngay cả ở khối kỹ thuật cũng không tránh được tình trạng trên. Tăng Tường Thế theo học hệ cao đẳng Khoa Công nghệ Kỹ thuật Điện tử Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng. Sau khi ra trường, chật vật nhiều tháng trời nhưng Thế vẫn không tìm được việc. Khi thấy Công ty Chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn (KCN Tân Bình) đăng thông báo tuyển  LĐPT, Thế nộp đơn và được nhận vào làm cho tới nay. “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ phải làm một công việc không liên quan gì đến chuyên môn được đào tạo như thế này. Trong công ty cũng có 5 CN rơi vào hoàn cảnh như tôi” - Thế nói.

Khó có cơ hội việc làm

Ông  Trần Hữu Đức, Giám đốc Công ty Dịch vụ và Tư vấn phát triển nguồn nhân lực BBC, nhận xét: Tình trạng lao động tốt nghiệp đại học thất nghiệp chấp nhận làm công việc của LĐPT diễn ra khá phổ biến, nhất là trong vài năm gần đây, khi nhiều doanh nghiệp (DN) cắt giảm nhân sự, thu hẹp nhu cầu tuyển dụng. Ông Đức nhận định: “Ngoài lý do khách quan là xu hướng cắt giảm, tinh gọn nhân sự của DN, tình trạng trên còn có nguyên nhân nhà trường và DN thiếu sự phối hợp. Bản thân SV cũng chưa có định hướng rõ ràng, ít tham vọng nghề nghiệp nên không chủ động trong việc tiếp cận DN”.

Ông Huỳnh Nguyên Vũ, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Á Châu (Asia Food), nhìn nhận việc các trường ồ ạt đào tạo mà không quan tâm đến nhu cầu của thị trường lao động cũng là nguyên nhân dẫn đến SV khó tìm việc, thất nghiệp, phải chọn việc làm trái ngành. Tình trạng cử nhân chấp nhận “treo” bằng để đi làm CN gia tăng thời gian gần đây là một minh chứng.

Theo ông Vũ, thị trường lao động đang có những thay đổi so với trước. Do tính chất cạnh tranh khốc liệt và xu hướng “tinh hóa” nguồn nhân lực nên các DN ưu tiên tuyển dụng người có kinh nghiệm, giỏi kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc. SV mới ra trường nếu không trau dồi kiến thức thực tế, trang bị các kỹ năng mềm sẽ khó có cơ hội tìm việc làm.
 
Nhu cầu tuyển dụng chưa tới 13%

Theo kết quả khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của 6.000 DN trên địa bàn TPHCM của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường TP, trong năm 2013, chỉ tiêu tuyển dụng lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 12,81%, cao đẳng - trung cấp nghề chiếm 32,73%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề 11,11%, số còn lại là lao động chưa qua đào tạo (chiếm 43,35%). Theo ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc trung tâm, nhu cầu tuyển dụng thấp trong khi lực lượng lao động được đào tạo bậc đại học cao sẽ khiến tình trạng thất nghiệp ở nhóm đối tượng này gia tăng trong năm 2013.
 
Theo Hồng Nhung
Người Lao động

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM