Cứ 100 lãnh đạo doanh nghiệp Việt, có 16 người không có bằng cấp, chuyên môn

28/09/2014 12:54 PM | Nghề nghiệp

Theo đánh giá của ILO, hệ quả của tình trạng này là năng suất lao động của Việt Nam ở vào mức thấp nhất của Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng trình độ kỹ năng và chuyên môn thấp của người lao động lại cản trở Việt Nam nắm bắt những cơ hội về việc tốt. Trầm trọng hơn nữa là sự chênh lệch giữa kỹ năng của hệ thống giáo dục và đào tạo trang bị cho người lao động và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai.

Theo báo cáo về Vấn đề Thất nghiệp và Việc làm 2014 của TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Khoa học lao động và xã hội tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014, đến hết quý 2/2014, vẫn còn trên 43,760 triệu người, chiếm 81,75% lực lượng lao động, chưa được đào tạo. Số lao động qua đào tạo (chỉ tính số có bằng cấp chuyên môn kỹ thuật) chiếm khiêm tốn, khoảng 18,25% tổng số lao động và tăng rất chậm (năm 2010 là 14,7%).

Đến 1/7/2014, có trên 22 triệu người không có chuyên môn kỹ thuật hoặc có chuyên môn kỹ thuật nhưng không có chứng chỉ bằng cấp (trên biểu đồ là phần màu xanh lá cây đậm), đang làm những nghề đòi hỏi có chuyên môn kỹ thuật (đặc biệt là các nghề “lao động có kỹ thuật trong nông nghiệp”, “thợ thủ công có kỹ thuật” và “thợ có kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy móc”). 

Theo đánh giá của ILO, hệ quả của tình trạng này là năng suất lao động của Việt Nam ở vào mức thấp nhất của Châu Á - Thái Bình Dương.

Trái lại, có tới 0,75 triệu người có trình độ đại học và trên đại học (trên biểu đồ là phần màu ghi sáng) đang làm các nghề yêu cầu chuyên môn thấp hơn (đặc biệt là các nghề“nhân viên dịch vụ cá nhân, bảo vệ trật tự an toàn xã hội và bán hàng có kỹ thuật”, “nhân viên - chuyên môn sơ cấp, kỹ thuật làm việc tại văn phòng, bàn giấy” và “chuyên môn kỹ thuật bậc trung”).

 

Kỳ Anh

Kỳ Anh

Cùng chuyên mục
XEM