“Cò" đất ngoại thành đổi nghề chăn vịt

07/04/2013 16:00 PM | Nghề nghiệp

Thay vì sáng sáng chỉ ngồi rít thuốc lào, chè chén chờ có khách gọi điện là lên đường thì nay, tại các vùng quê ven đô Hà Nội, số “cò” nhà đất phần lớn đã chuyển nghề, đi làm thuê, chạy chợ, chăn vịt…

Hỏi ra mới biết, số này người chuyển sang nghề bốc vác, người thì chuyển sang đi phụ hồ, hay cấy vài sào ruộng, người thì chuyển nghề chăn vịt kiếm cơm.

PV có dịp dạo qua một số khu vực ngoại thành như Chương Mỹ, Thanh Oai, Hoài Đức… để tìm hiểu cuộc sống của những “cò” nhà đất hiện nay “kiếm cơm” ra sao khi thị trường bất động sản “đóng băng” quá lâu.

Khu vực thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ), chúng tôi có dịp trò chuyện với Mạnh, một “cò” nhà đất khu vực này. Nhâm nhi chén rượu nhà một người bạn, khi đã ngấm, cựu “cò” này kể lại thời hoàng kim với nghề buôn nước bọt, môi giới đất cát. Vốn là một thợ phụ hồ, năm 2004, thấy nhiều người đầu tư đất đai, xây dựng nhà cửa, Mạnh lại là thợ xây nay chỗ này, mai chỗ kia nên cũng lắm được khá nhiều thông tin ai cần mua đất, ai bán đất.

Sau vài lần “buôn nước bọt”, Mạnh giới thiệu thành công mua bán đất được vài vụ, thấy làm ăn “trúng quả”, Minh quyết định thôi đi xây chuyển hẳn sang nghề “buôn nước bọt”. Sau vài năm làm nghề “cò” trong khu vực, Minh bỗng nhiên có tiếng, nhà nào cần mua, cần bán nhà đất cứ gọi nhờ.

Khi thị trường bất động sản “đóng băng”, thì nhà đất khu vực của Mạnh cũng giao dịch chậm, giá sụt giảm không phanh. Mạnh kể, thời kỳ “hoàng kim”, nhà đất khu vực này rao bán tới mức 40 – 50 triệu đồng/m2 mặt đường, trong ngõ cũng có giá từ 20 – 30 triệu đồng/m2, giờ thì giảm tới 2/3 mà không có khách mua… Vậy là hơn 2 năm nay,  làm ăn khó khăn từ nghề “cò”, Mạnh quyết định chuyển lại xoay về nghề cũ làm thợ xây, kiếm vài trăm ngàn đồng/ngày để chi tiêu sinh hoạt, chờ thời cơ…

Tìm về khu vực huyện Thanh Oai, chúng tôi tiếp xúc với một “cò” tên Quyền. Khu vực này vốn là đồng sâu nước trũng, nhưng bù lại khu dân cư đang ở hiện hữu nhiều xã như: Mỹ Hưng, Cự Khê, Kỳ Thủy… giáp danh với khu vực nội thành Hà Nội nên đất cát có giá.

Thời kỳ dài “sốt nóng”, Quyền là một “cò” nhà đất hoạt động khu vực xã Cự Khê, Bình Minh, Kỳ Thủy lâu năm và có kinh nghiệm nhưng cũng phải giải nghệ vì tình trạng “chợ chiều” tại khu vực này. Gần 2 năm nay Q thức thời chuyển sang nghề chăn vịt thịt và vịt đẻ trứng, tính sơ sơ, đàn vịt của Quyền cũng với hàng vạn con…

Gặp PV, Quyền vui vẻ nói về nghề chăn vịt hiện nay còn cho thu nhập kha khá. Sau một vụ chăn nuôi và xuất vịt thịt và vịt đẻ trứng, trừ chi phí các loại Quyền cũng thu về lãi cả trăm triệu đồng/năm.

Ngậm ngùi nhớ lại nghề “cò” đất trước đây, Quyền cho biết, thời kỳ bất động sản lên cao, mình còn thuê cả 2 nhân viên chạy suốt ngày, rồi mở văn phòng nọ kia, dựng biển… để “buôn nước bọt”, mỗi tháng nếu giới thiệu thành công cho vài khách mua cũng kiếm được vài ba chục triệu sau khi trừ chi phí.

Nhưng giờ, giải nghệ, ai đi đường nấy. Nếu thị trường phục hồi, cũng còn phải xem xét lại có quay lại với nghề không bởi công việc chăn thả vịt hiện đang cho thu nhập khá, dù có vất vả hơn nhiều so với buôn nước bọt.

Chị D, một chủ quán nước kiêm luôn “cò” nhà đất khu vực Yên Nghĩa, Hà Đông kể, trước đây mỗi ngày chị cũng phải bán được vài trăm tiền trà đá, khách đến đây xem đất và giao dịch đông như trẩy hội. Mỗi lần có khách xem nhà đất, tôi lại nhờ mấy chú em cùng nghề dẫn đi… Theo chị D, nếu mỗi lần dẫn khách đi mà “cò” khu vực này xin khách 50.000 – 100.000 đồng/khách, còn nếu khách ưng mua căn nhà, lô đất thì “cò” cũng kiếm cả chục triệu đồng từ chủ bán đất.

Thời kỳ hoàng kim nghề bán trà đá, thuốc và nước giải khát mở hàng từ sáng sớm, để đón khách. Giờ  đây, đất cát không có khách ngày nào gần trưa chị mới mở hàng, hàng quán ế ẩm chủ yếu bán cho công nhân xây dựng và thanh niên trong làng.

Chị D chia sẻ: “Giờ tôi không biết giá đất xuống thế nào, chỉ thấy mấy cậu môi giới đất các khu vực này uống nước ở đây lúc nào cũng lắc đầu, vì giá đất đang giảm, không có giao dịch... Mà mấy dự án bất động sản trên địa bàn  lúc sốt, giá đất cũng lên tới cả trăm triệu đồng/m2. Một số “cò” môi giới trước đây khu vực này, giờ chuyển sang nghề chạy xe ôm, người thì đi bốc vác, bỏ nghề hết rồi.

Theo Nguyễn Hiếu

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM