[Chuyện nghề] Thiết kế thời trang – Nghề đẹp mình, đẹp người

12/03/2015 16:10 PM | Nghề nghiệp

Thiết kế thời trang được xem như một môn nghệ thuật ứng dụng đòi hỏi nhà thiết kế phải có tài năng và óc sáng tạo không ngừng nghỉ.

Nội dung nổi bật:

- Xã hội ngày một phát triển, theo đó, nhu cầu về cái ăn cái mặc đã dần chuyển từ “ăn no mặc ấm” sang “ăn ngon mặc đẹp”. Thiết kế thời trang cũng dần có vị thế hơn nhờ ánh hào quang sát cánh cùng dàn chân dài trên sàn catwalk.

- Nghề thiết kế thời trang có thể được hiểu khá rộng. Nhưng dù định nghĩa thế nào, mẫu số chung của nghề này đó là sự sáng tạo và bền bỉ.


Ở Việt Nam, thời trang của chúng ta hiện nay đang ở con số 0 so với thế giới. Cho dù bạn tốt nghiệp ngành thiết kế của trường đại học danh tiếng trên thế giới, về Việt Nam chưa chắc đã trụ được trong ngành.

“Tất cả năng lượng của tôi tập trung vào đôi tay khi tôi chạm tới các chất liệu vải sợi. Tôi nghĩ những nghiên cứu, tìm tòi dai dẳng, gần như điên cuồng của tôi về vải sợi chính là một trong những nguyên nhân đằng sau thành công của tôi”. ( Giorgio Armani).

Tuy nhiên, không hẳn là chúng ta đã hết cơ hội. Về cơ bản, một người tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang sẽ có cơ hội làm việc tại các nhà may, công ty xí nghiệp may, hãng thời trang, viện mốt (tư vấn, nghiên cứu xu hướng mới), hay các cơ sở đào tạo thời trang,…

Một mô hình thường thấy hơn đó là mở tiệm may, nhãn hiệu, cửa hàng thời trang cá nhân. Sài Gòn, như thường lệ vẫn là chốn phồn hoa và là môi trường lí tưởng cho những người có ý định khởi nghiệp trong ngành thời trang.

Nói đến thời trang, không chỉ có quần áo, giày dép, mà theo sau đó là hàng tá phụ kiện theo kèm. Các sản phẩm thời trang đòi hỏi sự góp sức của nhiều nhà tạo mẫu công nghiệp, nhà sản xuất, chuyên gia hóa mỹ phẩm, thợ thủ công lành nghề,… Có thể coi đây là một thuận lợi trong nghề bởi khi đã tạo dựng được vị trí, phong cách và uy tín trên thị trường, một nhà thiết kế thời trang có thể tự mình khám phá thêm những “vùng đất mới”, tất nhiên, với điều kiện họ phải luôn giữ được khả năng sáng tạo, độ nhạy bén với thị trường và niềm đam mê vô bờ với thời trang.

Vẽ đẹp, cắt may thành thục là điều kiện cần của mỗi nhà thiết kế. Để sống được với nghề đòi hỏi tôi chỉ cần sự sáng tạo, mà quan trọng không kém là nền tảng kiến thức văn hóa và xã hội, để có thể đưa thông điệp của mình vào trong sản phẩm, tiếp sau đó là mang thông điệp đó lan tỏa đến những khách hàng của mình. Câu nói nổi tiếng: “Tôi không làm thời trang, tôi chính là thời trang” của huyền thoại Coco Channel được coi là kim chỉ nam của nhiều người trong nghề.

Trong quá trình lao động và sáng tạo, sẽ không tránh khỏi những lúc cảm thấy bí ý tưởng. Đó là khi tôi cần những khoảng thời gian tĩnh lặng, thư giãn và tìm cảm hứng. Nó giúp tôi làm mới lại khối óc và tránh bước vào lối mòn của chính mình.

Một điểm may mắn của ngành thiết kế thời trang đó là so với những ngành nghệ thuật khác, thiết kế thời trang mang lại thu nhập khá cao, đủ để bạn “sống  được” bằng đam mê của mình.

Ở mặt ngược lại, tính đào thải trong nghề cũng vô cùng khắc nghiệt. Nó đòi hỏi tôi phải sáng tạo không ngừng nghỉ, liên tục cập nhật xu thế mới, am hiểu tâm lí thị trường để có thể dự đoán những mốt mới không cho phép các nhà thiết kế nghỉ chân. Sức ép doanh số từ cấp trên đôi khi có thể “đè nát” đứa con tinh thần của tôi.

Đó là chưa kể còn có sức ép từ phía khách hàng. Một sản phẩm ưng ý trong con mắt một người chuyên nghiệp chưa chắc “vừa mắt” một kẻ nghiệp dư. “Ăn mình mặc người”, hòa hợp giữa con mắt thẩm mỹ của mình với thị hiếu của khách hàng là một kĩ nghệ của nghề thời trang. Mấu chốt đó là luôn phải nghĩ cho khách hàng, thật sự mong muốn làm đẹp cho họ chứ không chỉ vì lợi nhuận. Đó là chữ “Tâm” trong nghề thời trang mà không phải ai cũng giữ được.

Mặc dù có tiềm năng, thực tế số lượng các nhà thiết kế thời trang tại Việt Nam không nhiều, nổi tiếng lại càng hiếm. Nguyên nhân? Đó là bởi Việt Nam mới có yếu tố ‘nhân’ – con người, còn thiên thời, địa lợi vẫn chưa có. Việt Nam hiện chưa có nền công nghiệp thời trang, phần lớn vẫn là thời trang gia công dưới cái mác “Made in Vietnam”. Đó là thách thức lớn với những người đam mê ngành thiết kế.

Nhưng đó cũng là thời cơ cho những nhà thiết kế trẻ. Hãy thử nhìn sang ngành thời trang của Nhật Bản. Sau thế chiến thứ hai, Nhật Bản xơ xác, kiệt quệ do chiến tranh. Nhưng đó cũng chính là lúc Kenzo Takada, Issey Miyake,… đặt dấu ấn vào làng thời trang thế giới vốn khi phương Tây đang chiếm thế độc tôn. Họ bắt đầu bằng công việc phụ tá để tiếp thu tinh hoa trong các kinh đô thời trang New York, Paris, Milan,... Để giờ đây, họ là niềm tự hào của thời trang Châu Á, đã phát triển thời trang theo cách của những nhà ảo thuật đại tài.

Những người tiên phong luôn phải đối mặt với thử thách. Nhưng biết đâu, trong số chúng ta, những người giàu tâm huyết với thời trang Việt, có người đủ năng lực đặt nền móng cho một ngành công nghiệp sáng tạo mới, khoác lên ngành thời trang Việt Nam vốn cũ kỹ một tấm áo mới, đẹp đẽ hơn, sáng tạo hơn.

>> [Chuyện nghề] Ám ảnh của người bác sĩ trong những ngày Tết

Minh Phương

Minh Phương

Cùng chuyên mục
XEM