Câu chuyện của một môi giới chứng khoán trở thành chủ công ty nhặt xác người chết cô đơn

16/03/2016 15:33 PM | Nghề nghiệp

Trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số tăng nhanh nhất thế giới và cấu trúc gia đình truyền thống tan vỡ, hiện tượng chết một mình hay còn gọi là “kodokushi” tại Nhật đang tăng nhanh hơn bao giờ hết bất chấp các nỗ lực từ chính phủ Nhật.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Lao động và Xã hội Nhật, trong năm 2013 có 3.700 cái chết cô đơn tại Nhật, tuy nhiên nhiều chuyên gia xã hội học khẳng định con số thực tế phải lên đến 30.000.

Theo ông Scott North, giáo sư ngành xã hội học tại đại học Osaka, con số trên có thể bao gồm không ít trường hợp tự tử, số liệu thống kê giữa 2 trường hợp này nhiều khi bị trùng lặp một cách có chủ ý.

Bởi cách đây không lâu, một số quan chức thuộc chính phủ Nhật đã thừa nhận rằng chính phủ Nhật đã không còn có thể theo dõi được số liệu đối với khoảng 250 nghìn người già trên 100 tuổi. Một trường hợp từng khiến cả thế giới choáng váng chính là vụ việc ông Sogen Kato chết trong nhà riêng đến 30 năm mà không một ai biết đến.

Trường hợp của ông Kato cũng là hiếm thấy, nhưng đã có hàng chục nghìn trường hợp khác chết trong nhà vài tuần đến vài tháng cũng chẳng ai hay biết.

Daisuki Nakamura là một người theo đạo Phật, tông phái thiền tông. Nhìn bề ngoài của anh, hiếm ai nghĩ rằng anh đã 32 tuổi. Anh thường mặc đồng phục có biển tên và luôn dành cho người đối diện một nụ cười nửa miệng.

Hôm nay, anh đang trên đường đến nhà ông Haruki Watanabe, tuy nhiên không phải để gặp ông này mà là để lượm xác của ông đem đi chôn cất, trước đó chủ thuê nhà đã gọi điện để đặt dịch vụ tại công ty của Nakamura.

Anh cho biết ở Nhật có khoảng 10 công ty kinh doanh dịch vụ nhặt xác người chết cô đơn như của anh. Và chỉ riêng công ty anh thì mỗi tháng nhận đến 60 đơn hàng, đó chính là đi nhặt xác của những người chết cô đơn. Anh là giám đốc nhưng cũng trực tiếp tham gia vào rất nhiều vụ việc.

Theo chia sẻ của anh Nakamura, anh rất sợ khi phải đi gom xác vào mùa hè bởi khi đó thi thể thối rữa rất nhanh nên mùi rất kinh khủng và dù đây không phải công việc anh từng mơ ước khi anh còn nhỏ nhưng anh hài lòng với những gì mình đang làm.

Ít ai tin rằng mới chỉ 5 năm trước, Nakamura là một nhà môi giới chứng khoán giỏi. Khi anh mới 27 tuổi, anh kiếm được mỗi tháng ít nhất 2,5 triệu yên, tức khoảng gần 20 nghìn USD. Anh làm việc điên cuồng với tư tưởng thực dụng tràn đầy. Khi công việc kết thúc vào ngày thứ Sáu, đó là lúc anh đốt thời gian trong những câu lạc bộ đêm và những cô gái nhảy. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn trong nhiều năm.

Có đôi khi Nakamura tự hỏi mục đích của cuộc đời anh cuối cùng cũng chỉ dừng lại ở tiền thôi sao, nhưng anh cũng không có thời gian suy nghĩ nhiều hơn để trả lời cho câu hỏi đó. Vì chỉ sáng ngày hôm sau, khi thức giấc, thì anh lại phải ào ào xách cặp đến công ty chứng khoán, bận rộn với hàng trăm lệnh bán mua, bảng điện tử và khách hàng giàu có.

Thế rồi, bà ngoại của anh qua đời. Cái chết của một người đã nuôi nấng, gắn bó với anh từ khi anh còn nhỏ khiến anh suy nghĩ rất nhiều.

Anh nói: “Khi còn trẻ, bà tôi và hàng triệu người cùng thời với bà đã rất chật vật sau khi nước Nhật thoát ra khỏi chiến tranh. Họ đồng lòng quyết tâm xây dựng đất nước. Khi đã già, bà cũng không nghỉ ngơi mà luôn cố gắng chăm sóc con cháu. Vậy mà tôi đã không quan tâm đến bà đủ nhiều hay chỉ đến để nói lời cảm ơn.”

Sau khi bà mất, Nakamura trở nên trầm tư, ít nói hơn rất nhiều. Anh nhận ra rằng những đêm dài chơi bời, những thú vui hoang phí của người trẻ thực sự sẽ vô cùng tồi tệ, lãng phí nếu so với sự hy sinh lớn lao của những người già Nhật sau chiến tranh.

Dù nhận ra như vậy, nhưng Nakamura không có đủ động lực để thay đổi. Anh vẫn tiếp tục công việc môi giới chứng khoán và uống rượu bia tràn lan. Nhưng cảm giác của những lần chơi bời này rất khác so với thời gian trước khi bà ngoại anh mất. Nhiều khi tỉnh giấc sau cơn say dài triền miên, anh cảm thấy rất vô phương hướng và ân hận. Cuộc sống thì vẫn cứ tiếp diễn theo cái vòng quay mà anh cực kỳ ghét đó.

Và cũng đến ngày một sự kiện đã làm thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của anh. Vợ anh kể với anh, bà ngoại cô đã qua đời trong đau đớn tại căn hộ của bà mà không ai hay biết. Mãi đến khi có ai đó chợt nhớ ra sự tồn tại của bà, gọi điện cho bà mà không được, họ đến nhà tìm và phát hiện ra một thi thể đã phân hủy.

Cái chết của bà ngoại khiến vợ anh rất sốc, cô khóc lóc trong suốt nhiều ngày. Cô khóc vì thương bà, vì cảm giác tội lỗi dằn vặt đeo bám. Cuối cùng Nakamura đã chính thức đưa ra quyết định của mình.

Anh xin nghỉ việc ở công ty chứng khoán và thành lập công ty chuyên dịch vụ dọn xác người của riêng mình. Số tiền tích lũy của anh sau khá nhiều năm làm môi giới chứng khoán giúp anh không phải lo lắng về tài chính cho vợ con mà chuyên tâm với công việc thiện nguyện của mình.

Khi quyết định như vậy, anh nghĩ anh muốn làm điều gì đó để đền đáp công ơn của nhiều thế hệ trước, những người đã hy sinh cả cuộc đời của họ để xây dựng nên nước Nhật hiện nay.

Một ngày ở công ty dịch vụ nhặt xác người chết cô đơn

Một ngày làm việc của Nakamura bắt đầu từ 8h sáng, nhân viên của anh đã tập trung đầy đủ ở nhà. Họ thông báo với ông chủ về những đơn đặt hàng bằng một giọng nhỏ nhẹ hết mức có thể để tránh làm phiền hàng xóm. Một gia đình ở Yokohama gọi họ, họ đã đến kiểm tra tình hình để quay về chuẩn bị đồ nghề phù hợp.

Họ cho biết vụ người chết ở Yokohama xếp thang 3 trong 10 thang phân bậc của xác người chết, tức là không quá thối rữa.

Sau khi thảo luận về những đồ nghề cần thiết được mang theo, họ mặc đồng phục công nghiệp màu trắng, găng tay, chất tẩy rửa và xịt mùi chuyên dụng, cũng như những túi cao su lớn. Họ mang theo cả nhiều bình chất tẩy sửa và thuốc diệt côn trùng. Một nhân viên của Nakamura giải thích: “Trên thế giới có đến 40 nghìn loại mùi khác nhau và việc chọn chất khử mùi nào phù hợp nhất là điều không hề dễ dàng.” Ngoài những vật dụng trên, các nhân viên còn trùm mặt nạ và mặc quần áo phòng độc kín mặt.

Xe ô tô đi khoảng 45 phút thì đến nơi. 3 nhân viên lần lượt bước xuống để lên cầu thang vào căn hộ. Căn hộ nằm cuối hành lang im lìm, ngay khi cửa mở ra, dù đã đeo mặt nạ nhưng họ vẫn nhận thấy mùi tử khí lâu ngày sộc lên kèm với mùi thức ăn thối, mùi thuốc lá. Không khí đặc quánh vô cùng khó thở.

Đã làm nghề được 4-5 năm, vì thế chỉ cần ngửi mùi xác chết, Nakamura cũng biết người đó chết vì lý do gì. Với trường hợp này, Nakamura bảo: “Ông ấy chết vì đau tim.”

Người đàn ông đã chết được khoảng 2 tuần, ông chết vì bị lên cơn đau tim dẫn đến đột quỵ khi đang trong nhà tắm.

Cũng theo Nakamura, phần lớn những người chết một mình là nam ở độ tuổi ngoài 60 và rất nhiều trong số đó bị bệnh tim. Lý do của điều này, theo Nakamura, chính là việc khi về già, đàn ông gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập cộng đồng hơn so với phụ nữ.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM