Cao học Mỹ đau đầu vì tiền

15/12/2012 09:16 AM | Nghề nghiệp

Tiền quyên góp giảm, hỗ trợ từ ngân sách bị cắt, nhiều khóa đào tạo cao học tại Mỹ đang không biết lấy đâu ra tiền để chi tiêu.

Mặc dù các trường kinh doanh hàng đầu của Mỹ có vẻ như đã vượt qua thời kì suy thoái kinh tế, nhưng với các trường ít uy tín hơn, đặc biệt là những trường sống nhờ ngân sách, thì mọi chuyện lại khác.

Giá trị của các quỹ ủng hộ (endownment funds) của hầu hết các trường kinh doanh hàng đầu sụt giảm mạnh do sự suy giảm của thị trường chứng khoán vào năm 2008. Trong số các trường của Mỹ nằm trong bảng xếp hạng chương trình MBA trên toàn cầu của tạp chí Financial Times kể từ năm 2008, giá trị các quỹ ủng hộ giảm trung bình 24% trong giai đoạn 2008 - 2010.

Đối với những trường giàu có vốn phụ thuộc vào thu nhập từ các quỹ ủng hộ để trang trải phần lớn chi tiêu, sự sụt giảm này thực sự là một cú sốc lớn.

"Điều này chắc chắn là một cú sốc đối với các trường thuộc top đầu,  đặc biệt là các trường tư thục – vì khoảng 30% nguồn quỹ của chúng tôi đột ngột biến mất", ông Paul Danos, Hiệu trưởng của Trường Kinh doanh Tuck thuộc Đại học Dartmouth chia sẻ. "Mất gần một phần tư thu nhập chẳng phải chuyện chơi."

Mặc dù giá trị quỹ đã ​​tăng trở lại bằng với mức trước khủng hoảng, nhưng tác động của chúng vẫn đang ảnh hưởng sâu sắc tới các trường kinh doanh.

Lý giải cho điều này, Alison Davis-Blake, Hiệu trưởng Trường Ross thuộc Đại học Bang Michigan, giải thích mỗi năm trường trích một tỷ lệ phần trăm giá trị thị trường trung bình của quỹ ủng hộ trong một khoảng thời gian nhất định – ví dụ như trong trường hợp của Ross là bảy năm. Điều này làm nguồn thu hàng năm ổn định hơn.

Trường Tepper thuộc Đại học Carnegie Mellon tiếp tục phải đối mặt với thách thức này. "Về huy động tài trợ, đây là năm khó khăn nhất đối với chúng tôi", Hiệu trưởng Bob Dammon chia sẻ.

Nguồn ủng hộ chínhlà từ thiện cũng giảm. "Mọi người vẫn còn đang bị chấn động sau khủng hoảng," Judy Olian, Hiệu trưởng của Trường UCLA Anderson, "[quyên góp] không dừng hẳn, nhưng mọi người còn thận trọng cho đến khi niềm tin trở lại."

Tuy nhiên, sau một thời kì khó khăn do suy thoái kinh tế, nhiều trường hàng đầu thông báo đã huy động được nhiều khoản quyên góp lớn. Ở Trường Tuck và Trường Darden, năm học 2011/12 ghi dấu một năm kỷ lục, khi Darden phá kỷ lục nhận quyên góp tới 17%. Năm ngoái, Trường Kinh doanh Stanford đã nhận được khoản quyên góp lớn nhất trong lịch sử trị giá 150 triệu USD.

Huy động của các trường hàng đầu tăng, đặc biệt là các trường tư thục, lại thêm có sẵn dự trữ, nên các trường có nguồn chi lúc suy thoái. Ví dụ như Quỹ của trường Darden tăng số tiền rút ra hàng năm để duy trì các hoạt động của trường.

"Không còn cách nào khác, chúng tôi phải làm vậy để tránh phải sa thải giảng viên", ông Trip Davis, chủ tịch quỹ khẳng định.

Trong số các trường được Financial Times xếp hạng, khoản ủng hộ tại các trường công trung bình chỉ bằng 40% khoản ủng hộ tại các trường tư thục. Tại các trường công giàu có, như Darden và Ross, hỗ trợ từ ngân sách không đáng kể nên ít bị ảnh hưởng do cắt giảm trợ cấp ngân sách. Nhưng với các trường công top sau thì lại khác.

"Ngân sách từ nhà nước bị cắt rất mạnh", ông Larry Pulley, Hiệu trưởng của Trường Mason, trực thuộc Đại học William and Mary, chia sẻ. Ông nói thêm, cắt giảm ngân sách thì đã từ lâu rồi nhưng gần đây mới mạnh đến vậy. Từ mức 40% những năm 1980, hỗ trợ từ ngân sách nay chỉ đóng góp khoảng 10% chi phí hoạt động của các trường.

"Ngân sách nhà nước cái gì cũng cần chi ... nên xu hướng này khó có thể đảo ngược. " John Fernandes, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế AACSB, tổ chức kiểm định chương trình đào tạo ở Mỹ, dự đoán rằng nhiều trường công sẽ phải cắt giảm mạnh chi tiêu để cân đối thu chi. "Các trường đang để mặc các vị trí giảng viên còn trống và loại bỏ bớt các chương trình không đem lại lợi nhuận ... Bây giờ tôi hay nghe người ta nói tỷ lệ giảng viên-sinh viên đang tăng. "

Các biện pháp cắt giảm chi phí hành chính - bao gồm hợp lý hóa, chia sẻ dịch vụ và mua sắm tập trung trong các trường đại học – đang được triển khai rộng rãi. "Thời tiền quyên góp và hỗ trợ từ ngân sách dồi dào, còn sinh viên nhập học đông đảo, các trường đại học không cần phải quản lý hiệu quả lắm", ông John Nelson, Giám đốc điều hàn của  bộ phận tài chính công của Moody’s chia sẻ.

"Khủng hoảng ập tới, cái gì dễ làm trước được thì đã làm rồi, nhưng cũng chỉ được đến thế … muốn cải tổ thì phải làm sâu rộng hơn. "

Doanh thu giảm nên hầu hết các trường đã tăng học phí đáng kể trong vài năm qua. Trong số các trường được FT xếp hạng, học phí chương trình MBA toàn thời gian của các trường tư thục tăng trung bình 22% trong vòng bốn năm kể từ năm học 2007/08 đến năm 2011/12. Cùng thời kì đó, các trường công cũng tăng học phí chương trình MBA đối với sinh viên trong nước (vốn –thấp hơn) trung bình 53%. Còn học phí đối với sinh viên quốc tế cũng đã tăng 36%.

"Đây là điều mà chúng tôi buộc phải làm khi nguồn hỗ trợ từ chính phủ đang dần cạn kiệt," Giáo sư Pulley chia sẻ. "Trong một số trường hợp, tăng học phí mới chỉ bù đắp được phần nào thua lỗ", ông Hugh Courtney, hiệu trưởng của Trường Kinh doanh D'Amore-McKim thuộc Đại học Northeastern, khẳng định.

Nhưng rõ ràng, nếu giá quá thấp thì ắt phải tăng nhưng không thể cứ tăng với tốc độ như hiện nay được. Giáo sư Dammon lưu ý "Nhu cầu [học MBA] gần như không đổi thế này thì có rất ít khả năng tăng giá".

"Đó là kinh tế học cơ bản", ông Anand Anandalingam, hiệu trưởng Trường Smith thuộc Đại học Maryland, khẳng định. "Hầu hết các trường công cần đánh giá lại việc tăng học phí của họ vì đơn giản thị trường sẽ không chấp nhận nó."

Tuy vậy, tại các trường hàng đầu, nhu cầu học MBA vẫn còn lớn nhờ có sinh viên quốc tế nên họ có thể đòi giá cao hơn.

"Các trường hàng đầu có thương hiệu toàn cầu và chất lượng đào tạo tốt nên mức giá sẽ tiếp tục ít co giãn theo sức cầu", ông Fernandes chia sẻ. "Thị trường của các trường hàng đầu là toàn thế giới, còn các trường thấp hơn phụ thuộc vào nhu cầu trong nước vốn đang trì trệ, "Giáo sư Danos nhận định.

Minh Tuấn

tuannm

Từ khóa:  cao học
Cùng chuyên mục
XEM