Bao nhiêu giờ làm việc là đủ?

24/10/2013 15:56 PM | Nghề nghiệp

Có phải thời gian làm việc càng ít thì năng suất càng tăng?

Nội dung nổi bật:

Từ những năm 1930, các nhà tâm lí học, kinh tế học đã cho rằng các tiến bộ kỹ thuật có thể giải thoát con người khỏi việc nặng, con người sẽ làm việc ngày càng ít đi: chỉ 4 giờ/ngày, hoặc 15h/tuần. Tuy nhiên, hiện tại, con người còn làm vất vả hơn trước.

- Theo thống kê, những người làm việc hiệu quả hơn (và cũng nhận được mức lương cao hơn) có thời gian làm việc tại văn phòng ít hơn. 

- Tất nhiên, vẫn có ngoại lệ: Người Mỹ làm việc khá hiệu quả trong khi thời gian làm việc của họ không phải là ít. 

Thời gian làm việc là bao nhiêu không quan trọng. Làm việc ít hơn có thể khiến năng suất tăng lên.



Nhà tâm lý học người Anh Bertrand Russell không phải là một “fan cuồng” của công việc. Trong luận văn năm 1932, ông khẳng định rằng nếu xã hội được quản lý tốt hơn, trung bình một người chỉ cần làm việc 4h mỗi ngày. Khoảng thời gian làm việc ngắn như vậy cũng có thể đảm bảo các thứ cần thiết cho cuộc sống và khiến cuộc sống dễ chịu hơn. Thời gian còn lại của một ngày nên được dành để theo đuổi khoa học, hội họa và viết lách.

Russell cho rằng các tiến bộ kỹ thuật có thể giải thoát con người khỏi công việc cực nhọc. Năm 1930, John Maynard Keynes cũng đã đưa ra ý tưởng tương tự khi cho rằng đến năm 2030, con người chỉ cần làm việc không quá 15h mỗi tuần. 

Tuy nhiên, 80 năm sau, con người thậm chí còn đang làm việc vất vả hơn trước. Mùa hè vừa qua, ngân hàng Bank of America đã phải đối mặt với những chỉ trích nặng nề sau khi một sinh viên thực tập qua đời vì làm việc quá sức. 

Dẫu vậy, dữ liệu từ OECD lại cho thấy một câu chuyện tích cực hơn. Ở các quốc gia có thể cung cấp số liệu, số giờ làm việc đã giảm đi so với năm 1990: 

Bao nhiêu giờ làm việc là đủ? (1)

Số liệu cũng cho thấy những người làm việc hiệu quả hơn (và cũng nhận được mức lương cao hơn) có thời gian làm việc tại văn phòng ít hơn. 

Biểu đồ dưới đây thể hiện mối quan hệ giữa sản lượng (GDP/giờ làm việc) và số giờ làm việc trong năm. Số liệu được lấy từ các nước thuộc khối OECD, giai đoạn từ 1990 đến 2012:

Bao nhiêu giờ làm việc là đủ? (2)

Hy Lạp là một trong những quốc gia chăm chỉ nhất ở OECD (thời gian làm việc trung bình là 2.000 giờ/năm). Ngược lại, trung bình người Đức chỉ làm việc trung bình 1.400 giờ/năm. Sản lượng của Đức cao hơn Hy Lạp tới 70%. 

Có một vấn đề quan trọng: liệu có phải sự yêu thích dành cho công việc sẽ biến mất khi người ta kiếm được nhiều tiền hơn? 

Đây là mối quan hệ hai mặt. Một mặt, tiền lương tăng lên làm tăng chi phí cơ hội của thời gian rảnh rỗi và do đó hối thúc con người làm việc nhiều hơn. Mặt khác, thu nhập cao hơn cũng khiến người lao động chi tiêu nhiều hơn vào những thứ mà họ yêu thích, trong đó có các hoạt động nghỉ ngơi giải trí. 

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức lương cao hơn không khiến người lao động làm việc nhiều hơn mà thậm chí là ít hơn. Colin Camerer cùng các đồng nghiệp đã tiến hành khảo sát trên các tài xế taxi và rút ra một kết luận gây nhiều tranh cãi: các tài xế có mục tiêu về thu nhập cho từng ngày. Nếu lương cao, họ có thể đạt mục tiêu nhanh hơn và nghỉ việc sớm. Nếu lương thấp, họ phải lái xe nhiều hơn để đạt được mục tiêu. 

Tất nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ cho kết luận này. Người Mỹ làm việc khá hiệu quả trong khi thời gian làm việc của họ không phải là ít. Và, số giờ làm việc của bộ phận giàu có đang tăng lên trong khi số giờ làm việc của bộ phận nghèo hơn có xu hướng giảm xuống. 

Trong khi đó, một nghiên cứu mới được công bố bởi Ủy ban năng suất New Zealand cho thấy không phải làm việc nhiều giờ hơn sẽ khiến kỹ năng làm việc tốt hơn. 

Dù còn nhiều tranh cãi, vẫn có một điều chắc chắn đúng: thời gian làm việc là bao nhiêu không quan trọng. Làm việc ít hơn có thể khiến năng suất tăng lên. Và, giống như Russell đã lập luận, làm việc ít hơn sẽ đảm bảo cho một cuộc sống thoải mái và vui vẻ hơn, thay vì những giờ căng thẳng, mệt mỏi và rối loạn. 

Theo Thu Hương 

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM