Ngày Tết, nếu định lì xì trẻ nhỏ nhiều tiền thì bạn phải đọc ngay bài viết này

28/01/2017 08:14 AM | Xã hội

Cho trẻ nhiều tiền tiêu vặt, tiền lì xì sẽ khiến khả năng tiết kiệm khi trẻ lớn lên kém đi.

Ngày Tết, có lẽ một công việc mà các bậc cha mẹ, những người lớn không được quên thực hiện với trẻ nhỏ chính là “lì xì”. Đây là một tục lệ đã có từ xa xưa, với quan niệm rằng “cho trẻ nhỏ tiền vào đầu năm mới thì sẽ mang lại may mắn”.

Xã hội càng hiện đại phát triển, giá trị số tiền trong mỗi phong bao lì xì càng lớn. Theo khoa học, điều này không tốt bởi lẽ nó sẽ tác động tới khả năng quản lý tiền bạc của trẻ nhỏ khi chúng lớn lên.

Cụ thể, mới đây, một bài nghiên cứu được đưa ra để chứng minh rằng sự hào phóng của các bậc cha mẹ là không cần thiết đã chứng minh rằng với những đứa trẻ được cho nhiều tiền tiêu vặt hay tiền lì xì, một phần lớn trong số đó sẽ trở thành những người “không biết tiết kiệm”. Một số nhỏ hơn dù có thể không nằm trong số này nhưng cũng sẽ có khả năng quản lý tiền bạc nói chung là không tốt khi lớn lên.

Ở phép thử đầu tiên, các chuyên gia đã đặt ra câu hỏi cho nhiều thiếu niên về số tiền chi tiêu của những cô cậu này, bao gồm cả số kiếm được nhờ đi làm cũng như số được bố mẹ cho hàng ngày hay vào các dịp lễ Tết.

Kết quả được các chuyên gia đưa ra như sau: những thiếu niên vẫn được bố mẹ cho tiền hàng tuần thì đúng là có khả năng tiết kiệm kém hơn so với những đứa trẻ không cần tiền của bố mẹ, tự kiếm tiền nhờ những công việc bán thời gian.

Đi xa hơn, hai vị giáo sư là Sarah Brown và Karl Taylor đến từ Khoa Kinh tế của Đại học Sheffieled của Anh Quốc đã làm một bài nghiên cứu tương quan giữa việc cho trẻ tiền và khả năng tiết kiệm của trẻ về mặt định lượng là như thế nào.

Dựa trên bản khảo sát mang tên British Household Panel được thực hiện thường niên bởi Viện trường Đại học Essex, 2 giáo sư này đã lấy ra dữ liệu từ 6000 trẻ em ở độ tuổi từ 11 đến 15 trên khắp nước Anh. Thông qua dữ liệu này, 2 vị giáo sư đã kết luận rằng cứ được cho càng nhiền tiền, khả năng trẻ có thể tiết kiệm tiền là càng kém: Cứ 1% tăng trong số tiền bố mẹ cho trẻ thì sẽ tạo ra 22% giảm trong khả năng tiết kiệm.

Không chỉ có thế, các nhà khoa học còn đã chứng minh rằng khả năng tiết kiệm của trẻ nhỏ hầu như sẽ không có sự thay đổi khi chúng lớn lên: đứa trẻ nào biết tiết kiệm thì lớn lên cũng sẽ biết tiết kiệm còn đứa trẻ nào phung phí thì lớn lên vẫn sẽ phung phí.

Đa phần với những hành vi chi tiêu không đúng mực này, trẻ em được học từ chính các bậc cha mẹ mình. Chính những khoảnh khắc được bố mẹ hào phóng rút ví ra cho tiền đã in sâu trong tâm trí con trẻ, qua đó khiến chúng dần dà cũng sẽ trở nên thoải mái về tiền bạc như bố mẹ mình.

Tổng kết của bài nghiên cứu gây bất ngờ với các bậc cha mẹ này đã được đưa ra trong một hội thảo thường niên mang tên Royal Economic Society.

Trong hội thảo, các chuyên gia đã kết luận: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ rõ rằng số tiền tiêu vặt mà trẻ nhận được từ cha mẹ mình tương quan ngược chiều với khả năng tiết kiệm của trẻ nhỏ. Ngược lại, nếu trẻ em tự biết kiếm tiền từ những công việc bán thời gian thì khả năng tiết kiệm của trẻ sẽ tốt hơn”.

Sau nghiên cứu này, nhiều tác giả khác đã đưa ra nhiều nghiên cứu có kết quả tương tự. Ví dụ như gần đây, một dòng trong một bài nghiên cứu 30 trang đã giải thích điều này một cách tuy đơn giản nhưng rất trần trụi rằng: “Kết quả từ thực tiễn hàm ý rằng số tiền tiêu vặt sẽ tương quan ngược chiều với khả năng tiết kiệm của trẻ”.

Những nghiên cứu này đã làm cho nhiều bậc cha mẹ tại nước Anh bất ngờ. Ngay lập tức, số tiền tiêu vặt trung bình mà các bậc cha mẹ cho con cái đã giảm mạnh.

Ở Anh, các bậc cha mẹ giờ chỉ cho con mình, những đứa trẻ trong độ tuổi 15, một số tiền khoảng 5,98 bảng mỗi tuần, con số đã giảm 27% so với những thống kê gần nhất vào năm 2011.

5,98 bảng đổi ra tiền Việt tương ứng với khoảng 170.000 đồng. Vậy Tết này bạn liệu còn có ý định lì xì những tờ 500.000 đồng cho con trẻ ? Hãy nhớ câu nói của vị Thủ tướng Anh Winston Churchill: "Đừng cho con trai bạn tiền. Nếu bạn có khả năng, hãy cho cậu ấy một con ngựa".

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM