Ngày Tết đừng giải rượu để rồi ngộ độc thêm

20/02/2018 11:21 AM | Xã hội

Nhiều người vin vào có thuốc giải độc uống không say hay bổ gan để làm giảm cơn say rượu. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng các biện pháp giải rượu bằng thuốc giải, thuốc bổ gan đều không có tác dụng.

Suýt chết vì có “thần dược” giải rượu

Sau 1 năm thập tử nhất sinh vì ngộ độc rượu, anh Nguyễn Văn Trung – Văn Quán, Hà đông vẫn không quên được cảm giác người lạnh toát, lơ mơ, buồn nôn và chân tay suy yếu. Anh được người nhà đưa đến bệnh viện kịp thời, bác sĩ chẩn đoán anh bị ngộ độc rượu. Anh Trung kể năm nào vào dịp Tết cũng là nỗi ám ảnh của cánh đàn ông. Uống rượu từ trước Tết nào là tất niên, gặp gỡ khách hàng rồi đủ các lý do để uống.

Đến những ngày Tết chính thì rượu với anh em, bạn bè và cả tháng cuối năm và đầu năm rượu cứ triền miên. Sau Tết, năm nào đi kiểm tra sức khỏe men gan của anh cũng bị tăng do hậu quả của bia rượu dịp Tết.

Tết năm ngoái, anh Trung phòng thủ sẵn cho mình 1 sản phẩm được quảng cáo là giải rượu hữu hiệu. Với giá 350 nghìn đồng/lọ, được 60 viên, anh Trung hi vọng nó là bùa để anh “chinh chiến” ở các cuộn nhậu.

Tuy nhiên, đến ngày 27 Tết vừa nghỉ Tết ở cơ quan, vợ anh chuẩn bị đồ đạc về quê chỉ chờ chồng về thì người đồng nghiệp đưa anh về nhà với tình trạng say không biết gì. Vợ anh vội vàng lấy cho chồng mấy viên giải rượu đã mua trước đó và kết quả uống xong 1 tiếng không thấy tỉnh như quảng cáo mà anh Trung rơi vào trạng thái lơ mơ, chân tay lạnh toát, người tái xanh.

May mắn vợ anh đưa chồng đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, cả Tết anh ăn Tết trong viện vì chén rượu.

Anh Trung kể mọi năm uống say về nằm nghỉ không giải rượu gì thì chỉ thấy người hơi mệt, ngấy ngấy sợ rượu. Năm ngoái, thấy trên mạng quảng cáo về một loại thuốc giải rượu có tác dụng rất tốt trong việc giải rượu trong thành phần của nó có chứa N-acetyl cystein giúp chuyển rượu thành chất không độc hại acid acetic, ngừa hình thành aldehyd (chất gây độc hại, say xỉn) nên có tác dụng giải rượu.

Theo hướng dẫn trước khi uống rượu thì chỉ cần hai viên. Còn nếu đã say xỉn rồi thì uống luôn 4 viên l, tất cả triệu chứng của say xin sẽ mất hẳn sau 1 tiếng. Và kết quả anh nhận trái đắng vì tự đưa mình ra thử tác dụng của thuốc giải.

Bốn không khi say rượu

Theo thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai những ngày cuối năm các bác sĩ luôn lo lắng tình trạng ngộ độc rượu xảy ra cả với rượu truyền thống cũng như rượu công nghiệp.

Bác sĩ Nguyên cho biết đối với rượu thực phẩm hiện nay không có thuốc giải rượu nào chứng minh tác dụng rõ ràng. Trên các thuốc giải rượu chỉ hỗ trợ một phần, bù vitamin, muối, đường chứ không làm thay đổi hẳn triệu chứng ngộ độc rượu.

Tất cả trường hợp say đều không để bệnh nhân tự điều khiển phương tiên, không nên uống đồ chua mà nên uống nước có đường, muối, tránh chất có axit . Bác sĩ Nguyên nhấn mạnh 4 việc sau không được làm khi có dấu hiệu chếnh choáng sau uống rượu đó là không uống nước chanh, không gây nôn, không ra ngoài trời nhanh và cuối cùng là không uống thuốc giải rượu.

Một sai lầm khác cũng được nhiều người áp dụng là uống aspirin hoặc paracetamol trước hoặc sau khi uống rượu để giảm các cơn đau đầu, tăng “đô rượu”.

“Đây là điều cấm kỵ. Paracetamol là thành phần chính trong các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, chữa cảm cúm. Khi uống rượu, bia vào, gan đang bị ảnh hưởng lại thêm paracetamol cùng một lúc chuyển hoá có thể làm gan tê liệt. Hay như aspirin, một loại thuốc giảm đau, hạ sốt, khi uống phối hợp với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, tá tràng, dẫn đến viêm loét hoặc thậm chí có thể gây xuất huyết tiêu hóa”, BS Nguyên khuyến cáo.

Trong trường hợp bệnh nhân khá hay gặp uống rượu xong về đi ngủ người nhà nghĩ là bình thường đến sang dậy thấy mệt không ăn thấy bình thường không để ý, qua một thời gian dễ bị hạ đường huyết gây tổn thương não. Có trường hợp đến viện gây tổn thương não nặng nề, hôn mê kéo dài gây tử vong.

Có trường hợp nôn nhiều sặc vào phổi gây viêm phổi, suy hô hấp đến viện phải hồi sức, điều trị rất nặng nề.

Theo Phương Thúy

Cùng chuyên mục
XEM