Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2016: Doanh nghiệp hết đường làm "ảo"

26/09/2016 09:29 AM | Kinh doanh

Chỉ còn 4 ngày nữa là diễn ra ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất năm 2016. Với cơ chế mở, kiểm soát chặt từ các website so sánh giá và phản ánh từ khách hàng, hiện tượng doanh nghiệp khai vống giá gốc sản phẩm để treo khuyến mại hứa hẹn sẽ không còn.

Rút kinh nghiệm tình trạng DN (doanh nghiệp) sửa giá gốc sản phẩm đắt hơn thông thường để treo khuyến mãi ảo, đánh lừa người tiêu dùng, trong Ngày mua sắm trực tuyến mùa thu Online Friday 2016, khách hàng có thể phản ánh báo xấu khi phát hiện vi phạm để Ban tổ chức cập nhật, cảnh báo và hạ điểm uy tín của DN.

Theo đó, người tiêu dùng có thể phản ánh báo xấu khi phát hiện DN vi phạm các nội quy như: nội dung sản phẩm không đúng, gây phản cảm; giá khuyến mãi trên website sai lệch với giá trên Online Friday; giá niêm yết cao hơn giá thị trường - khuyến mại ảo; sản phẩm hết hàng mà không hạ thông tin; chất lượng sản phẩm không đúng với mô tả…

Các thông tin này sẽ được Ban tổ chức xử lý real - time (hệ thống cập nhật và cảnh báo ngay). Bên cạnh đó, các DN tham gia đăng ký sẽ phải qua khâu xét duyệt chặt chẽ thông tin; giá sản phẩm không được thay đổi sau khi đưa lên hệ thống. Ban tổ chức sẽ phối hợp với các hệ thống so sánh giá để đánh giá.

Để giúp khách hàng nắm bắt, đánh giá được giá sản phẩm so với trên thị trường trước khi quyết định mua cũng như phát hiện ra thông tin khuyến mại ảo, chương trình có sự hỗ trợ của các website so sánh giá như Websosanh.vn, Topgia.vn, Chongiadung.com … Bên cạnh đó, hệ thống kỹ thuật của Online Friday 2016 cũng được các đơn vị đồng tổ chức chuẩn bị kỹ càng hơn nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trước đó, Ngày mua sắm trực tuyến năm 2015 đã xảy ra một số tình trạng khuyến mãi ảo. Các DN đẩy giá gốc sản phẩm lên mức cao rồi treo khuyến mại giảm giá 50-70% nhằm hút người dùng. Theo đó, nhiều sản phẩm sau khi khuyến mại 70% vẫn cao hơn giá thị trường ở khung giá so sánh, làm giảm niềm tin của người dùng vào chương trình.

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), tình trạng này sẽ không xảy ra trong ngày Online Friday năm nay. Với cơ chế mở, kiểm soát chặt chẽ từ BTC và phản ánh của khách hàng, các DN sẽ khó gian lận khi đẩy giá lên rồi giãn biên độ 0% giảm giá khi tham gia.

Được biết, ngày mua sắm trực tuyến năm nay có nhiều đơn vị DN, thương hiệu và chuỗi cửa hàng, trung tâm thương mại uy tín tham gia. Các tên tuổi lớn có thể kể đến như: Thế giới di động, Nguyễn Kim, Viễn Thông A, Lazada, Sendo, FPT Shop, VietjetAir, Jetstar, Mediamart, Sài Gòn Co.op, Adayroi và các hệ thống trung tâm thương mại Vincom,…

Người tiêu dùng có thể tìm kiếm khuyến mãi và mua hàng qua nhiều kênh đa dạng, đặt hàng trực tuyến và chuyển phát về tận nhà hoặc đi mua sắm trực tiếp với coupon/voucher được lấy từ hệ thống Online Friday.

Hình thức mua hàng trực tuyến qua 2 kênh online và offline:

Online Friday - Ngày hội mua sắm trực tuyến của Việt Nam là chương trình được Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại diện tử và các doanh nghiệp trong lĩnh vực TMĐT tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2014.

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA, Bộ Công Thương), Online Friday 2016 có sự tham gia của hơn 3.000 doanh nghiệp thương mại điện tử trên toàn quốc, với khoảng 200.000 sản phẩm khuyến mãi.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM