Ngày mai, giới nghệ sĩ của hãng phim truyện Việt Nam đi lái tàu hay đóng phim?

06/05/2016 15:15 PM | Kinh doanh

Câu hỏi về số phận và sứ mệnh của hãng phim Nhà nước lớn nhất Việt Nam được giới nghệ sĩ bàn tán xôn xao ngay sau khi về tay chủ sở hữu mới là Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso).

Sau những năm tháng làm ăn bết bát, thua lỗ, đến cuối tháng 3/2016, Bộ VH,TT&DL đã bán thành công Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) cho Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso). Theo đó, để được làm chủ VFS, Vivaso sẽ phải chi số tiền tối thiểu là 33,12 tỷ đồng mua 3,25 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ.

Sau khi Vivaso hoàn tất mua cổ phần VFS, nhiều ý kiến nhận định, nhà đầu tư chiến lược đã “vớ bẫm” khi có được hợp đồng quá hời từ quỹ đất mà VFS đang được phép sử dụng.

Cũng không ít lo ngại của giới nghệ sĩ, rằng: Liệu Vivaso - một doanh nghiệp chuyên về tàu thủy có thể đảm đương nhiệm vụ sản xuất phim? Khi về tay Vivaso, giới nghệ sĩ sẽ đi lái tàu hay đóng phim...?

Chiều hôm qua, 5/5, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức một cuộc hóp báo để thông tin chính thức, giải đáp nỗi lo đau đáu này.

Theo đó, Bộ này khẳng định, sau khi cổ phần hóa xong, Hãng phim truyện Việt Nam sẽ đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam.

Bộ VH, TT & DL cũng đã yêu cầu Vivaso cam kết 90% doanh thu của đơn vị này phải đến từ phim. Và trong 5 năm đầu, Vivaso phải dành 20% để phục vụ cho công tác sản xuất phim, cũng như hoạt động điện ảnh, trả những khoản nợ mà VFS đang gánh.

Chia sẻ về nhận định này, ông Nguyễn Danh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vivaso cho hay: “Nhiều nghệ sĩ hoang mang, thậm chí có người lo sẽ phải đi lái tàu thủy thay vì đóng phim. Tôi đã có buổi gặp gỡ với tất cả thành viên VFS và chia sẻ, thực chất của cổ phần hóa chỉ là thay đổi tên của hãng cũng như có thêm sự đầu tư. Giữa Vivaso và VFS vẫn là 2 doanh nghiệp hoạt động độc lập”.

Đồng quan điểm, đạo diễn Vương Đức - Tổng Giám đốc VFS nói: "Tôi hiểu và thông cảm với tâm tư của những nghệ sĩ gắn bó với VFS thời gian qua nhưng cổ phần hóa là nhiệm vụ, là con đường sống của VFS. Nếu không cổ phần, VFS chỉ có nước ôm nhau ra Hồ Tây chết chìm. Tôi cũng phải nói thêm, cổ phần hóa xong không có nghĩa chúng tôi sẽ phải lái tàu".

Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam hiện đang là chủ sở hữu một diện tích rất lớn giáp với hồ Tây, Hà Nội, khoảng 5.500 m2.

Khu đất vàng này có một vị trí đắc địa, hai mặt tiền là đường Thụy Khuê và đường ven Hồ Tây. Nằm liền kề với trường THPT Chu Văn An, xung quanh là các nhà hàng hoạt động rất sầm uất, nhộn nhịp.

Ngoài ra, công ty này còn có 905 m2 ở Hoàng Hoa Thám làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe và quản lý khu đất rộng 6.382 m2 tại Đông Anh (Hà Nội) là trường quay phim.

Ở Tp. HCM, VFS còn sở hữu 600m2 ở đường Thái Văn Lung, ngay sau Nhà hát thành phố ở quận 1 TP.HCM.

Theo phương án, sau cổ phần hóa, VFS dự kiến ngoài phim truyện và nghệ thuật sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh khác như kinh doanh nhà hàng, quán ăn, xuất khẩu các mặt hàng kinh doanh của công ty.

Tuy nhiên, ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Phó Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa Hãng Phim Truyện Việt Nam cho biết: "Vivaso sẽ phải cam kết đầu tư cơ sở vật chất cho việc làm phim, tuân thủ sử dụng đất phục vụ sản xuất phim.

Nếu đơn vị này sử dụng đất không đúng mục đích, Bộ hoàn toàn có thể gửi ý kiến lên thành phố để thu hồi lại đất; không thực hiện đúng cam kết sẽ phải bồi thường thiệt hại".

Thụy Du

Cùng chuyên mục
XEM