Ngày khai giảng và những chuyện không ai nhắc tới

06/09/2016 19:28 PM | Xã hội

Trong tiếng trống khai trường năm học mới, tôi chợt nhớ cô bé Totochan mơ sẽ trở thành một giáo viên. Và cô bé tưởng tượng một môi trường học tập sẽ không học quá nhiều, nhiều ngày hội thể thao, làm bếp dã ngoại, cắm trại và đi tham quan....

Tôi vẫn nhớ như in ngày khai giảng đầu tiên của mình trong đời, không phải bởi những kỉ niệm vui, mà bởi một sự cố: tôi "có một chút" tè dầm ra quần. Không phải bởi thằng bé nhút nhát khi lần đầu trong đời nhìn thấy nhiều người như thế trong một không gian bé tẹo là cái sân trường, cũng không phải bởi tiếng trống làm tôi giật mình, mà vì buổi lễ khai giảng lâu quá. Lâu bởi vì có những người thay nhau cầm giấy lên nói rõ lâu dưới cái nắng chang chang của một ngày tháng 9. Bọn trẻ ngồi dưới không biết làm gì hơn là chờ cho đến khi tất cả kết thúc vào gần trưa.

Giờ đã trưởng thành, cứ mỗi dịp khai giảng năm học mới, tôi lại băn khoăn trăn trở về những khía cạnh khác như: tâm trạng thực sự của bọn trẻ như thế nào, có vui thực sự không, có cảm thấy điều gì không thích thú không, có đứa nào đái dầm như tôi vì những buổi lễ quá dài và hầu như chỉ mang ý nghĩa hình thức hay không? Những điều này tôi đã nghe bạn bè nói, viết trên Facebook hoặc trong những buổi chuyện trò cà phê ngoài đường. Ai cũng chỉ mong cho con cái có “một năm học yên lành".

Cái sự yên lành ấy là một giấc mơ lớn của các ông bố bà mẹ. Yên lành không hẳn là câu chuyện kiến thức nữa, mà yên lành bao hàm rất nhiều ý khác nhau liên quan đến quan hệ của bọn trẻ với giáo viên, quan hệ của chính họ với những thày cô giáo ấy, và hy vọng bọn trẻ không có chuyện gì xấu xảy ra với chúng trong lớp hay ngoài đời.

Ước mơ của những phụ huynh với trẻ đang dần thay đổi, từ việc ngày xưa chúng phải học giỏi, lớn lên thành một "ai đó" đến việc làm sao để chúng an toàn hơn, an toàn không chỉ theo nghĩa vật chất, mà là an toàn trong các mối quan hệ xã hội, trước những gì tiêu cực đang diễn ra trước mắt họ hàng ngày, hàng giờ. Và vì sự an toàn ấy cho con mà trên thực tế là cho bản thân mình, chính các phụ huynh cũng rơi vào một cái vòng luẩn quẩn không tài nào cưỡng được của các mối quan hệ, với chạy trường, chạy lớp, chạy cả giáo viên. Đường chạy này bắt đầu từ trước ngày khai giảng rất lâu, và ngày khai giảng thực ra chỉ là một sự chính thức bắt đầu của cuộc đua vì sự "yên lành".

Liên quan đến bản thân đứa trẻ, chưa thấy cơ quan chức năng thực hiện thăm dò ý kiến đối với các học sinh về ngày khai trường, một cuộc thăm dò độc lập và không mớm lời khi báo chí chủ yếu chỉ khai thác về những điều chúng thích trong ngày khai trường, chứ chẳng bao giờ hỏi xem chúng không thích điều gì.

Khi người ta thực sự nghĩ đến học trò nghĩ gì, muốn gì, chứ không phải bởi các nhà giáo dục và những người có trách nhiệm cầm giấy lên đọc trong các lễ khai giảng muốn gì, người ta sẽ làm khác.

Chất lượng của một nền giáo dục thực ra không nằm ở sự hoành tráng của ngày khai giảng. Đứa trẻ có yêu trường yêu lớp không cũng không nằm trong khía cạnh quần là áo lượt, bố mẹ nô nức đưa con đến trường, những màn tung bóng bay trong tiếng trống tùng tùng được báo chí ca ngợi đẹp và hoành tráng.

Tôi chợt nhớ đến một đoạn trong cuốn truyện nổi tiếng "Totochan, cô bé ngồi bên cửa sổ". Khi cô bé mơ mình sẽ trở thành một giáo viên: "Em thầm nghĩ: "Khi nào mình là giáo viên…". Và Totochan đã tưởng tượng, không học quá nhiều, nhiều ngày hội thể thao, làm bếp dã ngoại, cắm trại và đi tham quan".

Uớc mơ như thế của những cô bé như Totochan đã trở thành hiện thực ở những nước phát triển, không phải bây giờ, mà từ nhiều bao năm trước kia. Ước mơ ấy trở thành hiện thực bởi người ta hướng đến điều căn bản nhất đối với một nền giáo dục là vì học sinh và họ làm như thế một cách thực sự, chứ không phải hô hào khẩu hiệu và đi luẩn quẩn bao năm cải cách không tới và không trúng điều cơ bản ấy.

Làm sao để bọn trẻ yêu trường yêu lớp, yêu cả môn Lịch sử đang bị chúng ruồng bỏ bởi những lí do chắc chắn "người lớn" hiểu, và họ vẫn đang bị quẩn quanh chưa thoát được bởi những điều họ đang tự trói buộc mình trong rất nhiều năm qua.

Theo Trương Anh Ngọc(từ Roma, Italia)

Cùng chuyên mục
XEM