Ngành xuất khẩu 2 tỷ USD của Việt Nam đang đối mặt những vấn đề gì?

24/07/2017 15:28 PM | Kinh tế vĩ mô

Số liệu từ Tổng cục hải quan cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 đạt 2,1 tỷ USD, xấp xỉ với các ngành khác như sản phẩm từ chất dẻo, dầu thô, rau quả.

Ngành xuất khẩu hơn 2 tỷ USD

Theo báo cáo của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lúa là cây trồng quan trọng nhất tại Việt Nam với tổng diện tích 7,8 triệu hecta vào năm 2016, chiếm 52,5% tổng diện tích cây trồng. Trong các vụ lúa thì vụ lúa Đông Xuân là lớn nhất với diện tích 3,082 triệu hecta, vụ Hè Thu với diện tích 2,106 triệu hecta, kế đến là lúa mùa với 1,9 triệu hecta và nhỏ nhất là vụ Thu Đông (chỉ có ở miền Nam) với diện tích 701 nghìn hecta.

Theo bộ NN&PTNT, tổng sản lượng lúa cả nước năm 2016 đạt 43,6 triệu tấn (năng suất 56 tạ/hecta) tương ứng với 27,861 triệu tấn gạo. Năm 2016 Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 5,6 triệu tấn gạo, là nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới về mặt hàng này sau Ấn Độ và Thái Lan. Nếu tính hơn 1 Triệu tấn gạo xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc thì tổng xuất khẩu gạo của nước ta lên đến gần 7 triệu tấn.

Số liệu từ tổng cục hải quan cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 đạt 2,1 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu này xấp xỉ với các ngành khác như sản phẩm từ chất dẻo, dầu thô, rau quả.

Tuy nhiên BVSC cho rằng triển vọng của ngành này chưa rõ ràng bởi dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2017 tăng 2,4% trong khi tiêu thụ chỉ tăng 1,6%, tồn kho gạo thế giới dự kiến tăng thêm gần 3,5 triệu tấn vào thời điểm cuối năm. Tuy nhiên trước mắt giá gạo có mức hồi phục khả quan do Bangladesh thiếu hụt gạo do thiên tai và các quốc gia khác như Philippines cũng tăng cường nhập khẩu.

Gạo trắng gặp khó

Theo báo cáo của Agromonitor, gạo trắng chiếm đến hơn 68%, gạo thơm chiếm 17% trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Trong nhóm gạo trắng, gạo tấm 5% chiếm khoảng 28% và phần còn lại 40% bao gồm các loại gạo trắng chất lượng kém hơn với hàm lượng tấm từ 10%, 15%, 20% và 100%.

Tuy nhiên BVSC cho biết Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu gạo trắng. Tại thị trường Đông Nam Á, gạo trắng Việt Nam không thể cạnh tranh về chất lượng với gạo Thái Lan và Campuchia nên luôn phải chào giá thấp.

Ở các thị trường xa như Trung Đông và Châu Phi, bên cạnh chất lượng thì gạo trắng cũng không thể so sánh với gạo Ấn Độ bên cạnh các thiệt thòi khác về chi phí vận chuyển. Thời điểm đầu tháng 6/2017, giá gạo 5% tấm FOB của Việt Nam ở mức 390 USD/tấn, thấp hơn đáng kể so với mức 416 USD/tấn của Ấn Độ và 430 USD/tấn của Thái Lan.

Một hướng đi khác được BVSC gợi ý là gạo thơm. Gạo thơm chủ yếu được trồng vào vụ Đông Xuân tại Việt Nam và xoay quanh các giống chính bao gồm Jasmine 85, OM 4900, ST 5/20, KDM và VD 20. Khác với gạo trắng, gạo thơm Việt Nam nhìn chung có độ thuận chấp nhận được nhưng lại được chào ở mức giá rất cạnh tranh nên được các thị trường như

Trung Quốc và Châu Phi ưa chuộng, đặc biệt là các giống gạo Jasmine và OM 4900. Chính vì thị trường gạo trắng khó khăn, ngày càng có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tham gia vào mảng gạo thơm và tìm kiếm thêm thị trường qua đó về dài hạn sẽ làm tăng nhu cầu và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu của gạo thơm Việt Nam.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, việc nhu cầu thu mua gạo thơm tăng mạnh từ các công ty xuất khẩu cũng làm xáo trộn và thụt lùi chất lượng. Nguyên nhân chủ yếu là do khi khan hiếm nguồn cung, các doanh nghiệp sẵn sàng đấu trộn nhiều loại gạo để có thể giao hàng đúng tiến độ cho đối tác làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung của gạo thơm Việt Nam.

Chuỗi giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam còn nhiều bất cập

Chuỗi giá trị ngành Lúa gạo Việt Nam bao gồm các thành phần:

Nông dân: Chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ, vốn ít và thương phải vay vốn mua vật tư đầu vào tư các đại lý thuốc bảo vệ thực vật, giống, v.v. Lúa của nông dân phần lớn được bán ngay tại ruộng cho các thương lái. Tuy nhiên cũng có một bộ phận nông dân trữ lại lúa thơm chờ giá cao để bán.

Thương lái: Chủ yếu mua lúa tươi của nông dân mang về xay xát tại các nhà máy chế biến để bán lại cho các nhà kho hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Doanh nghiệp xuất khẩu: ao gồm 2 nhóm chính là VNF1-2 và phần còn lại. VNF1 và VNF2 là 2 tổng công ty lớn nhất, đóng vai trò độc quyền trong việc giao dịch với các hợp đồng xuất khẩu tập trung, ví dụ như xuất khẩu đi Philippines, Malaysia, Bangladesh, v.v.

Các doanh nghiệp còn lại cạnh tranh với nhau trong việc thu mua, chế biến và xuất khẩu gạo thông qua các hợp đồng thương mại và chịu sự ràng buộc và quản lý bởi các văn bản hành chính từ VFA: (1) doanh nghiệp không được ký hợp đồng xuất khẩu thấp hơn giá sàn mà VFA ban hành; (2) trong thời gian VNF1 hoặc VNF2 giao dịch với các thị trường tập trung, không doanh nghiệp nào khác được phép tham gia ký kết hợp đồng thương mại đi các thị trường này mà phải quy về hết một đầu mối là VNF1 hoặc VNF2.

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA): Đóng vai trò rất quan trọng trong can thiệp chính sách xuất khẩu gạo của Việt Nam. VFA điều tiết thông qua các công cụ: (1) doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu; (2) áp giá sàn xuất khẩu; (3) tham gia phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa gạo.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng VFA cần thực hiện vai trò là tổ chức đại diện cho quyền lợi của các doanh nghiệp thành viên thay vì đang hoạt động như một cơ quan hành chính của Chính phủ. Trọng tâm của vấn đề là việc cho phép VNF1 và VNF2 độc quyền thực hiện xuất khẩu đi các thị trường tập trung bên cạnh việc thiếu nhạy bén trong điều chỉnh giá sàn xuất khẩu để phù hợp với xu thế và bối cảnh thị trường thế giới.

BVSC đưa ra ví dụ minh chứng là việc Việt Nam đã ký được một số hợp đồng xuất khẩu tập trung và sẽ giao hàng khoảng 700 nghìn tấn gạo đến hết tháng 8/2017, tuy nhiên giá bán lại rất thấp. Điều này gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu khi giá xuất khẩu bị ràng buộc bởi hợp đồng ký kết với VFA trong khi giá lúa tươi trong nước liên tục tăng sau trước các thông tin về trúng thầu và tồn kho thấp tại các nước tiêu thụ lớn.

Bên cạnh đó, áp lực giá thấp khiến các doanh nghiệp phải đấu trộn các loại gạo chất lượng thấp qua đó gây thiệt hại nói chung cho hình ảnh chất lượng gạo của Việt Nam.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM