Ngành kem: "mỏ vàng" của KIDO

22/06/2016 09:08 AM | Kinh doanh

Ngành kem của KIDO hiện đang dẫn đầu thị trường với thị phần khoảng 37%. Sắp tới, Tập đoàn này sẽ xây dựng thêm một nhà máy mới để nâng công suất lên 56 triệu lít/năm.

Lợi nhuận từ kem khoảng 200 tỷ đồng năm 2016

Vừa qua, CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC - HoSE) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2016. Trong câu chuyện của đầu tư và mở rộng ngành hàng, lãnh đạo KIDO bày tỏ nhiều kỳ vọng về ngành lạnh, đặc biệt nói chuyện về mảng kem và các sản phẩm sữa.

Mảng kem không phải xa lạ đối với KIDO khi Tập đoàn này đã bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực này năm 2003. Ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc KIDO cho biết, trong 6 tháng đầu năm, kem mang lại 116 tỷ đồng lợi nhuận cho KDC. Dự kiến tới cuối năm, con số này có thể đạt 200 tỷ đồng.

Quay trở lại kế hoạch kinh doanh của KDC năm 2016, LN mục tiêu 1.500 tỷ đồng, đã bao gồm việc bán 20% bán mảng bánh kẹo cho Mondelez. Giá trị của phần chuyển nhượng này vào khoảng 1.200 tỷ đồng. Theo tính toán, hoạt động kinh doanh của KDC đem lại lợi nhuận khoảng 300 tỷ đồng. Như vậy, ngành lạnh của KIDO sẽ đóng góp phần lớn trong cơ cấu lợi nhuận năm 2016.

Từ sau khi bán mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại, KDC tập trung vào 3 mảng (1) ngành kem và các sản phẩm từ sữa; (2) ngành hàng dầu ăn; (3) ngành mì ăn liền, gia vị, thực phẩm đóng gói tiện dụng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành lạnh (kem & sữa chua) KIDO đạt 30% trong năm 2015 so với tốc độ tăng trưởng ngành trung bình 15%/năm.

Ban lãnh đạo Tập đoàn cho biết, để mở rộng danh mục sản phẩm cũng như tăng doanh thu, lợi nhuận ngành lạnh, vào tháng 8 tới đây, KDC dự kiến vận hành nhà máy mới tại Bắc Ninh. Nhà máy này sẽ tăng công suất thêm 20 triệu lít từ 36 triệu lít/năm, tương đương tăng 170% công suất. KDC hiện có một nhà máy sản xuất kem tại Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, tổng diện tích gần 24 ha.

Như vậy có thể thấy tham vọng của KDC trong việc mở rộng thị trường kem và sản phẩm từ sữa ra miền Bắc thay vì đi sâu tại miền Nam. Việc xây dựng nhà máy này sẽ giúp KDC giảm chi phí vận chuyển, logistic đồng thời phục vụ thị trường miền Bắc nhanh hơn, phủ sâu và rộng hơn. KDC cũng định hướng mở rộng hệ thống phân phối lạnh, sáng tạo thêm các sản phẩm từ sữa và tấn công sâu hơn vào ngành thực phẩm lạnh (mở rộng danh mục sản phẩm có cùng kênh phân phối, tận dụng kênh phân phối lạnh).

Thị trường tiềm năng, nhiều cạnh tranh

Thị trường kem tại Việt Nam được đánh giá là khá tiềm năng. Euromonitor 2015 cho biết, thị trường thực phẩm lạnh có giá trị khoảng 15.940 tỷ đồng, trong đó thị trường ngành kem là 2.400 tỷ đồng, sữa chua là 9.300 tỷ đồng, các thực phẩm mát & lạnh khác 4.240 tỷ đồng. Ngành kem Việt ghi dấu ấn bởi các ông lớn top đầu như KIDO, Vinamilk, Thủy Tạ, Tràng Tiền, Bạch Đằng.... và ở nhiều phân khúc khác nhau.

Vinamilk có thế mạnh ở các siêu thị. KIDO với các sản phẩm kem que, kem hộp, kem ốc quế, kem viên… ở tất cả các phân khúc phổ thông, trung cấp, cao cấp với hơn 30.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc. Thế mạnh của KIDO là các sản phẩm phù hợp với khẩu vị người Việt ở các phân khúc bình dân, trung cấp. Thủy Tạ, Tràng Tiền lại ở phân khúc bình dân. Các thương hiệu kem nước ngoài như Buds, Fanny hay Baskin Robbins thì lại tập trung ở các dòng phân khúc trung và cao cấp.

Cũng theo báo cáo của Euromonitor International 2015, KIDO đang dẫn đầu ngành kem với thị phần 36,9% và bỏ xa đối thủ gần nhất với chỉ 10,3% thị phần. Tăng trưởng doanh thu của ngành lạnh KIDO (kem& sữa chua) năm 2015 là 30% so với năm 2014. Tập đoàn này còn cho biết, thương hiệu Merino, Celano, Wel Yo có mức tăng trưởng doanh thu lần lượt 16%, 16% và 80% trong năm 2015.

Có thể thấy, mỗi phân khúc đều có một “đế chế” và ranh giới khá rõ ràng. Tuy nhiên, theo CTCP CK FPT (FPTS), sự sự xâm nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây và lối sống mới của giới trẻ, sự tăng trưởng trong thu nhập sẽ dần đẩy thị phần của các hãng kem ngoại tăng lên. Cùng với sự thay đổi này, cơ cấu khách hàng cũng sẽ dần dịch chuyển từ tầm phổ thông sang mức trung và cao cấp, đây sẽ là áp lực với doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Do đó, câu chuyện của KDC trong hiện tại và cả tương lai, như lời bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn là “cần tạo nên sự khác biệt của sản phẩm, thâm nhập vào thị trường và tìm một chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng”.

Theo Chân Hoàn

Cùng chuyên mục
XEM