Ngành gỗ Việt Nam: Nhanh nhưng không bằng mọi giá

07/08/2018 07:30 AM | Kinh doanh

Trong buổi gặp gỡ báo chí trước thềm Hội nghị “Định hướng giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” do Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ (Hawa) tổ chức, nhiều chia sẻ xung quanh thực trạng, triển vọng và những khó khăn của ngành chế biến gỗ và xuất khấu lâm sản Việt Nam đã được chuyên gia, doanh nghiệp đem ra thảo luận.

Câu chuyện kinh doanh ngành gỗ Việt

Số liệu thống kê từ Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam đã đạt 4,13 tỉ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cũng cho thấy, chỉ số phát triển toàn ngành chế biến gỗ Việt Nam luôn được duy trì ở mức từ 8 -15%/năm. Nếu như năm 2000 giá trị kim ngạch của ngành chỉ đạt 220 triệu USD, sau 17 năm, tức năm 2017 con số này đã là 8 tỉ USD, bình quân mỗi năm tăng trưởng 440 triệu USD.

Tương ứng với tốc độ tăng trưởng trên thì quy mô sản xuất của DN cũng khá ấn tượng. Đến nay, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã có gần 100 DN có kim ngạch xuất khẩu đạt 26 triệu USD đến 200 triệu USD/năm và tốc độ tăng trưởng hàng năm đều từ 5-7% so với cùng kỳ.

Ngành gỗ Việt Nam: Nhanh nhưng không bằng mọi giá - Ảnh 1.

Thực trạng, triển vọng và những khó khăn của ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khấu Việt Nam được đưa ra thảo luận. Ảnh: Phương Nga

Theo số liệu, phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam hiện có đến hơn 400.000 con người. Tính đến cuối năm 2017, toàn ngành đã sử dụng 419.565 lao động thường xuyên tại các nhà máy. Dự báo đến năm 2020, tổng sản phẩm của ngành khoảng 13,34 tỉ USD, năng suất bình quân khoảng 25.000 USD/người/năm. Thời điểm đó, toàn ngành sẽ sử dụng 533.720 lao động.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hawa, con người được xem là trung tâm của ngành. Nếu được đầu tư đổi mới công nghệ hợp lý, dự kiến năm 2025, số lao động mà ngành sử dụng lên đến gần 900 ngàn lao động.

Ông Hạnh cũng chỉ ra, ngành gỗ kéo theo sự lan tỏa của rất nhiều ngành liên quan khác phát triển theo. Theo thống kê, cứ một người sản xuất trực tiếp trong chế biến gỗ thì có khoảng 3 người có liên quan. Nếu 40.000 lao động trong sản xuất chế biến gỗ thì có thêm 1,2 triệu lao động liên quan, tức là gần 2 triệu lao động trên tổng số khoảng 55 triệu lực lượng lao động trên cả nước đang phục vụ cho ngành. Câu chuyện nhân lực của ngành vì thế cũng là câu chuyện của dân sinh.

Với tham vọng mở rộng thị trường, ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản Việt Nam đặt mục tiêu đứng thứ 2 thế giới, kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỉ USD trong năm 2025.

Bài toán khó giữa định hướng kinh tế và bảo vệ môi trường

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành, nhờ có nguồn nguyên liệu trong nước, DN trong ngành có lợi thế hơn hẳn vì nguồn nguyên liệu rẻ hơn so với việc nhập khẩu. Nhu cầu nguyên liệu của ngành chế biến gỗ thực sự đã kích thích trồng rừng để đáp ứng nguồn gỗ hợp pháp cho sản xuất. Từ chương trình trồng rừng, tỉ lệ che phủ rừng từ 39,7% năm 2011 đã tăng lên 41,45% năm 2017. Con số này tương ứng với tỉ lệ sử dụng gỗ trồng trong nước, tính theo khối lượng, từ 36% năm 2005 tăng lên 52% năm 2017 và kỳ vọng 55% vào năm 2020. Tỉ lệ nhập khẩu gỗ nguyên liệu vì thế đã giảm đi tương ứng, lần lượt 64% xuống 48% và 45%.

Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Gỗ An Cường chia sẻ, để tạo ra giá trị lớn cho ngành gỗ Việt thì phải có tư duy lớn, tư duy hệ thống. Một số DN gỗ phát triển được là có sự đầu tư vào công nghệ và hệ thống bài bản. Chẳng han, phần mềm quản trị phù hợp với từng doanh nghiệp là để theo dõi được từng đơn hàng, giá trị lợi nhuận bao nhiêu và kiểm soát được lí do vì sao lợi nhuận đơn hàng đó thấp. Từ đó, DN mới kiểm soát được rủi ro và tạo ra lợi nhuận. Ông Cường nhấn mạnh, tính hệ thống trong ngành gỗ rất quan trọng vì nó tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh. Do đó, nếu các công ty gỗ liên kết được với nhau sẽ tạo ra giá trị chất lượng cao của ngành gỗ trước bối cảnh hội nhập, cạnh tranh. Ông Cường ví dụ, chẳng hạn một DN thay vì xuất khẩu gỗ dăm có thể liên kết bán lại cho một DN sản xuất sẽ làm nên sản phẩm chất lượng cao hơn, từ đó tạo ra giá trị lớn hơn, thay vì 400 triệu USD có thể sẽ là 600 triệu USD…

Ngành gỗ Việt Nam: Nhanh nhưng không bằng mọi giá - Ảnh 2.

Ngành gỗ và xuất khẩu lâm sản Việt Nam đang cố gắng đi nhanh nhưng không phải phát triển bằng mọi giá nên rất cần sự hỗ trợ nhiều từ cơ chế, chính sách để đạt sự nhanh - bền vững

Tuy nhiên, trong cơ chế vận động kinh tế toàn cầu, dẫu ngành gỗ Việt Nam đã phát huy được nhiều lợi thế nhưng cần một chiến lược để phát triển nhanh hơn.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hawa khẳng định: "Bài toán khó mà ngành chế biến gỗ, lâm sản phải đối mặt hiện nay đó là vừa là ngành kinh doanh thương mại lại vừa phải gắn liền với vấn đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên. Do đó, nếu phát triển rừng trồng mà thiếu đồng bộ các mắt xích khác trong chuỗi, mục tiêu đưa ngành gỗ phát triển nhanh hơn, cải thiện vị thế trong thời gian tới cũng khó hoàn thành".

"Ngành gỗ đang cố gắng đi nhanh nhưng không phải phát triển bằng mọi giá, tự phát và ồ ạt. Để làm được điều này, ngành gỗ và xuất khẩu lâm sản rất cần các cơ quan ban ngành cùng đồng thuận, tạo thêm nhiều cơ chế chính sách để kịp thời điều tiết, tạo nên sự phát triển vừa nhanh, vừa bền vững cho ngành", ông Khanh kiến nghị.

Từ những vướng mắc trên, ngày 8/8 tới, Hội nghị "Định hướng giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu" sẽ diễn ra tại Tp.HCM với sự chủ trì của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với hi vọng trở thành cú hích lớn cho sự phát triển ngành gỗ Việt Nam thời gian tới.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM