Ngành bán lẻ Mỹ và tử thần mang tên Amazon

14/09/2017 08:47 AM | Kinh tế vĩ mô

Số liệu của Tổng cục thống kê lao động Mỹ (BLS) cho thấy ngành bán lẻ Mỹ đã mất bình quân 9.000 lao động mỗi tháng từ đầu năm đến nay, một con số kém hơn rất nhiều so với tạo thêm bình quân 17.000 việc làm mỗi tháng trong năm 2016.

Ngành bán lẻ Mỹ đã từng là một trong những niềm tự hào của nền kinh tế số 1 thế giới. Trong số 10 công ty bán lẻ lớn nhất toàn cầu, có 5 hãng đến từ Mỹ và 5 doanh nghiệp từ Châu Âu theo xếp hạng năm 2015 của Global Powers of Retailing.

Trong khoảng 1993-2015, doanh số ngành bán lẻ Mỹ đã tăng trưởng bình quân 4,5% và đạt 24 nghìn tỷ năm 2015. Tính đến tháng 5/2015, ngành kinh doanh này đã tạo ra 15,7 triệu việc làm và liên tục tuyển thêm người bất chấp tình hình khó khăn của thị trường.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng ngành bán lẻ Mỹ đang chết dần trước sự xâm lăng mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng như sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người dân. Từ đầu năm đến nay, số liệu của Standard & Poor cho thấy khoảng 10 công ty bán lẻ tại Mỹ đã bị buộc phá sản. Thậm chí đến chuỗi cửa hàng Sear nổi tiếng được xây dựng từ năm 1886 cũng bị đẩy đến bờ vực khủng hoảng.

Ngành bán lẻ Mỹ và tử thần mang tên Amazon - Ảnh 1.

Doanh số thương mại điện tử (ngoại trừ sản phẩm ô tô và xăng dầu) ngày càng tăng tại Mỹ

Tử thần mang tên Amazon

Sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử đang khiến ngành bán lẻ Mỹ cũng như các nhà đầu tư trong mảng này sứt đầu mẻ trán. Theo giám đốc điều hành Richard Hayne của hãng Urban Outfitters, sự phát triển của thương mại điện tử đi kèm với việc gia tăng quá nhiều chuỗi cửa hàng đã ảnh hưởng lớn đến ngành bán lẻ. Tình trạng này tương tự như bong bóng thị trường bất động sản khi mở rộng quá nóng và có nguy cơ xì hơi.

Dự báo của hãng Credit Suisse cho thấy khoảng 8.640 cửa hàng bán lẻ tại Mỹ sẽ phải đóng cửa trong năm nay, vượt qua số cửa hàng phải đóng cửa trong cuộc khủng hoảng năm 2008 cũng như sau vụ bong bóng dotcom năm 1997, qua đó tác động mạnh đến thị trường lao động Mỹ.

Số liệu của Tổng cục thống kê lao động Mỹ (BLS) cho thấy ngành bán lẻ Mỹ đã mất bình quân 9.000 lao động mỗi tháng từ đầu năm đến nay, một con số kém hơn rất nhiều so với tạo thêm bình quân 17.000 việc làm mỗi tháng trong năm 2016.

Ngành bán lẻ Mỹ và tử thần mang tên Amazon - Ảnh 2.

Ước tính hơn 8.000 cửa hàng bán lẻ sẽ phải đóng cửa năm 2017

Hãng Goldman Sachs ước tính với mỗi 1 triệu USD doanh số, các công ty thương mại điện tử chỉ cần bình quân 0,9 lao động trong khi các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống cần tới 3,5 người. Như vậy, Goldman cho rằng thị trường lao động Mỹ sẽ mất 100.000 việc làm trong năm nay do tác động từ thương mại điện tử.

Những cửa hàng sập tiệm và những công ty bán lẻ gặp khó khăn tại Mỹ trước sự ảnh hưởng của Amazon chỉ là sự khởi đầu cho “cái chết của ngành bán lẻ Mỹ”. Nhiều chuyên gia dự đoán mảng kinh doanh đáng tự hào này của người Mỹ sẽ còn chịu tác động sâu sắc hơn đến từng ngõ ngách khi thương mại điện tử trở nên phổ biến và hoàn thiện hơn.

Mặc dù chỉ số ngành bán lẻ của S&P 500 đã tăng 10% từ đầu năm đến nay nhưng chủ yếu là do Amazon đóng góp 1/3 trong số đó. Cổ phiếu của Amazon đã tăng 33% từ đầu năm đến nay lên mức 477 tỷ USD, cao hơn một nửa số tập đoàn bán lẻ đang niêm yết tại Mỹ. Nếu bỏ Amazon khỏi S&P 500, chỉ số ngành bán lẻ Mỹ sẽ đi ngang kể từ đầu năm 2015.

Ngành bán lẻ Mỹ và tử thần mang tên Amazon - Ảnh 3.

Mức vốn hóa của cổ phiếu Amazon đang thống trị ngành bán lẻ của chỉ số S&P 500

Ngành bất động sản vạ lây

Cái chết của ngành bán lẻ Mỹ là một tin không hề vui cho những trung tâm thương mại và các khu bất động sản cho thuê. Điều này có thể tạo nên cuộc khủng hoảng nhà đất lớn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008.

Hãng PwC ước tính diện tích mặt bằng bán lẻ bình quân đầu người tại Mỹ hiện nay vào khoảng 2,2 m2, cao hơn rất nhiều so với 0,5 m2 tại Châu Âu và 1 m2 tại Australia. Bởi vậy, việc ngành bán lẻ Mỹ suy thoái có thể tác động rất lớn đến thị trường bất động sản.

Trong khi đó, dự đoán của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch ước tính mặt bằng bán lẻ tại Mỹ đã giảm 10% kể từ năm 2010 trong khi doanh số của ngành giảm tới 18% cùng kỳ. Tình trạng trên thậm chí ngày càng trầm trọng khi số liệu của CoStar cho thấy từ đầu năm đến nay, khoảng 7 triệu m2 mặt bằng bán lẻ tại Mỹ đã phải đóng cửa, gần tương đương với mức kỷ lục 7,7 triệu m2 đóng cửa của năm 2016.

Ngành bán lẻ Mỹ và tử thần mang tên Amazon - Ảnh 4.

Diện tích mặt bằng đóng cửa của ngành bán lẻ (theo triệu feet vuông)

Hãng PwC dự đoán trong năm nay, khoảng 8,4 triệu m2 mặt bằng bán lẻ sẽ phải đóng cửa trong khi Credit Suisse ước tính con số vào khoảng 13,7 triệu m2.

Những con số trên là dấu hiệu vô cùng đáng lo ngại cho thị trường bất động sản thế chấp trị giá 4 nghìn tỷ USD tại Mỹ khi những mặt bằng trên chưa tìm được các khách hàng thay thế trong khi bị xây dựng quá mức và ngập nợ nần.

Tình hình thậm chí tồi tệ hơn khi những số liệu đáng thất vọng trên diễn ra trong tình trạng thương mại điện tử mới chỉ chiếm 10% doanh số bán lẻ Mỹ. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi tỷ lệ này tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Ngành bán lẻ Mỹ và tử thần mang tên Amazon - Ảnh 5.

Số lao động cần cho doanh số 1 triệu USD mỗi năm của thương mại điện tử và các mảng bán lẻ khác tại Mỹ

BT

Cùng chuyên mục
XEM