Ngân hàng Thế Giới dự báo: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất khu vực với 7,2%

28/09/2022 09:40 AM | Kinh doanh

Con số này cao hơn đáng kể so với mức 5,3% trong dự báo hồi tháng 4.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Nổi bật là dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 7,2%, cao hơn đáng kể so với mức 5,3% trong dự báo hồi tháng 4. Đây cũng là mức tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Trong báo cáo của mình, Ngân hàng Thế giới nhận định tăng trưởng ở hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã phục hồi từ nửa đầu năm nay, riêng Trung Quốc bị lỡ đà tăng trưởng. Trung Quốc, chiếm 86% tỷ trọng kinh tế của 23 nước trong khu vực, năm nay tăng trưởng 2,5%, trong khi dự báo hồi tháng 4 là tăng 5% và dự báo sang năm 2023 ở mức 4,5%. Tăng trưởng toàn khu vực được dự báo sẽ chững lại còn 3,2% trong năm nay, trước khi tăng lên 4,6% trong năm tới.

Ngân hàng Thế giới đánh giá điểm sáng cần ghi nhận ở các nước khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là mức lạm phát thấp hơn. Hầu hết các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong hầu hết năm 2022 nhờ ba nguyên nhân: tiêu dùng tư nhân phục hồi mạnh hơn dự kiến trong nửa đầu năm; nhu cầu trên toàn cầu về hàng hóa và sản phẩm chế tạo xuất khẩu vẫn bền vững; chính sách tiền tệ và tài khóa đến nay mới thắt chặt ở mức hạn chế.

Tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra các yếu tố có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng bền vững tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, bao gồm: nguy cơ giảm tốc tăng trưởng do các nền kinh tế lớn thế giới tăng chậm lại, nợ gia tăng, lạm phát,.. Việc ngân hàng trung ương của các quốc gia tăng lãi suất diện rộng nhưng thiếu sự phối hợp có thể dẫn tới tổn hại cho kinh tế thế giới.

Tại Việt Nam, trong khi đồng tiền nhiều nước mất giá mạnh so với đồng USD, đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, ổn định không có nghĩa là cố định mà phải theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp với biến động của thế giới.

Hoàng Thùy

Cùng chuyên mục
XEM