Ngân hàng ngoại rời thị trường Việt Nam hoặc giảm đầu tư, chuyện gì đang diễn ra?

08/12/2017 23:23 PM | Kinh doanh

Nhiều ngân hàng ngoại rời Việt Nam hoặc giảm đầu tư, có phải người dân thích dùng "hàng nội" hay do môi trường không thuận lợi cho các ngân hàng ngoại?

Hàng loạt ngân hàng ngoại muốn thu hẹp hoạt động, rút vốn

Hồi giữa năm, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) công bố nhận chuyển giao toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.

Được biết, CBA Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh bắt đầu hoạt động vào năm 2008. Hai năm sau, ngân hàng mẹ CBA đã đầu tư vào VIB với phần vốn góp 15% và sau đó nâng tỷ lệ lên 20%. Hiện CBA là nhà đầu tư chiến lược và cổ đông lớn nhất của VIB. Ngân hàng đến từ Úc cũng đang giữ 2 ghế trong HĐQT và 1 ghế trong BKS của VIB.

Như vậy, sau gần chục năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, CBA đã bắt đầu có động thái chuyển giao. Theo một số chuyên gia, về bản chất, đây là sự thu hẹp hoạt động tại Việt Nam của ngân hàng.

Bên cạnh đó, hồi giữa tháng 6 vừa qua, trên trang web chính thức, Techcombank đã có thông báo về việc xin ý kiến cổ đông thông qua đề xuất mua lại 19,41% vốn mà HSBC nắm giữ sau 12 năm gắn bó.

Việc thoái vốn của HSBC được dự báo sẽ gây áp lực cho Techcombank tìm đối tác có đủ tiềm năng để bán lại số cổ phần này, cũng như khiến ngân hàng phải hoãn kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 8.878 tỷ đồng lên mức 14.000 tỷ đồng trong năm 2017.

Trước đó hai tháng, ngân hàng ANZ Việt Nam ra thông cáo cho biết đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho một đối tác nước ngoài là ngân hàng Shinhan Việt Nam.

Hồi cuối tháng 3/2016, Standard Chartered cũng bất ngờ rút hai đại diện của mình khỏi ACB.

Ngân hàng ngoại rời thị trường Việt Nam hoặc giảm đầu tư, chuyện gì đang diễn ra? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

Câu chuyện ngân hàng rời Việt Nam và trở lại là việc bình thường

Trong một sự kiện tại TP HCM ngày 7/12, ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cũng đã nói về chuyện này trước câu hỏi của người điều phối chương trình.

"Trong thời gian vừa qua, các ngân hàng nước ngoài dần dần bỏ thị trường Việt Nam rất nhiều. Ngân hàng châu Á vào nhưng phương Tây thì lại rời hoặc giảm đầu tư. Một số ngân hàng đã đầu tư vào ngân hàng Việt Nam với hy vọng mở rộng thị phần thì cũng rút ra bớt. Ông nghĩ sao với hiện tượng này. Đó có phải lợi thế sân nhà, người dân ưa thích sử dụng dịch vụ của ngân hàng Việt Nam hay ngân hàng nước ngoài phải chịu chi phí cao hơn các nước khác?", người điều phối hỏi.

"Các ngân hàng nước ngoài rời đi trong thời gian vừa qua là đợt 2. Đợt thứ nhất vào khoảng năm 2000. Trong giai đoạn đó cũng nhiều ngân hàng bỏ Việt Nam đi, trong đó có ING Private Banking. Theo tôi được biết, ING Private Banking sau này đã hối hận. Câu chuyện ngân hàng nước ngoài rời đi rồi quay trở lại thì hoàn toàn có thể xảy ra", ông Tùng nhận định.

"Ngành ngân hàng khác ngành khác là tính liên kết rất cao. Ngay từ khi mở cửa những năm 90 nhiều ngân hàng quốc tế đã tới Việt Nam. Sự tham gia của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam là rất sớm", doanh nhân này nói thêm.

Theo ông, trong ngành ngân hàng, một mặt là hợp tác. Mặt khác là cạnh tranh, cùng đối tượng khách hàng thì đương nhiên phải cạnh tranh. Có những mảng nhân ngân hàng Việt Nam sẽ khó cạnh tranh như bán buôn, đầu tư tài chính. Các ngành khác như cung cấp dịch vụ cho bán lẻ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ lại là lợi thế của ngân hàng nội.

Một số điểm lợi thế của ngân hàng nội

Theo ông Tùng, điểm mạnh của ngân hàng nội là hiểu biết về thị trường VIệt Nam. Ở nhiều thị trường, ngân hàng nội có sự liên kết chặt chẽ và thực ra khách hàng đã trở thành đối tác của ngân hàng.

Nói về hiện tượng rời đi khỏi thị trường thì ngân hàng Việt Nam không có lựa chọn nhiều vì đang ở Việt Nam. Khi các ngân hàng ngoại rời đi, thì khách hàng sẽ lại tìm đến ngân hàng nội địa.

Khối ngân hàng Việt Nam có thanh lọc, thắt lưng buộc bụng, xử lý nợ xấu. Có ngân hàng lớn mạnh lên từ đó và lấn át ngân hàng nước ngoài?

Theo ông Tùng, lợi thế như thế nhưng ngân hàng nội phải tỉnh táo nhìn vào khách quan. Điểm yếu là quản trị không chuẩn, năng lực tài chính yếu, thậm chí là vay tiền để trở thành cổ đông của ngân hàng. Cổ đông của ngân hàng thì phải nhiều tiền. Nếu cổ đông không có tiền mà phải đi vay thì có thể mang lại rủi ro cho ngân hàng.

Ngoài ra, còn các vấn đề nền tảng của ngân hàng như nhân sự. Nếu không có chính sách nhân sự phù hợp thì không giữ được chân nhân tài. Trong ngành ngân hàng, công nghệ có khả năng đi tắt đón đầu. Nhưng đó chỉ là khả năng thôi nếu không đầu tư, hy sinh thì vẫn không thành công được.

Thế Trần

Từ khóa:  ngân hàng
Cùng chuyên mục
XEM