Ngân hàng đua hút tiền kỳ hạn 12-13 tháng, chỉ áp dụng cho khoản gửi 100-500 tỷ đồng

23/08/2019 15:10 PM | Kinh doanh

13 tháng thường là mức cao nhất tại các ngân hàng. Điều kiện để được hưởng lãi ở kỳ hạn này là tiền gửi trên 100-500 tỷ đồng. Chuyên gia cho rằng mục đích chính của ngân hàng là huy động vốn trung và dài hạn nhằm chuẩn bị thực thi dự thảo Thông tư 36 sửa đổi.

Thống kê của Người Đồng Hành với 27 ngân hàng, lãi suất 12 hoặc 13 tháng thường được các nhà băng đặt ở mức cao nhất so với các kỳ hạn khác và đi kèm với những điều kiện về giá trị tiền gửi. 

Đơn cử, Eximbank để lãi suất 13 tháng cao nhất trong các kỳ hạn, là 8,4%/năm, tương đương với kỳ hạn dài 24 tháng, 36 tháng. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi này, người gửi phải có khoản tiền trên 100 tỷ đồng. Tại các kỳ trung hạn khác như 12 tháng, lãi suất là 7,8%/năm và 15-18 tháng là 8,3%/năm.

Nam Á Bank công bố lãi suất kỳ hạn 13 tháng 8,3%/năm, chỉ xếp sau 24 tháng (8,45%/năm) với điều kiện khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, dưới mức này áp dụng lãi suất của 12 tháng.

Tại ABBank, theo bảng lãi suất mới được công bố, kỳ hạn 12 tháng có lãi suất cao nhất 8,5%/năm, theo sau là 13 tháng ở 8,3%/năm, không có yêu cầu đi kèm. 

Một ngân hàng khác là Bảo Việt cũng chọn kỳ hạn 13 tháng với lãi suất cao nhất 8%/năm cho gửi tiết kiệm thường và 8,2%/năm cho dịch vụ tiết kiệm điện tử qua internet.

Tương tự, tại LienVietPostBank, lãi suất 13 tháng được đẩy lên 8%/năm, cao hơn so với mặt bằng 7,1-7,2%/năm của kỳ hạn 15-36 tháng. Ngân hàng này cũng yêu cầu người gửi với giá trị số dư tiền trên 300 tỷ đồng cho sổ tiết kiệm hoặc hợp đồng tiền gửi. Các khoản tiền gửi dưới 300 tỷ chỉ được trả lãi suất 7%/năm vào cuối  kỳ. 

Ngân hàng đua hút tiền kỳ hạn 12-13 tháng, chỉ áp dụng cho khoản gửi 100-500 tỷ đồng - Ảnh 1.

Một số ngân hàng có lãi suất 12-13 tháng trên 8%. Nguồn: Tổng hợp

Với Sacombank, 8%/năm cũng là mức lãi suất 13 tháng cao nhất trong các kỳ hạn và chỉ được áp dụng với các khoản từ 100 tỷ đồng.  Tương tự với VIB, ngân hàng náy áp dụng lãi suất 12-13 tháng ở mức 8,19%/năm cho các khoản tiền gửi mới từ 500 tỷ đồng trở lên hoặc các khoản gia hạn tự động gửi trước ngày 11/10/2016.

Động thái tương tự cũng diễn ra tại các ngân hàng TMCP Nhà nước. VietinBank lần đầu đẩy lãi suất lên 7%/năm ở kỳ hạn 12 tháng trong năm nay, trong khi các kỳ hạn khác không thay đổi duy trì ở 6,7-6,9%/năm.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, động thái trên của các ngân hàng nhằm huy động được nguồn vốn trung, dài hạn. Điều này nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định về vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 về lộ trình giảm tỷ lệ này về 30% muộn nhất đến 1/7/2022. Hiện tại, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đang áp dụng là 40%.

Lãi suất kỳ hạn 12-13 tháng được được dùng làm cơ sở để cộng thêm biên độ nhằm tính lãi suất cho vay. Do đó, việc ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên cao cũng đồng nghĩa với các khoản vay dùng lãi suất kỳ hạn này làm mức cơ sở khó ở mức thấp. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng muốn cho vay lãi suất cao không phải là mục đích chính khiến ngân hàng áp dụng lãi suất cao cho kỳ hạn 12-13 tháng. Mục đích chủ yếu là ngân hàng cần vốn trung và dài hạn để cho vay.

Đồng quan điểm trên, ông Tiến sĩ Bùi Quang Tín cho biết ngân hàng neo lãi suất cao là để cạnh tranh trên thị trường huy động. Thực tế không nhiều khách hàng có thể đạt đủ điều kiện đưa ra là có khoản tiền nhàn rỗi 100-500 tỷ đồng.

Ngân hàng đua hút tiền kỳ hạn 12-13 tháng, chỉ áp dụng cho khoản gửi 100-500 tỷ đồng - Ảnh 2.

Nguồn: SSI Research

Theo thống kê của SSI Research, 6 tháng đầu năm, có 12 ngân hàng tăng trưởng huy động thấp hơn cho vay như Vietcombank, BIDV, TPBank, Techcombank... trong khi chỉ 6 nhà băng có huy động tăng cao hơn cho vay là VPBank, Sacombank, VietinBank, Eximbank, NCB và VietBank. Diễn biến này cho thấy các ngân hàng sẽ cần tìm kiếm nguồn vốn trong thời gian tới, trong bối cảnh huy động vốn tăng chậm.

Đây cũng là một trong 2 nguyên nhân khiến lãi suất cho vay khó giảm trên diện rộng, bên cạnh vấn đề tỷ giá do căng thẳng Mỹ - Trung được báo cáo SSI Retail Research đề cập, dù vừa qua một số đơn vị trong hệ thống như Vietcombank, BIDV, ACB... đã giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp vừa, nhỏ và lĩnh vực ưu tiên theo thông điệp của Ngân hàng Nhà nước. 

Theo Lê Hải

Cùng chuyên mục
XEM