Ngạc nhiên chưa: Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức cấp liên bang tại Mỹ

16/11/2019 16:01 PM | Xã hội

Có một điều khá thú vị là do tình hình nhập cư ngày càng nhiều, tỷ lệ công dân Mỹ thông thạo tiếng Anh đang bị giảm sút nghiêm trọng.

Đối với nhiều người, tiếng Anh là một ngôn ngữ bắt buộc trong thời đại ngày nay bởi sự phổ biến của chúng trong kinh tế, xã hội, văn hóa. Theo thống kê, khoảng 360 triệu người trên thế giới có ngôn ngữ mẹ đẻ (mother tongue) là tiếng Anh trong khi khoảng nửa tỷ người dùng ngôn ngữ này như ngoại ngữ.

Tuy nhiên có một điều trớ trêu là cường quốc kinh tế số 1 thế giới Mỹ lại không đặt tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức (Official Language) dù đây là thứ tiếng phổ biến nhất tại quốc gia này. Trên thực tế, Mỹ có khoảng 350 thứ tiếng khác nhau đang được sử dụng và chưa có một văn bản chính thức cấp liên bang nào công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức dù có đến 82% dân số sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ và 96% cư dân tại đây nói thành thạo ngôn ngữ này. Việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức chỉ được quy định theo từng bang khác nhau tùy tình hình.

Vậy điều gì khiến Mỹ chưa thể chính thức thông qua tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của mình?

Ngạc nhiên chưa: Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức cấp liên bang tại Mỹ - Ảnh 1.

Những bang quy định tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Mỹ xếp theo thời gian và những bang chưa quy định (không màu)

Quay ngược dòng lịch sử vào giữa thế kỷ thứ 19, Mỹ có quá nhiều dân cư từ các chủng tộc khác nhau trên thế giới di dân đến đây và đương nhiên có một lượng lớn người Mỹ không nói được tiếng Anh hoặc chỉ có thể nói rất ít.

Tuy vậy nước Mỹ trên thực tế được hình thành do sự xâm chiếm của đế quốc Anh với người da đỏ bản địa, trải qua xung đột lợi ích giữa tư bản địa phương với đế quốc mà hình thành nên tiếng Anh hầu như là ngôn ngữ chính của những công dân gốc nơi đây.

"Những người sáng lập nên nước Mỹ cho rằng không cần thiết phải ban hành một văn bản công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức bởi nó vốn đã được sử dụng nhiều kể từ thời kỳ Mỹ còn là thuộc địa của Anh. Việc ban hành văn bản chính thức có thể gây phật lòng những đồng minh không nói tiếng Anh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc", Giáo sư ngôn ngữ học Wayne Wright của trường đại học Purdue University nói.

Dẫu vậy khi đã giành được độc lập lại vô cùng phức tạp khi có một lượng lớn người di cư từ các châu lục khác đổ về Mỹ. Bực mình và cũng lo sợ bởi những cư dân từ chủng tộc khác tràn vào, cộng đồng dân cư bản địa nói tiếng Anh đã bắt đầu thực hiện những chiến dịch nhằm bảo vệ quyền lợi của mình thông qua việc bắt buộc sử dụng tiếng Anh.

Theo đó, nhiều tập đoàn lớn thời kỳ này cũng cổ súy việc dùng tiếng Anh như một ranh giới phân biệt các tầng lớp lao động ở đây. Việc nói tiếng Anh chuẩn đã trở thành biểu tượng của một công dân chính gốc so với những người nhập cư thời kỳ này.

Ngạc nhiên chưa: Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức cấp liên bang tại Mỹ - Ảnh 2.

Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chính tại Mỹ dù chưa được quy định chính thức bằng văn bản trên toàn liên bang

Dẫu vậy, thời kỳ này rất nhiều báo chí, trường học, giáo hội và cộng đồng người di cư vẫn dùng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ như tiếng Đức, Italy, Hebrew (Do Thái), Quảng Đông (Cantonese-Trung Quốc)… qua đó đẩy xung đột xã hội lên cao mà tiêu biểu là những cuộc hỗn chiến bang phái ở những thành phố, thị trấn lớn giữa người bản địa và nhập cư.

Vào Thế chiến II, do trào lưu chống phát xít gia tăng ở Mỹ, một số bang thậm chí đã cấm sử dụng tiếng Đức cũng như vài loại ngôn ngữ khác nơi công cộng.

Cuộc chiến về ngôn ngữ chính thức tại Mỹ kể từ đây liên tiếp diễn ra trong giới chính trị khi một số người cho rằng nên quy định tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong khi nhiều chính trị gia cho rằng việc này nên để các bang tự quyết định.

Năm 1981, Nghị sĩ S.I. Hayakawa của bang California đã đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của bang nhưng thất bại. Đây là động thái đầu tiền của giới chính trị trong việc hợp thức hóa ngôn ngữ.

Hệ quả là ngày nay mặc dù chính phủ liên bang Mỹ chưa thông qua chính thức tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức nhưng hơn một nửa (31) bang của nước này đã công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của bang.

Vào năm 2006, Thượng viện Mỹ đã thông qua một tu chính án về cải cách di dân, trong đó tuyên bố tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Mỹ nhưng chúng lại bị tắc ở Hạ viện trước khi chính thức trở thành luật trên toàn quốc. Từ đó đến nay, rất nhiều chính trị gia đã cố găng để Mỹ thông qua một quy định chính thức cho tiếng Anh nhưng đều bất thành.

Tình hình càng ngày càng trở nên phức tạp với xu thế toàn cầu hóa khi Mỹ trở thành nơi sinh sống của rất nhiều cộng đồng nhập cư. Thậm chí nhiều gia đình di cư đã là công dân Mỹ nhưng vẫn quen nói tiếng mẹ đẻ của họ thay vì tiếng Anh.

Tại nhiều bang của Mỹ hiện nay, các tài liệu chính thức của chính phủ vẫn bằng tiếng Anh nhưng chúng có thể đi kèm các bản dịch bằng tiếng khác ở những cộng đồng có nhiều công dân không nói được tiếng Anh. Tại trường học, tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc với tất cả các cấp cũng như là ngôn ngữ bắt buộc phải thành thạo nếu muốn tốt nghiệp.

Mặc dù vậy, lượng người di cư lớn cùng cộng đồng văn hóa người nhập cư khiến rất nhiều ngôn ngữ nước ngoài ở Mỹ còn tồn tại. Khoảng 11% số công dân Mỹ thông dụng tiếng Tây Ban Nha, trở thành ngôn ngữ phổ biến thứ 2 tại Mỹ. Tiếp đó là 0,61% tiếng Trung Quốc và tiếng Pháp, 0,52% tiếng Đức. Tiếng Việt Nam chiếm khoảng 0,38% dân số tại Mỹ.

Thậm chí tiếng Anh tại Mỹ cũng có những dị bản khác biệt giữa các vùng miền do ảnh hưởng từ văn hóa ngôn ngữ bản địa. Những dị bản này có sự khác nhau đôi chút từ hệ thống ngữ pháp, từ vựng, cách phát âm đến văn phong.

Ngạc nhiên chưa: Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức cấp liên bang tại Mỹ - Ảnh 3.

Sơ đồ những bang có nhiều người nói tiếng Việt nhất ở Mỹ (độ đậm nhạt)

Người Mỹ kém tiếng Anh hơn cả người nhập cư

Có một điều khá thú vị là do tình hình nhập cư ngày càng nhiều vào Mỹ, tỷ lệ người dân Mỹ nói thông thạo tiếng Anh đang bị giảm sút nghiêm trọng.

Số liệu chính thức của Tổng cục thống kê Mỹ (US Cencus) và Bộ giáo dục Mỹ cho thấy khoảng 2,37 triệu học sinh quốc tịch Mỹ được sinh ra ở nước ngoài đang phải theo học các lớp tiếng Anh ở trường công lập. Tuy nhiên có tới 4,7 triệu học sinh quốc tịch Mỹ sinh ra ở đây cũng phải theo học các lớp tiếng Anh này.

Theo đánh giá của Viện chính sách nhập cư Mỹ (MPI), rất nhiều học sinh quốc tịch Mỹ không sử dụng thành thạo tiếng Anh mặc dù họ là những thế hệ thứ 2-3 trong một gia đình nhập cư.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là việc sử dụng song song ngôn ngữ khác khiến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2. Chính điều này khiến lượng học sinh quốc tịch Mỹ phải học thêm tiếng Anh ngày càng tăng tại các trường học.

Thêm vào đó, việc có nhiều cộng đồng gốc nước ngoài sống chung với nhau đã tạo nên hệ quả mất gốc ngữ pháp căn bản hoặc biến thể tiếng Anh trong quá trình giao lưu, học tập.

Dẫu vậy, sự đa dạng về văn hóa và tính tự lập của từng bang cho phép rất nhiều công dân Mỹ gốc nước ngoài tiếp tục sử dụng thứ tiếng Anh mà họ đang dùng.

AB

Cùng chuyên mục
XEM