Nếu vợ có nói quá nhiều cũng đừng chê cô ấy hay cằn nhằn, nghiên cứu cho thấy họ chỉ muốn nhắc nhở bạn mà thôi

10/04/2017 16:21 PM | Sống

Ngoài làm rất nhiều việc trong gia đình, phụ nữ cũng đóng vai trò là người nhắc việc giúp mọi thứ trong nhà diễn ra thuận lợi hơn và nam giới được hưởng lợi lớn từ hành động này.

Từ trước đến nay có rất nhiều nghiên cứu cho thấy ở các cặp đôi (không xét người đồng tính), phụ nữ thường là người làm việc nhà nhiều hơn. Giờ đây lại có một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng phụ nữ cũng là người phụ trách việc “nhắc nhở” nhiều hơn để giúp hoàn thành các công việc chung của cả hai.

Các nhà khoa học cho biết nam giới ít khi đưa ra những lời nhắc nhở, hoặc làm một số việc giúp ghi nhớ. Khi các đấng mày râu nhắc nhở một việc gì đó, thường thì việc này sẽ có phần tham gia của chính họ.

“Lời nhắc nhở càng ít liên quan đến bản thân, thì nó càng có khả năng xuất phát từ phía người phụ nữ”, Elizabeth Haines – giáo sư tâm lý tại Đại học William Paterson, đồng tác giả nghiên cứu – phát biểu trong một thông cáo báo chí. “Kết quả của nghiên cứu cho thấy nam giới là người được lợi nhiều hơn từ những công việc chung của các cặp đôi so với phụ nữ”.

Tuy nhiên nghiên cứu này, được thực hiện nhờ sự phối hợp của Đại học William Paterson và Trường kinh doanh Columbia, cũng có một số giới hạn đáng kể về kích thước mẫu và phương pháp thực hiện. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện 4 thử nghiệm, mỗi lần có 300 người tham gia.

Các tác giả của nghiên cứu cho biết công việc “nhắc nhở” rõ ràng khác với “cằn nhằn”.

Theo Haines, nhắc nhở người sống cùng mình nhớ làm những việc mà họ cần phải làm là một phần “công việc tinh thần” thuộc trách nhiệm của các cặp đôi.

Trái lại, cằn nhằn là hành động không xuất phát từ mong muốn giúp người kia nhớ phải làm việc gì đó, mà là để đối phó với thực tế người kia chưa làm việc đáng ra phải làm. Nguyên nhân dẫn đến thực tế này là do người bị nhắc nhở không nghĩ rằng việc mình cần phải làm lại quan trọng đến thế.

Nghiên cứu này còn chỉ rõ rằng phụ nữ có thể chịu thiệt thòi khi bị đánh giá về hành vi này, vì theo dõi và chú ý đến những công việc dù là của mình hay của người khác cũng khiến tâm trí họ bị choán mất một chỗ. Và đáng chú ý là họ lại làm việc này với tần suất khá lớn.

Các tác giả của nghiên cứu cho biết: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những việc còn dang dở chính là tác nhân gây phân tâm lớn nhất, vì sự lơ đãng thường quanh quẩn với những ý nghĩ về những việc chưa được giải quyết xong”. Rồi chính điều này lại khiến chúng ta làm việc không hiệu quả, và khó lòng đạt được những mục tiêu cá nhân mà mình đã đề ra.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM