"Nếu TPP mất đi, Việt Nam vẫn còn những điểm có lợi"

27/11/2016 19:31 PM | Xã hội

Đó là nhận định của TS Trần Toàn Thắng - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW - khi đề cập về tương lai Mỹ rút khỏi TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương).

Từ những ngày đầu ra tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã chỉ trích TPP và cũng từng bác bỏ các Hiệp định thương mại tự do . Ông Trump cho rằng những hiệp định đó sẽ đem lại tổn thất cho nền kinh tế Mỹ. Đối với ông, TPP không chỉ là tự do hóa về trao đổi thương mại mà còn khiến các doanh nghiệp Mỹ chuyển hoạt động sản xuất sang châu Á với nhân lực giá rẻ, sau đó đưa bán ngược lại sang Mỹ, làm nhiều người Mỹ thất nghiệp.

TS Trần Toàn Thắng – thành viên Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương – nhận định: "Nếu Mỹ rút khỏi TPP rõ ràng sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ. Trong quá trình tranh cử, tương lai rút hay không rút khỏi TPP của ứng viên cũng mang tính quyết định cho sự lựa chọn của các cử tri. Chúng ta có thể thấy đó là một trong những mối quan tâm lớn với người dân Mỹ. Bên cạnh đó, quan điểm của Quốc hội Mỹ trong đó đa số là Đảng Cộng hòa cho rằng, TPP có nhiều điểm cần phải đàm phán lại. Vì thế, khả năng xấu xảy ra với TPP sau khi ông Trump đắc cử rất hiện hữu".

TS Trần Toàn Thắng – thành viên Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương
TS Trần Toàn Thắng – thành viên Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương

Nhiều bài phân tích chỉ ra, một số quốc gia tỏ ra vô cùng lo ngại trước khả năng mất đi TPP, trong đó có Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, điều đó có thể sẽ góp phần làm mất đi những cơ hội lớn về kinh tế đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, TS Trần Toàn Thắng cho rằng: "Trong thời điểm ký kết TPP, nhiều người đã nói về lợi thế, cơ hội và thách thức với Việt Nam. Nước ta được đánh giá là một trong những quốc gia có thể đạt được tăng trưởng nhiều nhất từ TPP. Nhưng những cơ hội đó đòi hỏi điều kiện liên quan đến thể chế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam có thể hấp thụ được lợi ích của TPP. Trong khi đó, thách thức cũng không nhỏ bởi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp. Do đó, về giả thuyết, nếu TPP mất đi vẫn còn một số điểm có lợi cho Việt Nam. Chúng ta sẽ có khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị cho các hiệp định chung".

Ông đánh giá, Nhật Bản mới là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều trong trường hợp TPP không còn: "Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều bởi lợi ích với quốc gia này nằm ở cả kinh tế và chính trị. Về kinh tế, các mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ khá nhiều, đặc biệt là các loại máy móc. Các mặt hàng thuế quan sẽ thay đổi khi Nhật Bản tham gia TPP. Về chính trị, Nhật Bản đang muốn nâng tầm ảnh hưởng của mình ở châu Á, muốn thông qua TPP để trở thành điểm cầu giữa châu Á và châu Mỹ. Vì thế, nếu không có TPP, những lợi thế đó của Nhật Bản đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng".

"Còn với Mỹ, TPP không mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, nhưng lại giúp Mỹ tăng độ tin cậy về chính sách đối ngoại. Nếu TPP không còn, độ tin cậy về chính sách ngoại giao của Mỹ chắc chắn sẽ giảm sút", TS Trần Toàn Thắng khẳng định.

Cùng chuyên mục
XEM