Nếu thấy lập nghiệp ở Hà Nội quá khó khăn, hãy lắng nghe câu chuyện của Doanh nhân này

10/06/2016 08:32 AM | Kinh doanh

“Hà Nội lớn nhưng rồi sẽ chật chội. Tôi nghĩ rằng, các tỉnh xung quanh thường phát triển sau Thủ đô tầm 15 - 20 năm. Chọn tỉnh để gây dựng từ đầu, sau từng đó năm, mình sẽ có vị trí vững chắc, thay vì ở Hà Nội mà sự nghiệp vẫn đang chòng chành.”

Vào ngày nắng nóng đỉnh điểm của Hà Nội, chúng tôi hẹn gặp ông Phùng Văn Bộ - Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Tiến Bộ ( TTB ) nhân dịp ông xuống đây công tác. Tiết trời oi nồng khiến ai cũng mệt mỏi nhưng có vẻ ông Bộ thì không. Nước da bánh mật cùng trang phục ký giả khiến ông trông giống một chính trị gia hơn là Chủ tịch của doanh nghiệp.

Hà Nội lớn nhưng rồi sẽ chật chội

Học ngành kinh tế xây dựng tại Hà Nội, ra trường làm việc ở một doanh nghiệp nhà nước nhưng sau đó ông Phùng Văn Bộ quyết định về đất thép Thái Nguyên lập nghiệp bằng cách mở một doanh nghiệp kinh doanh sắt thép.

“Tôi thích tự chịu trách nhiệm, thích khẳng định và phát huy sự sáng tạo của mình thay vì làm công tại một công ty nào đó.” – Ông Bộ nói về lý do bắt đầu sự nghiệp kinh doanh.

Những điều này cũng giống như hàng nghìn những người khởi nghiệp khác. Nhưng khác biệt của ông là đã từ bỏ miền đất hứa, chọn một vùng “tỉnh lẻ” để bắt đầu.

“Hà Nội lớn nhưng rồi sẽ chật chội và cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Tôi nghĩ rằng, các tỉnh xung quanh thường phát triển sau Thủ đô tầm 15 - 20 năm. Chọn tỉnh để gây dựng từ đầu, sau từng đó năm, mình sẽ có vị trí vững chắc, thay vì ở Hà Nội mà sự nghiệp vẫn đang chòng chành.”

Bước đầu, ông Bộ kinh doanh cốp pha, sắt thép các loại. Sau đó với kinh nghiệm thực hiện các dự án, công ty ông chuyển sang làm bất động sản và loại hình mà ông chọn là chung cư dành cho người thu nhập thấp. Khi nói đến loại nhà này, người ta thường nghĩ rằng đó là những căn chung cư giá rẻ đi cùng với chất lượng “sớm muộn gì cũng hỏng”.

“Không phải vậy, đối với tôi, nhà ở chất lượng tốt là những ngôi nhà chắc chắn, an toàn. Nhà thu nhập thấp vẫn sử dụng những vật liệu chất lượng đảm bảo, chỉ là không trang trí xa hoa thôi.” – doanh nhân này cho biết.

Ông Bộ nói, điểm mạnh của ông là sự quyết đoán, nói là làm. Người ta có thể cảm nhận rất rõ những tính cách ấy qua tác phong chỉ đạo công việc ngắn gọn, dứt khoát và cách nói chuyện thẳng thắn, không vòng vèo.

- Tôi nghĩ, mình cũng có một chút tố chất, tức những yếu tố bẩm sinh để làm doanh nhân ấy.

- Óc phán đoán và tầm nhìn xa chăng?

- Chắc là thế. Ví dụ, khi tôi xây chung cư tại Thái Nguyên, người ta bảo tôi sai. Ở đây đất rộng người thưa, ai ở chung cư làm gì. Thế nhưng trong 5 năm qua, các dự án xây lên đều bán rất chạy. Công ty tôi trở thành người số 1 ở Thái Nguyên về xây và bán chung cư. Bán sản phẩm mà khách hàng cần thì không bao giờ phải lo.

Quả thực như dự tính, sau hơn 19 năm, con đường mà ông Phùng Văn Bộ đi đã được chứng minh là con đường đúng đắn. Từ mức vốn lúc khởi nghiệp ban đầu là 1 tỷ đồng, hiện nay quy môn vốn của TTB đã gần 200 tỷ đồng và trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất ở Thái Nguyên. Kế hoạch trong 5 năm tới, TTB sẽ tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, thực hiện 4 dự án với vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ.

Ông Bộ cho biết đang tính đến các kế hoạch mở rộng sang tỉnh khác.

“Trình độ dân trí bây giờ rất cao, khả năng tiếp cận thông tin của họ rất tốt nên nếu mình tốt và có uy tín, khách hàng sẽ tin tưởng vào thương hiệu của mình. Tôi không ngại việc đầu tư ở tỉnh này hay tỉnh khác.”

Muốn vượt qua khó khăn, hãy đi xuyên qua nó

Như đã chia sẻ, ông Bộ là một người nói là làm, nhưng ông nhấn mạnh, khi đưa ra một quyết định nào đó, người chủ của doanh nghiệp phải biết “cầm vào rủi ro”.

“Khi làm gì, tôi luôn chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất và chuẩn bị các phương án dự phòng. Khi có sự chuẩn bị, mình sẽ không bị sốc và bất ngờ. Đồng thời, mình cũng sẽ không chủ quan và quyết tâm để làm đến cùng. Người ta có câu nói “muốn vượt qua khó khăn tốt nhất hãy đi xuyên qua nó”. – Chủ tịch của Tiến Bộ chia sẻ.

Nói vui, như trong một cuộc nhậu, người nào nói rằng “tôi say rồi” chính là người không say. Còn người luôn miệng nói rằng “tôi không bao giờ say” lại chính là người đã say. Quan điểm của doanh nhân này là ai cũng đã và sẽ gặp thất bại nhưng vấn đề là mình kiểm soát thất bại như thế nào.

Ông Phùng Văn Bộ kể lại câu chuyện vào những năm 2008- 2013 – giai đoạn vô cùng khó khăn của thị trường bất động sản, kéo theo cả sự khó khăn của hoạt động kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng. Cho rằng diễn biến thị trường sẽ tốt lên, Tiến Bộ đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên. Thực tế cho thấy, ông đã sai.

Nhưng như đã nói, ông Bộ luôn có phương án dự phòng.

“Khi thuê thiết kế dự án, tôi yêu cầu phải thiết kế sao cho nếu không khả thi, dự án có thể thay đổi, xoay chuyển sang loại hình khác. Tôi có tới 3 phương án dự phòng. Và như đã thấy, dự án trở thành chung cư cho người thu nhập thấp rất thuận lợi.”

“Chúng tôi sẽ làm tốt việc của mình, còn cổ phiếu là quyết định của thị trường”

Ông Bộ nói rằng ông không biết nhiều về các “thủ thuật” tài chính, từ xưa đến nay chỉ biết tập trung điều hành doanh nghiệp nên giá cổ phiếu lên xuống thế nào hoàn toàn do thị trường quyết định.

“Tôi sẽ làm tốt việc của tôi để doanh nghiệp là một doanh nghiệp tốt, đảm bảo trả cổ tức đều đặn cho cổ đông, còn cổ phiếu để thị trường quyết định.”

Làm sao để có một doanh nghiệp tốt? Chủ tịch của TTB cho hay, ông xác định con người là vốn lớn nhất của doanh nghiệp. Khi tuyển quân, Tiến Bộ không chú trọng bằng cấp nhưng yêu cầu đội ngũ nhân sự của mình phải có kỹ năng tốt, có lòng trung thành và có ý thức cầu tiến.

Tạm biệt chúng tôi, ông Bộ lại tiếp tục một chuyến công tác nữa vào Tp.Hồ Chí Minh. Vẫn là tác phong nhanh nhẹn và vững chắc trong từng bước đi, ông hẹn chúng tôi một ngày gặp mặt tại Thái Nguyên để giới thiệu cho mọi người biết thành phố này đã phát triển như thế nào.

“Số phận là do mình tạo nên nhưng nhiều thứ trong cuộc đời lại là cái duyên. Tôi đã từng chọn Hà Nội nhưng cuối cùng duyên của tôi là Thái Nguyên. Và tôi hài lòng với mối duyên này.”

Theo Hoa Mai

Cùng chuyên mục
XEM