Nếu ngành bán lẻ tham gia mạnh vào TMĐT thì mục tiêu tăng trưởng 20% sẽ không phập phù như trận đấu của tuyển Việt Nam với Indonesia

09/12/2016 08:00 AM | Kinh tế vĩ mô

Tương lai ngành thương mại điện tử hoàn toàn có thể dễ dàng sáp nhập với bán lẻ để tạo nên sức mạnh.

Thương mại điện tử sẽ sáp nhập vào ngành bán lẻ?

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) tại diễn đàn “Thương mại điện tử, công nghệ di động với ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam” diễn ra sáng ngày 8/12.

Theo ông, thương mại điện tử và công nghệ di động đã mang lại những cơ hội to lớn và tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế, nhất là ngành phân phối bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, 2 ngành này thực sự chưa có sự gắn kết rõ ràng, trong khi đây là mối quan hệ có thể tạo nên sức mạnh.

Trong bối cảnh khó khăn, cuộc cách mạng công nghệ di động (được dẫn đầu bởi điện thoại thông minh và các phần mềm ứng dụng) đang góp phần thúc đẩy hoạt động mua sắm. Công nghệ này tạo ra sự chuyển hướng căn bản trong mối quan hệ tương tác giữa thương hiệu hàng hóa, người tiêu dùng và nhà bán lẻ.

Khi người tiêu dùng sử dụng thiết bị di động và phần mềm ứng dụng của chúng để tìm kiếm, truy cập, so sánh và mua sắm hàng hóa thì giải pháp di động đang trở thành một kênh kinh doanh quan trọng cho ngành bán lẻ.

Tại Trung Quốc - quốc gia có sự phát triển vượt bậc về thương mại điện tử và bán lẻ thì TMĐT chiếm 9-10% trong tổng bán lẻ, trong khi tại Việt Nam ước chừng chỉ khoảng 1-3%.

“Nếu bán lẻ tham gia mạnh mẽ vào thương mại điện tử thì kế hoạch tăng trưởng 20% của ngành giai đoạn 2016-2020 do Chính phủ đề ra chắc chắn đạt được, không phải phập phù như trận đấu của đội tuyển Việt Nam với Indonesia như ngày hôm qua”, ông Hưng ví von.

Do đó, tương lai ngành thương mại điện tử hoàn toàn có thể dễ dàng sáp nhập với bán lẻ để tạo nên sức mạnh.


Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đừng coi thường cửa hàng tận cùng ngõ hẻm, lụp xụp vì đó có thể là công ty triệu đô

Ông Trần Trọng Tuyến, CEO DKT, Tổng thư kí VECOM cũng cho rằng, phương thức kinh doanh của các DN cũng đang dần thay đổi và tiếp cận TMĐT là một trong những xu hướng phát triển tốt nhất.

CEO này cho rằng, đừng bao giờ coi thường những cửa hàng tận cùng ngõ hẻm, lụp xụp, bừa bộn như một kho chứa hàng. Họ có thể đang thu về hàng triệu đồng mỗi ngày và đó có thể là công ty triệu đô.

Bởi thay vì mất nhiều chi phí cho mặt bằng họ chọn cách đầu tư đúng lúc đúng chỗ vào kinh doanh online và kết hợp bán hàng đa kênh, trong đó cơ bản nhất vẫn là website và mạng xã hội, sàn TMĐT.

Trong khi đó, thực tế, một số cửa hàng mặt phố, địa điểm thuận lợi, "hoành tráng" nhưng doanh số bán hàng lại rất thấp, không tương xứng với tiềm năng vì họ chưa biết cách kết hợp tận dụng thế mạnh của thương mại điện tử.

Thiết bị thông minh và ứng dụng di động đang làm đảo lộn trật tự ngành bán lẻ VN

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương đồng tình rằng sự ra đời của TMĐT tạo nên cuộc chuyển hướng đầu tiên trong cách mua bán, cho phép người tiêu dùng có thể mua hàng ở bất cứ nơi đâu chỉ với chiếc máy tính có kết nối Internet. Khách hàng vượt qua các ranh giới để tiếp cận thị trường toàn cầu.

Đặc biệt sự xuất hiện của thiết bị di động thông minh và máy tính bảng cũng như sự xuất hiện của những kho phần mềm ứng dụng di động đang làm cho trật tự của ngành bán lẻ một lần nữa bị đảo lộn.

"Chỉ với một thiết bị di động thông minh, khách hàng như được bước vào một cửa hiệu, tìm kiếm sản phẩm, so sánh giá cả và tính chất cùng chất lượng món hàng giữa những thương hiệu khác nhau, rồi chọn mặt hàng, trả tiền hóa đơn và ra về với món hàng ưng ý nhất", bà Thoa cho hay.

Do đó, theo Thứ trưởng, các nhà bán lẻ đang được trao một công cụ hữu hiệu để có thể liên lạc, tìm hiểu nhu cầu và cung cấp những thông tin và các lời khuyên khả dĩ ảnh hưởng lên quyết định mua sắm của khách hàng.

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM