Nếu MWG bán… vé số

16/03/2017 10:40 AM | Kinh doanh

Thời gian gần đây đã xuất hiện những thông tin bên lề về khả năng hợp tác giữa Thế giới Di động (MWG) và Vietlott. Theo đó, các siêu thị điện thoại, điện máy của MWG có thể trở thành điểm phân phối các sản phẩm của Vietlott, mà cụ thể ở đây là vé số điện toán.

Cái gì có lợi là bán

Khi được hỏi thông tin này có thật hay không, một lãnh đạo Vietlott chi nhánh TPHCM (không tiện nêu tên) trả lời: “Tôi chưa được biết thông tin này. Hơn nữa, lựa chọn các đơn vị bán lẻ là việc của các đại lý, nếu hồ sơ năng lực đáp ứng các yêu cầu của Vietlott có thể triển khai, việc này cũng rất bình thường”.

Việc hợp tác giữa MWG và Vietlott có hay không chờ những bên có liên quan chính thức công bố. Dù vậy, giả sử thông tin này có thực, đây có thể là một nước cờ rất hay cho cả MWG cũng như Vietlott dựa trên vị thế, bối cảnh và ngành nghề kinh doanh của cả 2. Tháng 10-2016, FPT Retail, một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phân phối thuộc tập đoàn công nghệ FPT, cũng đã công bố việc hợp tác với Vinamilk (VNM) để triển khai chuỗi cửa hàng chuyên doanh sữa trên toàn quốc.

Nếu như một tập đoàn luôn tự hào với thế mạnh công nghệ cũng có thể đi bán sữa, thì một nhà phân phối lớn như MWG cũng có thể… bán vé số. Vả lại, với các nhà phân phối sản phẩm nào được thị trường đón nhận, đem lại lợi nhuận và phù hợp với chiến lược kinh doanh có thể đem ra phân phối. Dù chỉ mới xuất hiện trên thị trường được nửa năm, nhưng Vietlott đã tạo ra rất nhiều sức hút, không chỉ trên góc độ kinh doanh mà còn cả hiệu ứng truyền thông.

Nhưng Vietlott vẫn đang tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối của mình. Vé số Mega 6/45 của Vietlott cũng có nhiều nét giống với vé số powerball tại Hoa Kỳ, mà tại quốc gia này vé số còn được bán tại các cửa hàng tạp hoá, cây xăng... Hiện tại, đảo quanh các địa điểm bán vé số Vietlott, sẽ thấy không ít nơi là địa điểm kinh doanh sẵn có, chẳng hạn như quán cà phê, khách sạn mini, một tiệm tạp hóa… Nghĩa là có mặt bằng tốt, năng lực tài chính và đáp ứng một số yêu cầu có thể kinh doanh sản phẩm của Vietlott.

Khi ta cần nhau

Xét trên những tiêu chí này có lẽ các siêu thị điện máy, điện thoại, hay chuỗi cửa hàng bách hóa của MWG đều dư thừa. Hệ thống của MWG hiện có khoảng 1.300 siêu thị Thế giới Di động, hơn 300 siêu thị Điện Máy Xanh và dự kiến năm nay cũng sẽ có khoảng 350 shop Bách hóa Xanh được mở ra. Cùng với đó MWG cũng đang thúc đẩy trang thương mại điện tử VuiVui.com của mình.

Đặc điểm của cả Thế giới Di động lẫn Điện Máy Xanh là các siêu thị thường được đặt ở những vị trí đắc địa, những con đường trung tâm và xuất hiện dày đặc, nhất là ở những TP lớn. Khi số lượng siêu thị của MWG càng tăng, áp lực tăng trưởng và doanh số sẽ càng lớn.

Trong số rất nhiều giải pháp, việc gia tăng các mặt hàng, sản phẩm khác nhau sẽ được tính đến. Xuất phát điểm từ ĐTDĐ, MWG chuyển sang laptop, rồi điện máy, thậm chí có thời gian còn thử nghiệm bán cả máy ảnh. Ngoài ra, các loại phụ kiện như ốp lưng, bao da điện thoại, sạc dự phòng, miếng dán màn hình… cũng góp phần tạo ra doanh thu cho MWG.

Thử làm một giả thiết MWG có 2.000 địa điểm bán lẻ sản phẩm của Vietlott, chỉ cần mỗi ngày thu về doanh số 1 triệu đồng/địa điểm (thực tế có không ít địa điểm bán vé số Vietlott có doanh thu rất cao). Nghĩa là MWG có thể đạt doanh thu 2 tỷ đồng từ việc bán vé số và mỗi năm là 730 tỷ đồng, cũng đã hơn 30 triệu USD.

Khi không thể đi sâu hơn nữa vào thị trường sẵn có phải tìm kiếm thị trường mới, khai thác hết một dòng sản phẩm này phải có sản phẩm khác. Ai cũng thấy rằng, MWG sẽ không thể duy trì mãi tốc độ mở mới các siêu thị của mình và đến một lúc nào đó thị trường sẽ phải bão hòa.

Hoặc nói một cách lạc quan hơn, thị trường các sản phẩm điện tử, điện máy vẫn sẽ tăng trưởng nhưng sẽ chậm lại. Lúc này áp lực không chỉ nằm ở vấn đề doanh số, tăng trưởng mà chi phí cũng cực lớn. Dù năm 2016 MWG đạt doanh thu hơn 45.600 tỷ đồng, lợi nhuận ròng cũng xấp xỉ 1.600 tỷ đồng, nhưng sẽ là kỳ tích nếu siêu thị nào trong hàng ngàn siêu thị của MWG cũng có lãi.

Đảo một vòng quanh hệ thống của MWG tại khu vực TPHCM sẽ thấy những siêu thị lớn tại các trục đường chính như Nguyễn Thái Học (quận 1), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận) hay Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh)… luôn tấp nập khách, nhưng ở một số tuyến đường nhỏ hơn khách thưa hơn hẳn.

Nghĩa là áp lực dành cho MWG không chỉ đến từ bên ngoài mà còn xuất phát ngay từ bên trong khi từng cửa hàng, siêu thị cũng phải chịu áp lực doanh số rất lớn. Đó là còn chưa nói đến các tỉnh thành nhỏ, tâm lý sử dụng hàng chính hãng, chất lượng dịch vụ 5 sao không phải lúc nào cũng phổ biến, và mức chi tiêu cũng thấp hơn hẳn.

Ngoài ra, còn phải kể đến một loạt chi phí liên quan đến mặt bằng, quỹ lương và vận hành hệ thống. Trong đó chi phí mặt bằng tất nhiên rất lớn vì MWG thường mở các siêu thị tại các vị trí đắc địa nhất. Trong những tình huống này, nếu có một sản phẩm, dịch vụ mới việc giải quyết bài toán hóc búa này sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Không ít người làm trong ngành tài chính theo dõi MWG khi nghe thông tin về sự hợp tác với Vietlott đều nói rằng, dù có xảy ra hay không đều rất có lý.

Theo Thái Ca

Cùng chuyên mục
XEM