Nếu kiểm soát tiêu thụ rượu bia, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao?

13/08/2018 14:20 PM | Kinh tế vĩ mô

Bia đáng đóng góp gần 50 nghìn tỷ đồng trong năm 2017. Tuy nhiên, tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương khoảng 1,3 – 3,3% GDP (1,3% GDP tương đương 65.000 tỷ đồng).

Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Trong thư, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xúc tiến việc trình Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia lên Quốc Hội cho đợt xem xét lần đầu vào tháng 10/2018. WHO cũng khuyến nghị Việt Nam thực thi 3 nhóm chính sách, bao gồm: chính sách về giá rượu bia; chính sách hạn chế sự sẵn có của rượu bia; chính sách kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ.

Ngành rượu, bia đang đóng góp như thế nào cho kinh tế Việt Nam?

Kể từ khi Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được Bộ Y Tế đề xuất, Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi thông tin, góp ý chính sách. Một điều được nhấn mạnh là ngành rượu, bia đang đóng góp lớn cho ngân sách thông qua các khoản thuế trực tiếp từ sản xuất và các khoản khác qua những hoạt động liên quan như xuất nhập khẩu, bán lẻ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đóng góp của ngành bia – rượu vào ngân sách liên tục tăng qua các năm. Năm 2014, con số là 23.570 tỷ đồng. Mức đóng góp ngân sách tăng lên 28.878 tỷ đồng vào năm 2015. Đến hết năm 2017, toàn ngành đã nộp ngân sách gần 50 nghìn tỷ đồng.

 Nếu kiểm soát tiêu thụ rượu bia, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao?  - Ảnh 1.

Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam đứng thứ 7 trong Bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2017. Trong bảng xếp hạng do Tổng cục Thuế công bố, còn có những doanh nghiệp lớn trong ngành rượu, bia như Tổng công ty bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty bia – rượu – nước giải khát Hà Nội (Habeco),…

Heineken Việt Nam cho biết, tổng số tiền mà các công ty thành viên đóng góp cho nền kinh tế đã đạt 42,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,88% GDP. Theo các báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, số thuế TNDN mà Sabeco đã nộp là 1.140 tỷ đồng, của Habeco là 199 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu – nước giải khát Việt nam (VBA) đã đề nghị các cơ quan chức năng cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra chính sách mới đối với ngành rượu, bia.  Theo ông, nếu quy định mới khiến cho doanh nghiệp sản xuất rượu, bia trong nước gặp khó khăn, sẽ tạo ra khoảng trống trên thị trường để các sản phẩm ngoại xâm nhập.

 Nếu kiểm soát tiêu thụ rượu bia, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao?  - Ảnh 2.

VBA cho rằng, lượng tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam mới chỉ ở hạng trung trên thế giới. Xét riêng về sản phẩm bia, Việt Nam tiêu thụ 40,8 lít/người/năm (Báo cáo lượng bia tiêu thụ bình quân theo đầu người/năm do Trường Đại học Beer Kirin Nhật Bản thực hiện năm 2016). Mức tiêu thụ này đứng sau Hàn Quốc, Nhật Bản, và chỉ thuộc loại trung bình thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Dẫn đầu bảng xếp hạng 24 năm liên tiếp vẫn là Cộng hòa Séc với 143,3 lít/người/năm.

Lập luận của cơ quan Y tế

Cũng đưa ra báo cáo về mức độ tiêu thụ rượu bia, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sử dụng đơn vị "cồn nguyên nhất/năm". WHO cho biết, trung bình mỗi người Việt Nam đã tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong năm 2015, đứng ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Theo các báo cáo mức tiêu thụ do VBA và WHO đưa ra có thể thấy rằng, người Việt Nam uống ít rượu bia hơn một số nước trong khu vực, nhưng độ cồn trong sản phẩm lại cao hơn nhiều lần.

Sử dụng rượu bia ở mức nguy hại là một yếu tố nguy cơ chính gây ra gánh nặng bệnh không lây nhiễm. WHO ước tính, khoảng 79.000 trường hợp tử vong tại Việt Nam trong năm 2016 có nguyên nhân do sử dụng rượu bia. Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn người khác đang phải điều trị những bệnh do việc sử dụng rượu bia gây nên.

 Nếu kiểm soát tiêu thụ rượu bia, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao?  - Ảnh 3.

Tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương khoảng 1,3 – 3,3% GDP. Trong đó, chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả do rượu bia thường cao hơn so với chi phí trực tiếp. Nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia tại Việt Nam ở mức 1,3% GDP thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Theo WHO, chi phí kinh tế của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia của Việt Nam năm 2017 tương đương gần 4 tỷ USD. Các chi phí của Nhà nước và người dân để giải quyết các hậu quả liên quan đến sức khỏe cũng rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, việc luật hóa các giải pháp giảm tiêu thụ rượu, bia là cần thiết. Hành vi, lối sống không lành mạnh như uống rượu bia, ít vận động thể lực, dinh dưỡng không cân đối,… là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm cao. Giải pháp căn bản để ngăn chặn chính là loại trừ các yếu tố nguy cơ.

Hiện tại, tỷ lệ dân số sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang trẻ hóa. 47,5% người trong độ tuổi 14-17 đã từng sử dụng rượu, bia. Tỷ lệ này ở độ tuổi 18-21 là 67%. Tỷ lệ phụ nữ chịu hậu quả từ người thân trong gia đình sử dụng rượu bia (50%) nhiều hơn gấp 7 lần so với nam giới (14,9%), 21% trẻ em đã chịu tác hại từ việc sử dụng rượu bia của người xung quanh.

Theo An Bình

Cùng chuyên mục
XEM