Nếu DN Việt có thua trên mặt trận hội nhập tới đây, đó cũng chỉ là bước dừng tạm thời

29/06/2016 15:31 PM | Kinh tế vĩ mô

“Thua không phải để dừng mà chỉ là đi chậm lại để phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng, không gian kinh tế ngày càng được mở rộng, cơ hội và thách thức luôn đan xen.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Để thành công, chúng ta phải tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức và muốn vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hợp tác với nhau để nhân lên sức mạnh.

"Nói thì dễ, nhưng để làm được là cả một quá trình, đòi hỏi có sự mạnh mẽ, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, trí tuệ, và phải có sự hợp tác. Một con thuyền nhỏ đơn độc ra khơi sẽ gặp nhiều rủi ro khi gặp sóng lớn. Nhưng nhiều con thuyền liên kết lại với nhau sẽ chống chọi được với bão tố và ra được biển lớn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cũng chia sẻ thông điệp muốn gửi gắm tới các doanh nghiệp Việt: Cạnh tranh không phải là sự thôn tính, tiêu diệt nhau, mà cạnh tranh là để lớn mạnh hơn.

“Sẽ có nhiều doanh nghiệp không chịu được cạnh tranh, nhưng cũng sẽ có doanh nghiệp nhờ cạnh tranh mà lớn mạnh. Nếu ai đó bị thua cuộc trong cuộc cạnh tranh này, tôi muốn chúng ta cùng nhau hiểu rằng: Thua không phải để dừng mà đi chậm lại để phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Hội nhập là để phát triển. Luật chơi trong hội nhập đặt ra là để bảo vệ, không phá hỏng sân chơi. Nhưng, có được sự phát triển hay không phụ thuộc vào chính người chơi.

“Thế giới ngày nay đang vận động và thay đổi rất nhiều, rất nhanh so với những gì chúng ta biết. Thế giới đang cấu trúc lại để hình thành nên những chuỗi giá trị mới như chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng với một sân chơi mới, người chơi mới, luật lệ chơi mới. Và chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp nhanh chóng định hình lại xem mình đang nằm ở đâu trong cuộc chơi mới này, để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất trước khi tham gia cuộc chơi”, ông Dũng nhắn nhủ.

Ông Dũng nhận định: Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực sự chuyển mình và đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩ lịch sử. Mặc dù vẫn đứng sau rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng ở khía cạnh chất lượng sống của người dân, chúng ta đã được xếp hạng trung bình khá.

“Theo một báo cáo gần đây do công ty tư vấn quản lý Boston Consulting Group (BCG) thực hiện, chất lượng sống của Việt Nam được đánh giá ngang bằng với các quốc gia có GDP/người cao gấp đôi Việt Nam. Việt Nam cũng nằm top đầu trong việc chuyển đổi thịnh vượng kinh tế sang chất lượng sống”, ông Dũng nói.

Theo báo cáo trên, với chỉ số GDP/người (dựa trên ngang giá sức mua) chỉ đạt gần 5.200 USD, nhưng Việt Nam lại thuộc nhóm các quốc gia có biểu đồ phát triển ổn định, có khả năng đạt chất lượng sống của người dân ngang bằng với các quốc gia có GDP/người trung bình là 10.000 USD.

Bộ trưởng Dũng cũng nhắc nhở: Những sân chơi Việt Nam sắp tham gia, người chơi với chúng ta đẳng cấp cao hơn chúng ta. Và doanh nghiệp Việt phải nỗ lực nhiều hơn nữa khi tham gia những sân chơi này.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM