Nếu cuộc sống của bạn không hạnh phúc, đó là vì bạn đã có một tuổi thơ không trọn vẹn

17/07/2016 16:24 PM | Sống

Những ký ức thời ấu thơ có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta khi lớn lên. Một tuổi thơ hạnh phúc hay không là nền tảng quyết định tính cách và con người chúng ta sẽ trở thành.

Chúng ta ai cũng từng có một quá khứ mang tên thời thơ ấu. Đó là những lần không nghe lời cha mẹ, giữa trưa nắng trốn nhà đi chơi. Đó là những lần quên mang sách bút, bị cô phạt đứng vào góc lớp, những lúc cả đám bạn chơi nhảy dây, bắn bi còn mình phải chép cho xong 10 trang luyện chữ...

Những kỷ niệm thời ấu thơ đó chính là dòng nước mát lành nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta, theo bước chúng ta trưởng thành để mỗi khi nghĩ lại, hoặc cười hoặc khóc vì ngày xưa ơi, sao mà thân thương đến thế. Không thể phủ nhận, những ký ức đó có ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng ta sau này.

Tuy nhiên không phải ai cũng được đắm mình trong những ngày tháng thơ ấu ngọt ngào, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Có những người phải sống trong tuổi thơ bất hạnh, với những lời chỉ trích của mẹ cha, dè bỉu từ đám bạn, và thường xuyên bị đổ lỗi một cách vô lý. Khi trưởng thành, chúng ta vẫn sẽ mang một phần ám ảnh từ quá khứ đó và dần hình thành nên những tính cách tiêu cực. Những trải nghiệm thời thơ ấu có ảnh hưởng rất lớn đến mỗi con người.

Nếu cha mẹ chúng ta quá nghiêm khắc, chúng ta luôn sợ bị phạt tội

Đi cùng với nghiêm khắc là sợ hãi. Bất cứ cha mẹ nào quá nghiêm khắc cũng có những đứa con luôn trong trạng thái sợ hãi bị phạt tội. Dù làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng lo sợ cha mẹ chưa hài lòng, cha mẹ sẽ trách phạt chúng ta.

Chúng ta luôn trong trạng thái lo lắng và sợ hãi. Chúng ta cảm thấy bản thân là vô dụng, là đồ bỏ đi. Lúc nào trong đầu chúng ta cũng thường trực sẵn những câu đổ lỗi và trách mắng. Trẻ con như tờ giấy trắng, cớ sao cha mẹ không vẽ hoa vẽ lá, mà lại vẽ những hình thù kì dị, xấu xí lên chúng ta.

Khi lớn lên ra ngoài xã hội, gặp gỡ nhiều người hơn, rồi bạn bè, đồng nghiệp... chúng ta vẫn không thể thoát khỏi bóng ma quá khứ. Chúng ta sợ hãi chính những người bạn của mình, sợ bị đồng nghiệp trách phạt ngay cả khi chúng ta chẳng làm gì sai. Sợ hãi bị phạt tội đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta. Nó như cái gông cùm trói buộc chúng ta, không cho chúng ta có cơ hội thể hiện bản thân mình.

Chúng ta đã từng bị bắt nạt và giờ đây luôn mang cảm giác mặc cảm

Chẳng ai mong mình bị bắt nạt khi còn thơ ấu. Nhưng dường như đây là trò không thể thiếu với nhiều bọn trẻ con hơn tuổi chúng ta. Chúng ta bị bắt nạt ở trường, ở khu phố, thậm chí ở bất cứ đâu lũ trẻ to xác nhìn thấy chúng ta.

Khi còn bé, chúng ta thiếu các kỹ năng sống để tự bảo vệ mình, vì thế việc chúng ta trở thành nạn nhân của các trò bắt nạt khiến chúng ta sống thu mình, khép kín hơn. Chúng ta luôn mang một cảm giác mặc cảm, xấu hổ vì bị bắt nạt mà không thể chống trả.

Chúng ta lớn lên mà không thể tự tin bắt chuyện với người lạ, chúng ta ý thức được việc mình có thể sẽ bị bắt nạt bất cứ lúc nào, bởi bất cứ ai. Chúng ta lo ngại cả thế giới không có chốn an toàn cho chúng ta trú thân.

Tuy nhiên, vì bị bắt nạt và thấu hiểu những gì tiêu cực mà nó mang lại, chúng ta đã vô tình trở thành những người rất mạnh mẽ, giàu lòng cảm thông và biết tôn trọng người khác. Chúng ta hiểu rõ lời nói nào mang lại tổn thương cho người khác và hết sức tránh nó. Chúng ta trở nên tinh tế và tốt đẹp hơn rất nhiều.

Chúng ta luôn sợ mắc lỗi vì đã từng phải nghe những lời mắng mỏ khắc nghiệt

Đôi khi những lời trách mắng khắc nghiệt còn mang lại ảnh hưởng tâm lý tiêu cực hơn cả bạo lực. Chúng ta phải nghe những lời mắng cay độc chỉ vì chúng ta lỡ làm sai một chuyện bé xíu và rất dễ để sửa sai. Chúng ta phải chịu cúi mình trước những lời chỉ trích miệt thị vô lý vì một lỗi nhỏ không đáng. Kể từ đó, chúng ta làm bất cứ việc gì cũng sợ mắc lỗi. Chúng ta thiếu đi tự tin vào khả năng của mình chỉ vì đã từng bị chỉ trích, mắng mỏ quá nhiều.

Thế nhưng chúng ta lại học vô cùng nhanh những lời dùng để mắng chửi người khác. Nếu lớn lên với nhận thức tốt, chúng ta sẽ loại bỏ nó, nhưng nếu chúng ta cứ dung túng cho những lời lẽ cay nghiệt ấy xuất hiện trên miệng mình, chúng ta sẽ tự biến mình thành cỗ máy chỉ trích không khác gì người trong quá khứ từng làm vậy với chúng ta.

Có thể trở nên hướng nội nếu chúng ta đã từng bị từ chối sự quan tâm

Chúng ta thích một người và lấy hết can đảm để bày tỏ nỗi lòng mình với người đó. Nhưng phũ phàng thay, người kia chẳng mảy may gì đến tình cảm của chúng ta mà thẳng thừng từ chối. Điều này cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến tâm lý của chúng ta bởi nó xảy ra khá phổ biến ở tuổi học sinh. Nhưng nếu chuyện đó xảy ra với cha mẹ, ông bà hay anh chị em ruột của chúng ta thì lại khác.

Chúng ta yêu gia đình mình rất nhiều và muốn thể hiện sự quan tâm tới từng thành viên trong gia đình, nhưng tất cả mọi người đều từ chối sự quan tâm của chúng ta. Chúng ta tự hỏi chuyện gì đang xảy ra? Không ai cần chúng ta nữa sao? Việc duy nhất chúng ta có thể làm lúc này là chui vào vỏ ốc do chính mình tạo ra.

Chúng ta trở nên hướng nội và trầm tĩnh hơn. Chúng ta luôn tìm cách che giấu cảm xúc thực sự của mình, sợ rằng nếu ai đó biết chúng ta quan tâm họ, chúng ta sẽ lại bị tổn thương. Thật tồi tệ khi ký ức này theo chúng ta đến khi trưởng thành và biến chúng ta thành những người khép kín, thiếu kỹ năng xã hội cần thiết.

Chúng ta cảm thấy bất an và cần được yêu thương nhiều hơn nữa

Cảm giác bất an xảy ra khi chúng ta còn thơ bé là do không nhận được sự quan tâm đầy đủ từ gia đình và trường học. Chúng ta bị bỏ bê, giống như quả bóng lăn qua lăn lại giữa cha mẹ và thầy cô mà không ai chịu nhận về mình. Chúng ta lơ lửng giữa không trung, như một kẻ vô định, cảm nhận rõ sự thiếu thốn yêu thương và khát khao được quan tâm của mình.

Chúng ta bị ép mình vào trong lối so sánh sáo rỗng với những người anh chị em khác hoặc bạn bè của chúng ta. Chúng ta nhìn cuộc đời người khác và mơ ước cho mình được một lần ôm ấp vỗ về. Sự bất an đeo đuổi chúng ta đến lớn, khiến chúng ta lúc nào cũng phải gồng mình cạnh tranh trong chuyện tình cảm. Chúng ta không có tự tin và coi thường sự đồng cảm với bất kỳ ai khác.

Tuy nhiên, 30 chưa phải là Tết, nếu chúng ta nhận ra chúng ta đang vướng mắc vào những ảnh hưởng tiêu cực từ thời thơ ấu này, chúng ta hãy cố gắng thay đổi nó. Hãy liệt kê ra những tác dụng tích cực mà ký ức tuổi thơ đó mang lại, điều này giúp cho chúng ta nhìn nhận lại tuổi thơ với những kỷ niệm tốt đẹp hơn một chút. Hãy dành thời gian suy nghĩ làm thế nào để tận dụng những điểm sáng le lói này cho tương lai của chúng ta.

Và cuối cùng, hãy tâm sự, chia sẻ những ký ức không vui với người khác. Gánh nặng tâm lý trong chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhõm hơn, nhưng nỗi thất vọng, buồn tủi, mặc cảm cũng được trút bỏ. Chúng ta không thể thay đổi tuổi thơ của mình, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nhìn nó một cách tích cực hơn.

Cùng chuyên mục
XEM