Nếu cứ "ngoan cố" duy trì 1 trong 3 dấu hiệu này, sớm muộn bạn cũng sẽ trở thành người "vô dụng" trong xã hội

17/09/2018 11:18 AM | Sống

Nếu thấy mình có một trong ba dấu hiệu sau đấy, hãy ngay lập tức sửa đổi, nếu không hậu quả khôn lường…

- [ Dấu hiệu thứ nhất ] -

Hôm 20 tháng 8 vừa rồi tôi có đến thư viện Quốc gia để tìm tài liệu phục vụ cho công việc, ngồi bên cạnh tôi là một cậu thanh niên mặc áo đồng phục trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Trước mặt cậu là một quyển sách dày cộp. Mặt cậu trầm ngâm, đăm chiêu suy nghĩ, mắt cậu không phút giây nào rời khỏi màn hình điện thoại trước mặt. Có vẻ như cậu đang đắm chìm trong một game điện tử nào đó.

Khi tôi hoàn thành công việc của mình, thu dọn đồ đạc để đi về, cuối cùng tôi cũng thấy cậu tắt trò chơi kia đi. Cậu cắm sạc cho điện thoại, rồi tiếp tục mở một bộ phim nào đó trên mạng để xem.

Quyển sách dày cộp trên bàn từ lúc tôi đi đến lúc tôi về vẫn ở nguyên vị trí lúc đầu, không chút xê dịch.

Một người có thể dành toàn bộ thời gian của mình để xem các video trên mạng, chơi trò chơi điện tử, lùng sục thông tin về thần tượng của mình, cập nhật những "hot trend" trên mạng.

Nhưng việc học? Thôi quên đi.

Dấu hiệu thứ nhất của một người sắp bị đào thải: Dành thời gian để thoả mãn những niềm vui nhỏ bé trong ngắn hạn mà không chịu đầu tư để bản thân phát triển trong dài hạn.

Lướt Web, cày phim, chơi điện tử, đây là việc mà bất kì ai cũng ưa thích làm. Họ có thể vui vẻ đón nhận nó, ngay cả khi nhận thực rõ việc đó là "ảo", và chỉ giúp họ có niềm vui trong ngắn hạn.

Ngược lại, học hành, tập thể dục thể thao, rèn luyện nâng cao kĩ năng là những việc mà bất kì ai cũng ái ngại. Bởi họ phải dành nhiều thời gian và công sức của bản thân để thấy "phần thưởng" nên họ dễ cảm thấy "nản" và "chán", họ hài lòng với những niềm vui ngắn hạn kia hơn.

Nhiều người chỉ vì cái lợi trước mắt mà quên đi cái hậu quả đằng sau.

Khi bạn không còn lên kế hoạch cho tương lai của mình, mà chỉ chăm chăm đắm chìm trong những niềm vui ngắn ngủi – ngay cả khi đó là những niềm vui ảo, liệu bạn có ngậm ngùi tiếc nuối khi bị đào thải không?

Nếu cứ ngoan cố duy trì 1 trong 3 dấu hiệu này, sớm muộn bạn cũng sẽ trở thành người vô dụng trong xã hội - Ảnh 1.

- [ Dấu hiệu thứ hai ] -

Cách đây một khoảng thời gian, trong buổi họp lớp, tôi gặp lại một người bạn đã lâu không gặp. Chàng sinh viên người mỏng như tờ giấy ngày nào, bây giờ đã đã được ban phước trở thành một ông chú với lớp mỡ dầy chắn ngang bụng.

Sau khi hỏi chuyện, tôi biết bạn mình sau khi tốt nghiệp đã nhảy việc liên tục. Kinh nghiệm đi làm tích luỹ không ít, tuy nhiên anh vẫn không thể quen nổi cuộc sống chốn công sở. Vì vậy, anh quyết định nghỉ việc về quê, sống dựa vào cha mẹ, và kiếm thêm một khoản thu nhỏ nhờ làm các công việc part-time.

Về nhà được hơn 1 năm, anh rất hiếm khi đặt chân ra khỏi nhà. Loanh quanh cả ngày, anh chỉ ngồi chơi điện tử, lúc không chơi điện tử thì xem phim, và mồm anh lúc nào cũng nhồm nhoàm thức ăn,…

Có thể vì đã nhiều ngày sống "cách ly" với thế giới bên ngoài, gương mặt anh nay lờ đờ, và khi nói chuyện, anh thường mất một khoảng thời gian để bắt nhịp với mạch câu chuyện của mọi người.

Nhờ anh mà trong tôi hình thành một suy nghĩ: "Tri thức, ngoại hình, thậm chí cuộc đời của mỗi người hoàn toàn có thể quay ngoặt 180 độ nếu như cả ngày chỉ quẩn quanh trong nhà."

Bất kì ai cũng mong muốn được hưởng một cuộc sống an nhàn và thoải mái. Nhưng khi được sống trong thế giới như thế, bạn sẽ dần dần trở nên chây lì. Bạn sẽ chết mê chết mệt với vùng an toàn của mình, không bao giờ muốn ra khỏi vùng an toàn đó để ngắm nghía thế giới ngoài kia, bởi trong bạn sẽ hình thành một nỗi sợ mơ hồ rằng: Những khó khăn, trắc trở ngoài kia sẽ ngay lập tức vồ lấy bạn khi bạn cố thử chạm trán với chúng.

Họ không biết rằng, càng chần chừ trong vùng an toàn của mình, họ càng nhanh chóng được đối diện với một thực tế phũ phàng: Bị xã hội đào thải.

Dấu hiệu của một người già không đơn thuần chỉ đến từ tuổi tác mà còn đến từ tâm hồn. Một người có tâm hồn cằn cỗi khi họ ngại việc vấp ngã, ngại việc phải đứng lên, và từ chối những trải nghiệm mới, những điều mà họ cảm thấy không quen thuộc.

Khi bạn ngừng việc học hỏi, hài lòng với việc tự giam mình trong một cái lồng nơi bạn cảm thấy thoải mái, bạn đã tiến một bước tiến vĩ đại để đến với sự tầm thường.

Nếu cứ ngoan cố duy trì 1 trong 3 dấu hiệu này, sớm muộn bạn cũng sẽ trở thành người vô dụng trong xã hội - Ảnh 2.

 - [ Dấu hiệu thứ ba ] -

Nhớ ngày trước, đồng nghiệp của tôi bị sếp mắng vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao, hiệu quả công việc không cao. Tôi hỏi nguyên nhân, anh ta bảo gần đây có nhiều chuyện không vui, vì vậy không tập trung được vào công việc.

Một thời gian ngắn sau, anh ấy nghỉ việc. Nguyên nhân tôi nghe được là do anh ấy bị mọi người tẩy chay. Tôi khá ngạc nhiên, bởi tôi thấy đây là một người đồng nghiệp không tồi, chỉ có điều anh hay để mình bị vướng vào trong những mớ cảm xúc tiêu cực.

Mỗi lần nói chuyện với tôi, anh ấy lại trưng ra một trong hai bộ mặt: Hoặc là cau có, hoặc là đưa đám. Nhiệm vụ của tôi trong các buổi trò chuyện đơn giản chỉ là cố gắng lắng nghe hết những tâm sự của anh.

Một đợt đi ăn với gia đình anh, tôi không nhớ lí do, nhưng anh và vợ mình đã có một trận cãi lộn long trời lở đất. Họ cãi nhau bất chấp ánh nhìn ái ngại của những người xung quanh. Sau khi cơn giận qua đi, anh bình tĩnh lại, gương mặt trầm ngâm, và không nói gì trong suốt bữa ăn còn lại.

Thật ra, nếu một ngày chúng ta nghĩ về 10 điều, thì phải có đến 8, 9 điều trong đấy là những điều vớ vẩn. Những điều đấy không giúp ích được gì cho chúng ta cả, trái lại còn ảnh hưởng tiêu cực đến công việc của chúng ta.

Ví dụ, bao nhiêu trong số chúng ta đã từng một lần bất chợt cảm thấy lo lắng bất an về một điều gì đó chưa xảy đến, sau đó dành cả ngày để cầu nguyện điều xấu đấy không xảy ra với mình?

Thời gian và chất lượng cuộc sống phụ thuộc nhiều vào cảm xúc của chúng ta.

Dấu hiệu một người sắp bị đào thải thứ 3, đó là trở thành nô lệ cho cảm xúc của mình.

Một người không kiềm chế được cảm xúc không khác gì một người đang bấp bênh nơi miệng vực. Họ có thể trượt chân ngã vào vực thẳm bất kì lúc nào, và không thể gượng dậy được.

Cuộc đời thăng hay trầm chỉ phụ thuộc 10% vào các yếu tố ngoại cảnh bên ngoài. 90% còn lại tới từ thái độ sống của bạn.

Một người chỉ được gọi là trưởng thành khi họ khống chế được cảm xúc của mình. Nếu bạn dễ dàng để bản thân rơi vào vực thẳm của cảm xúc, bạn sẽ phải hối hận sớm thôi.

Nếu cứ ngoan cố duy trì 1 trong 3 dấu hiệu này, sớm muộn bạn cũng sẽ trở thành người vô dụng trong xã hội - Ảnh 3.

- [ Lời kết ] - 

Cuộc đời một người thường hối hận vì những điều họ chưa làm được. Họ hối hận vì mình đã không học hành tử tế, họ hối hận vì mình đã không chấp nhận mạo hiểm lúc ấy, họ hối hận vì mình đã không theo đuổi ước mơ,…

Bạn có phải là người đang để ngày của mình trôi qua với những niềm vui ảo, thi thoảng ngồi buồn buồn trong những dòng cảm xúc tiêu cực?

Bạn có biết rằng, điều đáng sợ nhất xảy đến khi bạn không hài lòng với cuộc sống hiện tại, nhưng bạn không đủ can đảm để thay đổi.

Đừng đứng chần chừ nữa, hãy thử tiến lên, và khi đó chắc chắn mọi thứ sẽ thay đổi.

Đình Trọng

Cùng chuyên mục
XEM