Nếu bỏ Tết âm, nhân viên các công ty này sẽ là những người buồn nhất

27/01/2017 09:00 AM | Kinh doanh

Tại các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như Bibica, Hải Hà, Sabeco, Habeco, Masan, Tết là dịp họ bán được nhiều hàng nhất trong năm và cũng là lúc năng suất lao động lên cao nhất.

Những năm gần đây, mỗi khi Tết đến là lại xuất hiện những ý kiến tranh luận về việc giữ Tết, bỏ Tết, gộp Tết Âm với Tết Dương... Phía những người muốn thay đổi cho rằng, Tết chỉ khiến năng suất lao động giảm, hao phí tiền của, khiến nền kinh tế phát triển chậm lại so với các nước khác.

Tuy nhiên, những ý kiến phản biện lại có rất nhiều luận điểm để bảo vệ cho ngày Tết cổ truyền. Nghỉ Tết giúp con người có thời gian để lấy lại năng lượng, động lực làm việc sau 1 năm vất vả, miệt mài vùi đầu vào công việc. Nghỉ Tết nâng cao sức mua của người dân, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng. Nghỉ Tết giúp con người không bị biến thành những cỗ máy.

Tạm bỏ qua những ý kiến tranh luận. Nhìn vào thực tế, Tết khiến nhu cầu mua sắm hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ đều tăng cao, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy bán hàng.

Các tháng trước Tết, hầu như doanh thu của doanh nghiệp nào cũng tăng trưởng, điển hình là nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng.

Doanh thu Bibica luôn tăng vọt vào quý 4
Doanh thu Bibica luôn tăng vọt vào quý 4
Doanh thu Hải Hà quý cuối năm cũng luôn cao đột biến
Doanh thu Hải Hà quý cuối năm cũng luôn cao đột biến

Bánh kẹo là mặt hàng có thay đỗi rõ rệt nhất ngày Tết. Công ty bánh kẹo như Hải Hà hay Bibica là những người hiểu rõ nhất điều này.

Theo thống kê, tại Bibica, doanh thu quý 4 luôn luôn là quý cao nhất trong năm, thậm chí cao gấp 1,5-2 lần so với các quỹ khác.

Quý 4 năm 2015, Bibica đạt doanh thu tới 465 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần so với trung bình của 3 quý trước.

Tại bánh kẹo Hải Hà, tình hình cũng diễn ra tương tự. Doanh thu quý 4 cũng luôn cao gấp rưỡi so với các quý trước.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một công ty sản xuất kẹo nhỏ trên địa bàn Hà Nội cho biết, từ khoảng tháng 9 - tháng 10, không khí sản xuất đã bắt đầu trở nên vô cùng sôi động.

Khoảng thời gian này, nhà máy sản xuất bắt đầu chạy tăng ca. Nếu như các quý trước thường chỉ sản xuất 2 ca/ngày thì trong quý cuối năm, công ty phải tuyển thêm lao động thời vụ, làm thêm ca đêm thành 3 ca/ngày mới đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Người lao động cũng rất hào hứng với các tháng cuối năm. Bởi lẽ, tăng ca cũng đồng nghĩa với tăng thu nhập. Các tháng hè, bánh kẹo ít người mua, thu nhập công nhân chỉ vài triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, đến các tháng cuối năm, người nào chăm chỉ có thể đạt thu nhập cao gấp 2-3 lần, đó là chưa kể thưởng. Một số người nói vui rằng, "làm cả năm chỉ ngóng đến ngày Tết".

Bên cạnh bánh kẹo, các hãng bia như Sabeco, Habeco, Heineken cũng rất thích Tết. Các gia đình đến ngày Tết đều mua bia rượu, nếu không uống thì đem biếu, nếu không biếu thì để ở nhà tiếp khách. Ngày Tết, có một két bia trong nhà từ lâu đã trở thành thói quen của người Việt.

Đối với ông trùm trong ngành hàng tiêu dùng như Masan, Tết cũng là thời kỳ công ty kiếm bộn. Quý 4 năm 2015, Masan Consumer đạt doanh thu tới 4.660 tỷ đồng, cũng cao gấp rưỡi so với doanh thu các quý kahcs trong năm. Sang các quý 1-2-3 năm 2016, doanh thu lại sụt giảm về mức trung bình.

Không chỉ với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, mà các doanh nghiệp bán đồ điện tử cũng thường bán được nhiều hàng hơn vào các dịp Tết, khi người tiêu dùng muốn mua một chiếc tivi mới, hay sở hữu một chiếc smartphone mới.

Cuối năm 2016 vừa qua, các cửa hàng điện máy ồ ạt mở cửa. Điện Máy Xanh chỉ trong tháng 11 khai trương tới 38 cửa hàng, Nguyễn Kim đến đầu tháng 12 tuyên bố khai trương đồng loạt 14 trung tâm và Trần Anh chỉ trong gần 1 tháng mở tới 5 siêu thị điện máy.

Như vậy, với một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp Việt, ngày Tết có thể coi là cơ hội kiếm cơm chủ lực trong năm, nếu không có Tết, hẳn các doanh nghiệp và người lao động tại các doanh nghiệp này sẽ cảm thấy rất buồn.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM